Một Nhật Bản rất khác: Nghèo đói, lạnh lùng và cô đơn
"Nhật Bản là một quốc gia mà những thứ đen tối được che giấu dưới vỏ bọc đẹp đẽ, trong khi phần lớn người nước ngoài lại thích cái vỏ bọc đó quá mức mà quên đi cái lõi bên trong", anh Chen trần tình.
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia giàu có, hạnh phúc cũng như lịch sự. Tuy nhiên theo một số người đã từng sinh sống tại đây, sự thật có lẽ hoàn toàn khác.
Anh Elliot Chen, một người Trung Quốc đang sinh sống tại Nhật Bản mới đây đã chia sẻ những suy nghĩ về mặt tối đáng ngạc nhiên của Nhật Bản trên trang Quora.
"Nhật Bản là một quốc gia mà những thứ đen tối được che giấu dưới vỏ bọc đẹp đẽ mà phần lớn người nước ngoài lại thích cái vỏ bọc đó quá mức mà quên đi cái lõi bên trong", anh Chen trần tình.
1. Nhật Bản là nước giàu?
Là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, các du khách thường nhầm lẫn Nhật Bản là nước giàu, nhất là khi họ nhìn thấy những ánh đèn của khu phố sầm uất tại Shinjuku-Tokyo. Những món ăn ngon rồi hệ thống nhà vệ sinh tự động đều cho thấy chất lượng sống cao, đẹp đẽ, hoàn hảo.
Tuy nhiên ít ai biết rằng rất nhiều người Nhật đang ngày càng nghèo đi. Anh Chen đã từng ở qua đêm ở 1 quán cà phê truyện tranh do lỡ chuyến tàu. Đây là những quán có máy tính, đồ uống hay thậm chí là khu tắm rửa cho người đến đọc truyện và thư giãn, nhưng chúng dần biến thành những nhà trọ rẻ tiền cho người ngủ qua đêm.
"Khi thức dậy vào 7h sáng, tôi nhận ra rằng rất nhiều người quanh tôi thực sự sống trong những quán cà phê như thế này. Họ dậy mặc đồ công sở và đi làm," anh Chen thuật lại.
Mặc dù cũng có những khách qua đêm như kiểu anh Chen nhưng phần lớn người ngủ lại những quán cà phê dạng này là lao động bán thời gian, đang tìm kiếm lối ra cho sự nghiệp hoặc không thể chịu nổi chi phí thuê nhà quá đắt đỏ ở Tokyo.
Mang tiếng giàu có nhưng mức lương bình quân tại Nhật đã giảm tốc và thậm chí suy giảm trong 20 năm qua bất chấp lạm phát đi lên. Người dân thu nhập đi xuống trong khi giá cả ngày một tăng. Tổng nợ của Nhật hiện đã vượt 10 nghìn tỷ USD, cao gấp 2,5 lần so với tổng GDP trong khi nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn bám lấy người dân Nhật suốt hàng thập niên qua. Ít ai biết rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản là cơ quan tài chính lớn đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại chủ động hạ lãi suất về âm (dưới 0%).
Người Nhật nghèo đến mức chẳng có tiền thuê nhà
Người trẻ tuổi Nhật giờ đây phải vật lộn với cuộc đua tìm việc và phần lớn họ sẽ phải làm bán thời gian để mưu sinh. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn khi giới trẻ thiếu tiền, không kết hôn, mắc kẹt trong nghèo đói khiến nhiều công ty cũng làm ăn điêu đứng vì tiêu dùng giảm, khiến họ càng sa thải bớt nhân viên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng kêu gọi các công ty Nhật tăng lương nhưng họ chẳng thèm quan tâm. Thậm chí nhiều nơi thay vì tuyển lao động trong nước, họ nhập khẩu lao động nước ngoài dưới danh nghĩa học nghề, đào tạo để bóc lột lao động.
Nếu bạn rời các thành phố lớn như thủ đô Tokyo, hay thậm chí là những quận giàu có như Shibuya thôi, bạn sẽ thấy một Nhật Bản đang "chết" dần. Nhiều nơi tại Nhật đã trở thành những "thành phố chết" do các cửa hàng đóng cửa hàng loạt vì khó kinh doanh. Những cửa hàng nhỏ tại Nhật giờ chẳng thể sống được khi phải cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ. Các nhà hàng hiện đại quanh các nhà ga cũng đang chết dần khi người dân chẳng có đủ tiền vào đó ăn.
Thanh thiếu niên ở các vùng kém phát triển hơn đổ lên thành phố làm ăn, bỏ mặc người già tại các vùng nông thôn. Nông nghiệp Nhật giờ đây đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, hàng loạt ngôi làng bỏ hoang vì người già qua đời dần.
Nổi tiếng về công nghệ là thế nhưng anh Chen cho rằng Nhật Bản lại là một nơi tệ hại để khởi nghiệp. Những nhà khởi nghiệp và tư tưởng cách mạng, sáng tạo bị bóp nghẹt bởi cấu trúc xã hội, doanh nghiệp cổ hủ, cứng nhắc và đi kèm với đó là nỗi sợ thất bại. Văn hóa tự tôn khiến người Nhật coi trọng mặt mũi, danh dự hơn tất cả nhưng chúng lại là thuốc độc với tinh thần chấp nhận mạo hiểm của startup. Ngay cả những cuộc cách mạng smartphone, internet hay 5G gần đây đều không có bóng dáng của công ty Nhật. Những ông lớn như Sony, Toyota đang thống trị thị trường và khiến hàng loạt startup Nhật chẳng phất lên nổi.
Theo anh Chen, Nhật Bản giờ đây chẳng còn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế nữa. Nền kinh tế này từng phất lên nhanh chóng vào thập niên 1960 nhờ giá nhân công rẻ nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Đông Nam Á, hàng hóa của họ giờ đây đắt hơn, chi phí nhân lực cao hơn và khó xuất khẩu hơn. Thậm chí mảng giải trí của Nhật giờ đây cũng bị nước láng giềng Hàn Quốc vượt mặt.
Đừng để những khu phố hào nhoáng tại Nhật đánh lừa bạn nhé
Trớ trêu thay, Nhật Bản vẫn không chịu đổi mới để thoát khó. Người Nhật vẫn coi trọng tiếng Nhật hơn tiếng Anh, họ không thích người nhập cư nước ngoài dù dân số lão hóa nhanh. Ngay cả với nữ giới, Nhật Bản cũng quá khắt khe khi cho rằng họ chỉ cần làm bán thời gian và công việc chính là nội trợ chăm con. Kết hợp với sự phân biệt đối xử tại cơ quan, nhiều phụ nữ Nhật ngày nay chẳng còn muốn kết hôn vì mải mê lo sự nghiệp.
Sự cứng nhắc và tự tôn thái quá trong khi đáng lẽ ra họ phải mở cửa, thay đổi khiến Nhật Bản dần thụt lùi so với các nước trong khu vực.
2. Người Nhật lịch sự?
Người Nhật rất lịch sự trong các trường hợp nghiêm túc. Họ khá dễ mến với người nước ngoài hay khách khứa nhưng đó chỉ là phép xã giao tùy theo bối cảnh. Người Nhật ít lịch sự hơn với tầng lớp phục vụ hoặc ở vị trí dưới cơ như bồi bàn, tiếp tân hay bảo vệ. Điều này có thể đặc biệt thấy rõ trong các tập đoàn lớn khi sự phân hóa cấp bậc được thể hiện vô cùng rõ ràng.
Anh Chen là một người Trung Quốc sống tại Nhật nên anh hiểu rõ sự phân biệt này. Những người bạn da trắng của anh được người Nhật đối xử tử tế nhất. Khi anh Chen không nói tiếng Anh thì chỉ nhận được mức đối xử như người Nhật. Thậm chí khi nói tiếng Anh hoặc tiếng Nhật kém anh còn bị đối xử tệ hơn.
Những người da vàng và da đen là bị phân biệt đối xử nhất ở Nhật. Họ bị kỳ thị và dù không mấy người Nhật thừa nhận, người bản địa không chào đón những người nước ngoài này.
Anh Chen sống trong khu chung cư nhiều người Nhật và họ chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. Người Nhật chẳng muốn giao tiếp bằng mắt và cũng hạn chế chủ động nhìn nhau nếu gặp ngoài cầu thang. Rõ ràng người Nhật có vấn đề với việc tiếp xúc người lạ. Họ đơn giản chỉ là không biết hành xử như thế nào bởi xã hội Nhật không khuyến khích việc thân thiện với người lạ. Vòng giao tiếp của người Nhật chỉ quanh quẩn 2 hướng là bạn bè, người thân (ngoài đời thường) và ông chủ hay cấp dưới (ở chỗ làm).
Khách du lịch chỉ nhìn thấy văn hóa mỉm cười cúi chào xã giao của họ ở nơi công cộng mà chẳng thấy được lối sống lạnh lùng, đè nén sau mỗi nụ cười đó.
Ẩn sau mỗi nụ cười xã giao này là sự lạnh lùng, cô đơn và đè nén
3. Người Nhật sống hạnh phúc?
Trên thực tế, người Nhật sống cô đơn, mệt mỏi và quá nhiều áp lực. Chỉ có điều tỏ ra không hạnh phúc là bất lịch sự trong văn hóa nên người Nhật ít khi thể hiện cảm xúc buồn rầu, khóc lóc. Văn hóa tự tôn cũng khiến họ trọng mặt mũi, không muốn thể hiện mình yếu đuối. Đến ngay cả việc nhường chỗ cho người già trên tàu tại Nhật cũng coi là cấm kỵ khi chúng thể hiện sự coi thường người cao tuổi.
Người Nhật hay chôn giấu cảm xúc và chính điều đó khiến ngày càng nhiều người mất tinh thần, dẫn đến những vụ giết người thương tâm vì quá áp lực.
Tỷ lệ tự tử tại Nhật cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Việc nhảy ra trước đầu tàu tại Nhật phổ biến đến nỗi chính phủ đã ban hành luật phạt các gia đình có người thân tự tử như vậy nhằm giảm thiểu các rắc rối.
Tại Nhật, hơn 50% số người trong độ tuổi 20-30 không muốn kết hôn, hay còn gọi là Soshoku Danshi. Họ không muốn phải nai lưng làm đến chết chỉ để nuôi sống gia đình. Thay vào đó, họ sống với những niềm vui thú như truyện tranh hay lướt Internet để giải tỏa áp lực cuộc sống.
Ngoài ra, câu chuyện những người già chết cô đơn trong căn hộ chẳng còn hiếm. Ngành dịch vụ dọn dẹp cho người già qua đời trong căn hộ, để lại một mớ lộn xộn đang ngày càng phát tài ở Nhật. Theo một khảo sát năm 2015, chỉ có khoảng 7% người Mỹ không còn hy vọng gì vào tương lai nhưng con số này lên đến 45,5% ở Nhật.