Một nguyên liệu quan trọng tại Ấn Độ giảm sâu, nguy cơ rung chuyển thị trường thế giới - là mặt hàng Việt Nam có sản lượng 11 triệu tấn/năm

Khánh Vy,
Chia sẻ

Mặt hàng này từng bị Ấn Độ và Nga hạn chế xuất khẩu vì thiếu hụt nguồn cung.

Một nguyên liệu quan trọng tại Ấn Độ giảm sâu, nguy cơ rung chuyển thị trường thế giới - là mặt hàng Việt Nam có sản lượng 11 triệu tấn/năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Reuters, năng suất mía ở Ấn Độ đang giảm mạnh do thời tiết hạn hán năm ngoái và mưa lớn quá mức năm nay. Điều này có thể khiến sản lượng đường của Ấn Độ thấp hơn mức tiêu thụ lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Sản lượng thấp hơn dự kiến từ nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới có thể loại bỏ khả năng Ấn Độ cho phép xuất khẩu trong mùa vụ hiện tại kết thúc vào tháng 9/2025.

Các bang Maharashtra, Karnataka, và Uttar Pradesh chiếm hơn 80% tổng sản lượng đường của Ấn Độ. Năng suất thấp ở các bang này đã khiến các nhà kinh doanh điều chỉnh giảm ước tính sản lượng cho mùa vụ 2024/2025.

Sản lượng đường có thể giảm xuống còn khoảng 27 triệu tấn, so với 32 triệu tấn của niên vụ 2023/2024, và thấp hơn mức tiêu thụ hàng năm hơn 29 triệu tấn, theo đại diện của một công ty thương mại toàn cầu tại Ấn Độ.

"Trong những tháng hè, cây mía phải chịu căng thẳng kéo dài do thiếu nước. Khi mùa mưa bắt đầu, lượng mưa quá lớn và ánh nắng mặt trời hạn chế cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng." , ông B.B. Thombare, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy đường miền Tây Ấn Độ, cho biết.

Thời tiết bất lợi đã làm giảm năng suất mía từ 10 đến 15 tấn trên mỗi hecta, ông Thombare nói.

Một nguyên liệu quan trọng tại Ấn Độ giảm sâu, nguy cơ rung chuyển thị trường thế giới - là mặt hàng Việt Nam có sản lượng 11 triệu tấn/năm - Ảnh 2.

Bang Maharashtra ở phía tây và bang Karnataka lân cận, nơi sản xuất gần một nửa sản lượng đường của Ấn Độ, nhận lượng mưa thấp hơn mức trung bình vào năm 2023, khiến mực nước tại các hồ chứa giảm.

"Thông thường, chúng tôi thu hoạch được 120 đến 130 tấn mía từ mỗi hecta đất, nhưng năm nay năng suất chỉ đạt 80 tấn dù đã nỗ lực hết sức," ông Shrikant Ingle, một nông dân trồng mía trên năm mẫu đất tại Maharashtra, chia sẻ.

Hạn hán không ảnh hưởng đến cây trồng ở bang Uttar Pradesh, bang sản xuất đường lớn nhất của Ấn Độ ở phía bắc. Tuy nhiên, các đồn điền ở bang này lại bị ảnh hưởng bởi bệnh thối đỏ (red rot), làm giảm năng suất mía, theo một quan chức cấp cao của chính quyền bang.

Lãnh đạo của một công ty thương mại cho biết việc điều chỉnh giảm ước tính sản lượng đã loại bỏ khả năng xuất khẩu trong mùa vụ hiện tại.

Ngành công nghiệp đường đang tìm cách xuất khẩu 2 triệu tấn, trong khi chính phủ cho biết có thể chỉ cho phép xuất khẩu hạn chế, nếu có dư thừa sau khi đáp ứng nhu cầu ethanol.

Quốc gia đông dân nhất thế giới từng ra lệnh hạn chế xuất khẩu đường kể từ tháng 10/2023 để duy trì đủ nguồn cung trong nước. Cuối năm ngoái, Ấn Độ yêu cầu các nhà máy đường ngừng sử dụng mía để sản xuất ethanol cho niên vụ 2023/2024 nhằm tăng dự trữ đường. Động thái này đã khiến giá đường tăng cao kỷ lục.

Vào tháng 5/2024, một quốc gia khác là Nga cũng gây chú ý khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đường. Quy định áp dụng cho đường mía, đường củ cải và đường không sucrose ở dạng rắn.

Tại Việt Nam, sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2023/2024 đạt 11,2 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn (tương ứng tăng 17,9%) so với vụ 2022/2023 là 9,49 triệu tấn và 7,53 triệu tấn của vụ 2021/2022, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2023/2024 đạt gần 175.000 ha, với năng suất đường lần đầu tiên đạt 6,79 tấn/ha. So với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.

Tham khảo: Reuters

Chia sẻ