Một loại kính áp tròng giúp người mù sáng mắt

,
Chia sẻ

Các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một loại kính áp tròng có thể giúp người mù sáng mắt trở lại, cải thiện thị lực chỉ trong vài tuần.

Các chuyên gia này đã sử dụng tế bào của chính bệnh nhân để chữa trị giác mạc bị hỏng – lớp ngoài cùng trong suốt của mắt.  

Bệnh nhân sẽ được gây mê và trở về nhà sau 2h phẫu thuật mà không cần phải tốn tiền cho việc nằm viện. 

Có 3 bệnh nhân đã tham gia vào quá trình thử nghiệm trên. Họ đều là những người từng có thị lực rất kém do bị bệnh về giác mạc – hình thức bị mù phổ biến thứ tư. Bệnh về giác mạc xảy ra do nhiều nguyên nhân: gien, phẫu thuật, bỏng rát, viêm nhiễm hoặc hóa học trị liệu, và các phương pháp điều trị thường bao gồm ghép mô, cấy ghép và uống các loại thuốc như steroid. 

Nhóm chuyên gia của trường Đại học New South Wales, Sydney, đã khai thác khả năng của các tế bào gốc – ‘tế bào chủ’ có khả năng biến thành các loại tế bào khác. 

Họ đã lấy các mẫu tế bào gốc ra khỏi mắt của hai người đàn ông và một phụ nữ bị bệnh giác mạc và nuôi chúng trên một cặp kính áp tròng. 

Sau đó, những cặp kính áp tròng được phủ tế bào gốc này lại được đưa vào mắt của bệnh nhân trong  3 tuần. 

Trong thời gian ấy, các tế bào gốc đã di chuyển khỏi kính áp tròng và bắt đầu chữa trị  các giác mạc đang bị hỏng. 

Việc sử dụng tế bào của chính bệnh nhân sẽ giúp họ không cần phải chờ đợi có người hiến tế bào và tất nhiên việc cấy ghép cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.  

Nhà nghiên cứu Nick Di Girolamo cho biết: “Quá trình này hoàn toàn đơn giản và không tốn kém. Sẽ không có đường khâu, vết mổ”. 

“Không giống như những phương pháp khác, nó không cần phải lấy những gì từ cơ thể người khác mà của chính bệnh nhân”. 

Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các bộ phận khác của mắt như võng mạc và thậm chí là bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. 

Tiến sỹ Di Girolamo nói: “Nếu phương pháp này có thể thực hiện cho mắt thì tôi nghĩ nó cũng có thể hiệu quả cho các bộ phận khác của cơ thể khác như da bởi da vốn cũng có những đặc điểm tương tự với giác mạc”. 

Tiến sỹ Kuldip Sidhu, một chuyên gia về tế bào gốc cũng của trường Đại học New South Wales, cho biết “chiến lược thông minh” này là một bước tiến cho việc sử dụng tế bào để điều trị các bệnh gây suy nhược ở người.

Giáo sư Loane Skene, của trường Đại học Melbourne, nói: “Miễn là trước khi sử dụng, các bệnh nhân được thông báo rằng phương pháp mới  này vẫn mang tính thử nghiệm và vẫn chưa tìm ra những nguy cơ đi kèm có thể xảy ra đồng thời họ đồng ý sử dụng chúng thì việc sử dụng tế bào gốc  của bệnh nhân sẽ không là vấn đề gây tranh cãi về mặt đạo đức như việc cấy ghép da”.
 Thụy Vân
Theo DM
Chia sẻ