Một hành động tưởng "hâm dở" của cha mẹ nhưng thực chất giúp con phát triển trí thông minh vượt trội
Hành động này của cha mẹ tác động rất lớn đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Một người mẹ bế con đi trên đường. Dù con của cô rất nhỏ, có vẻ mới hơn 1 tuổi nên chưa thể nói, cũng chưa hiểu được chuyện gì nhưng cô vẫn vừa đi vừa tỉ tê với con suốt cả quãng đường. Cô miêu tả chi tiết cho con những gì mình thấy, những người đi lướt qua... Mỗi lời nói của cô đều tràn đầy yêu thương và ấm áp.
Trong mắt người ngoài, hành động của người mẹ có thể hơi... "hâm dở" vì con đã hiểu gì đâu mà nói nhiều như thế. Tuy nhiên hành động của cô thực chất rất tuyệt vời, bởi mỗi lời nói đều như hạt mầm, gieo vào mảnh đất tâm hồn của trẻ, nuôi dưỡng não bộ trẻ từng ngày.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mức độ IQ của trẻ tỷ lệ thuận với lượng từ vựng mà trẻ nghe được trước 3 tuổi.
Những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dạy bằng ngôn ngữ tình cảm khi còn nhỏ thì lớn lên sẽ nhanh trí, phản ứng nhanh, hòa đồng và luôn có nhiều ý tưởng mới mẻ, thú vị. Trẻ sẽ khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi nói chuyện cùng.
Nhiều người thường nghĩ rằng trẻ nhỏ thì đã biết gì. Nhưng thực chất, trong năm đầu tiên sau khi sinh, bộ não của trẻ hoạt động bận rộn nhất, nó tạo ra hơn 1 triệu kết nối thần kinh mỗi giây. Vậy nên trước năm 1 tuổi, thị giác, thính giác và xúc giác của trẻ đều phát triển rất nhanh chóng.
Trong giai đoạn này, khi tương tác với trẻ, cha mẹ cần giao tiếp bằng mắt và cơ thể nhiều hơn. Chẳng hạn, cha mẹ vừa nhìn vào mắt con vừa nói chuyện, hoặc xoa đầu con nhẹ nhàng. Điều này sẽ khiến trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và hình thành nên mối quan hệ yêu thương, quấn quít. Nhìn chung, lời nói nhẹ nhàng, nhân văn của cha mẹ chính là cơ sở để con phát triển cả IQ và EQ.
Một lưu ý nhỏ với cha mẹ, đó là trẻ rất dễ bị thu hút bởi những âm thanh thú vị và những từ ngữ có vần điệu. Vì vậy, ngoài những cuộc trò chuyện hàng ngày, cha mẹ nên hát cho con những bài đồng dao.