Một buổi học "kỳ lạ" ở TP.HCM: Cha mẹ cùng con làm học sinh, trải nghiệm những môn học nghe tên thôi đã thấy hào hứng
Nhiều phụ huynh, học sinh khá hào hứng vì lần đầu được tiếp xúc với môn học và kiểu tương tác cởi mở này.
Muốn tìm hiểu về chương trình học của con nhưng không chỉ trên lý thuyết, chị Hoàng Uyên (Quận Gò Vấp, TP.HCM) đã dành một buổi sáng cuối tuần để tham gia lớp học với vai trò "đặc biệt": Cùng con làm học sinh. Đây là một hoạt động trải nghiệm tại trường Quốc tế Nam Mỹ UTS (TP.HCM), nhằm giúp ba mẹ có thể "mắt thấy, tai nghe" những tiết học mà con mình sẽ được trải nghiệm sau này.
Mỗi lớp học như vậy sẽ gồm các tiết học ngắn kéo dài 15 - 20 phút, với kiến thức được tinh gọn và tập trung vào hoạt động trải nghiệm. Có con ở độ tuổi cấp Tiểu học, chị Uyên cùng con được khám phá 3 môn: Dự án công dân toàn cầu (Global Skills Project), Quản lý sức khỏe và cảm xúc xã hội (Wellbeing), Tiếng Anh (English).
Bà mẹ hào hứng đánh giá, cách tiếp cận mới mẻ và thực tế của thầy cô đã giúp các con hứng khởi tham gia và tích cực phát biểu xây dựng bài học. Sau tiết học cùng con, chị còn học được từ giáo viên cách truyền đạt kiến thức, phương pháp dạy học, giúp ích cho phụ huynh trong việc khuyến khích, giáo dục con học tập ở nhà. Có những kiến thức ban đầu chị cứ ngỡ sẽ "quá sức" và xa rời với một học sinh lớp 3 như con mình, nhưng khi vào học mới thấy, con trẻ thông minh và tiếp thu tốt hơn phụ huynh nghĩ.
Chẳng hạn, tiết học Dự án công dân toàn cầu (Global Skills Project) sử dụng phương pháp học tập dựa trên dự án, học sinh tham gia vào các tình huống thực tế để giải quyết vấn đề và trau dồi kỹ năng. Ở buổi học trải nghiệm hôm đó, con chị Uyên được làm quen với khái niệm về sustainability: Thực hiện các hành động để đảm bảo "sức khỏe" lâu dài của môi trường và xã hội. Tìm hiểu về thời gian tiêu hủy của các vật dụng làm từ nylong.
Con học về phương pháp bảo vệ môi trường 3R (Reduce, Reuse, Recycle) – (Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) qua hoạt động ngắn. Mỗi nhóm sẽ nhận được các vật dụng làm từ nylong như mút xốp, túi bóng khí chống xốc, hộp xốp, muỗng... từ đó xác định cách áp dụng 3R phù hợp và chia vật dụng về thùng đựng tương ứng.
Tại tiết học, chị Uyên cùng nhiều phụ huynh khác tham gia trả lời các câu hỏi để kiểm tra kiến thức về ô nhiễm môi trường, thời gian phân hủy rác thải..., đồng thời thực hành các thí nghiệm nhỏ với các loại vật liệu. Các con cũng tham gia cùng bố mẹ tạo không khí vui tươi, hào hứng.
"Cũng là học về môi trường nhưng rõ ràng phương pháp này khiến con nhớ kiến thức lâu hơn, vừa rèn được tiếng Anh vừa bước đầu làm quen với khái niệm bền vững và trách nhiệm với xã hội qua cách làm đơn giản nhưng hữu hiệu. Bé nhà mình khá hào hứng vì lần đầu được tiếp xúc với môn học và kiểu tương tác cởi mở này", chị Uyên nhận định.
Tiết học chị Uyên thích nhất là Quản lý sức khỏe và cảm xúc xã hội (Wellbeing). Con chị Uyên cùng một số bạn khác được làm quen với 3 vùng cảm xúc: Vùng thoải mái (Comfort zone): Cảm thấy an toàn, thoải mái. Vùng căng thẳng (Stretch zone): Cảm thấy không thoải mái. Vùng hoảng loạn (Panic zone): Cảm thấy choáng ngợp.
Con được học cách xác định những cảm xúc, suy nghĩ và sự thay đổi của cơ thể khi đang ở trong vùng hoảng loạn. Học cách "giải phóng" nguồn năng lượng qua việc tập hít thở sâu, trấn an bản thân rằng "mình có thể làm được", gọi điện cho bạn thân, đi bộ hoặc tập thể dục, thư giãn bằng âm nhạc nhẹ nhàng hoặc mùi hương dễ chịu.
Với tiết học tiếng Anh (English), con được tham gia vào trò chơi nghe âm thanh, đoán tên các loại nhạc cụ để ôn lại từ vựng đã học và học thêm những tên nhạc cụ mới. Luyện khả năng học nhớ ngay và ghi nhớ lâu hơn qua trò chơi đúng – sai: Xác định tính đúng – sai của những gợi ý về âm thanh và tên gọi tương ứng. Học sinh mở rộng vốn từ vựng Tiếng Anh và biết thêm về các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc.
Dù thời gian của tiết học rất ngắn nhưng các con được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, phát triển cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tương tác với các thầy cô nước ngoài sôi nổi.
"Niềm vui" của con cũng là "thành tích" quan trọng
Được biết, Dự án công dân toàn cầu (Global Skills Project), Quản lý sức khỏe và cảm xúc xã hội (Wellbeing), Tiếng Anh (English) là các môn học nằm trong chương trình Quốc tế Oxford được Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS triển khai bắt đầu từ năm học 2021-2022, với một lộ trình học tập xuyên suốt, rõ ràng từ Tiểu học đến Trung học Cơ sở (Lớp 8). Thay cho những kiến thức dày đặc lý thuyết, Chương trình Quốc tế Oxford chú trọng vào tính hữu dụng của tri thức bằng cách lồng ghép thực hành qua những hoạt động, thí nghiệm... vào mỗi bài học.
Trong chương trình Quốc tế Oxford, Wellbeing - Sức khỏe và Quản lý cảm xúc xã hội được xem là môn học cốt lõi. Môn học được xây dựng dựa trên 2 phương pháp tiếp cận: Tư duy phát triển nuôi dưỡng niềm tin của học sinh rằng trí thông minh có thể trau dồi, và Sự chánh niệm nuôi dưỡng sự thấu cảm và kỹ năng quản lý cảm xúc.
Mỗi đứa trẻ, lại có những "màu sắc" cảm xúc khác nhau. Nhiều cha mẹ cảm thấy loay hoay trong việc nhận biết nhu cầu của con để hướng dẫn hợp lý. Hơn nữa, thế giới con trẻ đang sống khác xa với thời của bố mẹ ngày trước. Trong thời đại nơi bất kỳ ai cũng gặp các vấn đề về tâm lý, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, giáo dục well-being là liều thuốc hiệu quả cho những tâm hồn tổn thương và mong muốn được chữa lành. Trường học là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần của học sinh bởi lẽ các em dành thời gian chính trong ngày để đến trường, gặp gỡ thầy cô và bạn bè. Lẽ dĩ nhiên, trường học cũng là một trong những nơi học sinh dễ bắt gặp các vấn đề tiêu cực về mặt cảm xúc.
Đây là lúc, việc học "Wellbeing" trở nên cấp thiết và quan trọng, không chỉ đối với con cái mà với cả người lớn.
Qua từng cấp lớp, bài học được xây dựng từ đơn giản đến chuyên sâu. Ngoài ra, trường Quốc tế Nam Mỹ còn thành lập "Hội đồng Hạnh phúc" nhằm giúp bất kỳ học sinh nào có khó khăn hay tâm tư cũng có thể tìm tới để được giãi bày, tìm lời khuyên.
Có thể nói, Wellbeing như một "làn gió mát lành" tác động tích cực lên sự phát triển của học sinh. Đặc biệt, chính phụ huynh cũng phải trở thành người tích cực để trẻ hạnh phúc theo, bởi hạnh phúc cũng có tính lan truyền.
Anh Trần Triều - phụ huynh có con học tại UTS chia sẻ: "Tôi đưa con đến trường, khi chào tạm biệt, tôi không chúc con đạt điểm cao mà chúc con học vui. Tôi biết có không ít phụ huynh khác cũng vậy. Nhiều người muốn con hạnh phúc khi đến trường. Mà nếu đứa trẻ hạnh phúc, việc đạt kết quả tốt trong học tập sẽ đến như lẽ tất yếu".