Món quê lên phố: Bỏng gạo dân dã bất ngờ xuất hiện giữa Thủ Đô, giá 10 ngàn đồng hút khách
Món bỏng gạo một thời thịnh hành ở các miền quê cách đây hàng chục năm sau một thời “vắng bóng” nay bất ngờ xuất hiện giữa Thủ Đô. Nhiều người nói đây là "bim bim Việt Nam".
Người già, trẻ em, phụ nữ đều thích thú
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội bất ngờ xuất hiện khá nhiều điểm nổ bỏng tại chỗ và bán cho người dân với giá chỉ từ 10 – 15 nghìn đồng/túi.
Nhiều người dân thích thú đón nhận và mua nhiệt tình món quà ăn vặt xa xưa vốn khá phổ biến tại các làng quê Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi, món bỏng gạo này được làm từ một chiếc máy nổ, có 2 người phụ trách, người đổ gạo, người cắt bỏng nổ.
Ghi nhận của chúng tôi trên đường Trung Văn (Nam Từ Liêm – Hà Nội) có đến 2 địa điểm đặt máy nổ bỏng, khách luôn đông đúc, thậm chí nhiều lúc máy hoạt động hết công suất phục vụ không kịp. Vẫn là chiếc máy nổ chạy bằng dầu diesel, làm mát bằng nước lã, nhả khói đen xì nhưng chính những điều đó đã khiến không ít người sống tai Thủ đô thích thú.
Ngoài địa điểm này, nhiều địa điểm khác xuất hiện bỏng gạo nổ tại chỗ cũng gây chú ý như khu vực đường 32, khu Nguyễn Xiển, Linh Đàm hoặc phía bên kia cầu Thăng Long.
Theo đó tất cả các địa điểm bao giờ cũng có từ 2-3 người thực hiện việc nổ bỏng và bán ngay tại chỗ. Nếu như ngày xưa, bỏng thường có nhiều loại như: bỏng gạo, ngô, các loại đậu thì nay các địa điểm chủ yếu cung cấp 2 loại gồm bỏng gạo thường và gạo lứt.
Giá mỗi bịch bỏng gạo thường là 10 nghìn đồng còn gạo lứt là 15 nghìn đồng. Theo đánh giá của nhiều khách hàng tại Hà Nội thì mức giá khá rẻ và chất lượng cũng chấp nhận được.
Theo khảo sát của chúng tôi, nguyên liệu của loại bỏng này chủ yếu là gạo, mì tôm, đường kính trắng và chút gia vị.
Chị Mai Khanh (trú tại KĐT Linh Đàm) cho biết: “Món bỏng này ngày xưa tôi ăn rất nhiều. Nhưng từ khi lên thành phố cũng hiếm gặp. Mấy ngày trước, đi đường bất ngờ thấy người ta ngồi nổ bỏng, nhìn hay hay nên mua về ăn thử. Tôi thấy bỏng ngon, lại giòn tan do khi vừa nổ xong, so với các loại bim bim đóng gói chắc chắn hơn nhiều".
Thu nhập khá, nhưng nhanh lụi
Theo ghi nhận của chúng tôi, nghề nổ bỏng gạo tại chỗ thường kiếm một bãi đất trống, rộng để làm chỗ nổ bỏng và buôn bán. Hơn hết vị trí đó phải đón được khách nhiều bởi theo kinh nghiệm của những người làm nghề thì có đến 50% khách do tò mò, thích thú và tạt lại mua.
Trao đổi về điều này, anh Hưng, chị Bền làm nghề nổ bỏng gạo cạnh KĐT Linh Đàm cho biết: “Hai vợ chồng ở Vĩnh Phúc, thời gian này rảnh nên đã mượn một đầu máy nổ của ông anh và mua đầu nổ bỏng lên làm nghề. Cách đây khoảng nửa tháng thì bán được nhiều lắm, thậm chí có ngày nổ được hơn 1 tạ gạo, máy chạy còn không kịp để bán nữa”.
Cũng như vợ chồng anh Hưng, chị Bền thì tại khu vực Trung Văn một gia đình làm nghề này cũng tâm sự: “Hiện tại bắt đầu nổ từ khoảng 3 giờ chiều đến tầm 7 giờ tối thì về. Số lượng mỗi ngày cũng tầm 50-60kg gạo. Ngoài bán lẻ cho người dùng trực tiếp còn cung cấp cho một số người bán buôn".
Nói thêm về vấn đề an toàn thực phẩm, chị Bền cho hay: “Bỏng nổ ra nguyên liệu chỉ có gạo, mì tôm và đường thôi chứ chẳng có gì thêm. Hơn nữa, khi chúng tôi nổ bỏng ra thì có người cắt, cho ngay vào túi để đảm bảo bỏng giữ được giòn nên không có lẫn bụi bặm đâu”.
Những điểm nổ bỏng gạo bán cho người dân chủ yếu hoạt động từ chiều đến tối, thời gian khoảng 3-4 giờ nhưng nhiều điểm cũng thu về cả triệu đồng/ngày. Tiết lộ về điều này, anh Hưng cho hay: “Thời gian đầu 2 vợ chồng cũng lời được tầm trên 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ các chi phí".
Theo anh Hưng cũng như nhiều người khác cho biết, họ khá lo ngại vì thời gian này đang nằm trong “đỉnh cao của việc bán hàng”, nhưng tầm nửa tháng đến 1 tháng nữa thì khách mua hàng giảm xuống họ sẽ tính quay trở lại với việc thường ngày hay làm công việc khác.