Món bánh cuốn có cả côn trùng của người Việt: Ai không quen nhìn chẳng dám ăn, nghe giá mới bất ngờ
Nhiều thực khách phải giật mình khi nhìn thấy trong đĩa bánh cuốn vốn quen thuộc giờ lại có cả "côn trùng".
Bên cạnh những điểm đến, những nét đặc sắc trong lịch sử, văn hoá, Việt Nam còn sở hữu nền ẩm thực đa dạng và phong phú, từ đó trở thành điểm nhấn thu hút du khách thập phương. Trong những món ăn Việt, có cả những món ăn được tận dụng từ chính những nguyên liệu dân dã trong đời sống, hay cả những... loài côn trùng.
Món ăn sau đây là một ví dụ. Vốn dĩ, nó là một phiên bản của món ăn vốn đã quen thuộc với nhiều thực khách - bánh cuốn. Ở phiên bản đặc biệt này, không chỉ có nào mộc nhĩ, nấm hương, bánh cuốn được làm từ gạo dẻo thơm, bát nước chấm thơm lừng hay chả mỡ, thịt nướng, còn có một nguyên liệu khác. Đó là một loài côn trùng mang tên cà cuống.
Nhắc đến bánh cuốn, người ta nhớ ngay đến những lát bánh được tráng mỏng, trắng, mịn màng, thơm lừng. Bánh cuốn truyền thống vốn không có nhân, nhưng để phục vụ khẩu vị của đa dạng thực khách, các phiên bản của bánh cuốn dần phát triển hơn, có nhân hành phi, nhân mộc nhĩ hay nhân thịt băm. Khi ăn thường chấm cùng nước mắm tỏi ớt riêng biệt.
Còn cà cuống là một loài côn trùng phổ biến ở các vùng nông thôn miền Bắc nước, sinh sống chủ yếu ở vùng nước tại các ruộng sâu, hồ ao, sông lạch... Tên khoa học của cà cuống là Belostoma indica Vitalis. Theo lời nhiều người trung niên, cao tuổi kể lại, trước kia, cà cuống thường được bắt về nướng, chiên để ăn trong bữa cơm hàng ngày của người Bắc.
Món bánh cuốn và loại côn trùng khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra hương vị thế nào? (Ảnh minh hoạ)
Sự kết hợp của món ăn mềm mại như bánh cuốn, với loại côn trùng "thô kệch" như cà cuống, tưởng như không hợp, song trên thực tế lại hấp dẫn bao thực khách. Nhiều thực khách trẻ khi lần đầu tiên nhìn thấy chú cà cuống nguyên con, kích thước khoảng bằng chú gián, được chiên rán, hoặc hấp, rồi đặt trực tiếp cùng đĩa bánh cuốn, hẳn là sẽ có phần e dè. Tuy nhiên theo chủ một cửa hàng bán bánh cuốn cà cuống, đây lại là món khoái khẩu của nhiều người thế hệ trước, khoảng 5x, 6x hay 7x.
"Cà cuống ngày xưa các cụ thường bắt ở ruộng, ở đồng. Nhưng bây giờ để bắt tự nhiên thì hơi hiếm. Vị của cà cuống thì các bác tầm tuổi 6x, 7x thì mới biết rõ. Còn những người trẻ thì khó. Ai mà quen ăn thì sẽ thấy vị rất thơm. Có những người đến đây chỉ để thưởng thức vị cà cuống đó thôi", chủ một cửa hàng bánh cuốn có bán bánh cuốn cà cuống trên phố Hồng Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Cà cuống sẽ được đặt nguyên con trực tiếp trên đĩa bánh cuốn, khi ăn thực khách thưởng thức luôn hoặc có thể cắt nhỏ, cho vào bát nước chấm. Trong cà cuống có một tinh chất đặc biệt, giúp món ăn trở nên thơm hơn, dậy mùi hơn, hơi hăng và cay nhẹ.
Hiện nay ở thủ đô Hà Nội nói riêng, khá ít cửa hàng bánh cuốn có phục vụ phiên bản bánh cuốn đặc biệt với cà cuống này. Tiêu biểu là cửa hàng bánh cuốn lâu đời, nằm trên phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng. Đây cũng là một trong những cửa hàng nằm trong danh sách Michelin Selected 2024 ở Hà Nội mới nhất vừa được công bố hồi đầu tháng 7.
Giá bán cà cuống ở các hàng bánh cuốn được tính theo con, khoảng 60.000 - 70.000 đồng/con. Còn ở các cơ sở nuôi trồng, cung cấp số lượng lớn, giá bán được tính theo cân, dao động từ 5.000.000 - 6.000.000 đồng/kg (80 - 100 con tuỳ kích thước).
Bên cạnh được áp dụng vào món bánh cuốn, cà cuống cũng được chế biến theo nhiều hình thức, thêm vào nhiều món ăn khác nhau ở từng vùng miền, địa phương, tuỳ theo sở thích và khẩu vị của người ăn. Ví dụ như ở một số tỉnh miền Tây, loài côn trùng từ đồng ruộng được đem chiên giòn và ăn trực tiếp cùng các loại rau sống; hay cà cuống nướng, cà cuống quay... Tại một số quốc gia khác ở Châu Á như Thái Lan, Ấn Độ hay Singapore, nó cũng được sử dụng như một món ăn ngon.
Sở dĩ có hương thơm, hơi hăng và cay là do đằng sau gáy của những con cà cuống thường có 1 túi tinh dầu. Hương vị đặc trưng của cà cuống chính là đến từ túi tinh dầu này. Đặc biệt khi cắt nhỏ để hoà cùng nước chấm, hương vị tinh dầu sẽ hoà vào cùng món ăn, tạo nên nét độc đáo riêng biệt.
Giờ đây, do lượng cà cuống đã khan hiếm hơn trước, để chiều lòng thực khách, nhiều cửa hàng đã tìm ra các cách chiết xuất, nhập khẩu riêng loại tinh dầu có hương vị giống như tinh dầu từ cà cuống. Tuy nhiên, nhiều thực khách "sành ăn" vẫn có thể phát hiện ra một số điểm khác biệt giữa 2 loại.