Món ăn từng bị ghét bỏ lại đang trở thành lối sống của người Mỹ
Những món ăn vặt từng bị chê bai vì xuất phát từ đường phố, thường gắn với người lao động khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây, chúng đã trở thành lối sống của người Mỹ.
Hãy quên một ngày chỉ có 3 bữa sáng, trưa và tối đi. Giờ đây mọi người lại ưa chuộng những bữa phụ trong ngày.
Các công ty lớn báo cáo doanh số bán đồ ăn vặt tại Mỹ đang tăng vọt. Doanh thu của Doritos, Cheetos, Ruffles, PopCorners, Smartfood và SunChips đã tăng trưởng hai con số trong quý hai năm nay. Doanh số bán lẻ của Pirate's Booty tăng khoảng 32% và SkinnyPop tăng khoảng 17%.
Theo CNN, một trong những lý do khiến doanh thu tăng nhanh xuất phát từ việc mọi người đang trở lại cuộc sống thường ngày, đi ra ngoài nhiều hơn sau đại dịch.
Nhưng không chỉ có vậy. Thói quen ăn uống đã thay đổi và mọi người đang có xu hướng thích ăn vặt hơn thay vì ăn các bữa chính truyền thống như trước đây. Theo một cuộc khảo sát về đồ ăn nhanh năm 2021 của Mondelez, khoảng 64% người tiêu dùng trên toàn thế giới nói rằng họ thích ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn là ăn một vài bữa chính.
Con số này vào năm 2019 là 59%. Khoảng 62% người được hỏi cho biết đã thay thế một bữa ăn chính bằng đồ ăn vặt. Thói quen ăn uống của người Mỹ cũng luôn thay đổi theo thời đại. Cách mạng Công nghiệp đã mở ra mô hình ăn 3 bữa/ngày.
Mặc dù vậy, những đổi mới về bao bì vào đầu thế kỷ 20 đã đưa đồ ăn nhẹ thành xu hướng phổ biến. Các siêu thị lớn đưa ra vô số mặt hàng hấp dẫn để khách lựa chọn.
Món ăn có nguồn gốc từ đường phố
Theo Euromonitor International, thị trường đồ ăn nhẹ của Mỹ đã tăng từ khoảng 116,6 tỷ USD năm 2017 lên khoảng 150,6 tỷ USD vào năm 2022. Nó được dự báo sẽ tăng lên 169,6 tỷ USD vào năm 2027 bao gồm trái cây, kem, bánh quy, thanh ăn nhẹ, kẹo...
Ăn vặt ngày nay có sức lan tỏa lớn. Đó là một lối sống.
Sally Lyons Watt, Phó chủ tịch điều hành của công ty nghiên cứu thị trường IRI
Ashley Rose Young, một nhà sử học về thực phẩm tại Smithsonian National Museum of American History cho biết, thói quen ăn 3 bữa trở nên thịnh hành ở Mỹ nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp, khi lịch làm việc của nhà máy tác động đến thói quen ăn uống của công nhân.
"Mọi người thường sẽ muốn ăn một bữa trước khi đi làm để tiếp năng lượng cho cả ngày. Sẽ có một khoảng thời gian nghỉ giữa trưa để nạp năng lượng và cuối cùng là bữa tối sau giờ làm việc", Ashley Rose Young cho biết.
Khi các bữa ăn ngày càng được tiêu chuẩn hóa ở Mỹ, những quy tắc mới về ăn uống xuất hiện cùng với đó là nảy sinh thái độ mới đối với việc ăn vặt.
Vào thế kỷ 19, những món ăn vặt như đậu phộng được bán bởi các quầy hàng rong đã nhận về nhiều sự kỳ thị vì liên quan đến tầng lớp lao động và người có thu nhập thấp, theo Abigail Carroll, giải thích trong "Three Squares", cuốn sách xuất bản năm 2013 nói về thói quen ăn vặt của người Mỹ.
Carroll viết: "Khi các bữa ăn, nhất là bữa tối trở nên xã giao hơn, lịch sự hơn và được quy định chặt chẽ thì ăn vặt trở thành điều cấm kỵ".
Nhưng những người sản xuất đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực đồ ăn nhẹ nếu như họ tìm cách đưa chúng từ đồ ăn đường phố trở nên phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Để làm được điều đó, họ cần đóng gói trong bao bì đẹp mắt, giữ đồ ăn luôn tươi mới.
Frederick và Louis Rueckheim, hai anh em người Đức sống ở Chicago, đã phát triển món bánh ngô ngọt và bánh snack đậu phộng với thương hiệu Cracker Jack. Vào năm 1896, họ mang sản phẩm đi từ thành phố này sang thành phố khác để chia sẻ các mẫu thử và truyền bá về chúng, Carroll kể lại trong cuốn sách của mình.
Để giữ cho Cracker Jack tươi ngon lâu hơn, họ làm việc với Henry Eckstein, người đã phát triển một lớp lót sáp đặc biệt trong những chiếc túi đóng gói. Trong những năm tiếp theo, các công ty như Nabisco và Kellogg đã xây dựng dựa trên công nghệ đó.
Ăn vặt trở thành xu hướng ở Mỹ
Trong những năm qua, thay đổi trong văn hóa và công nghệ Mỹ đã khiến cho việc ăn vặt mang đi thậm chí còn hấp dẫn hơn.
Việc lò vi sóng lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1955 tạo điều kiện để những món ăn nhẹ được sử dụng nhiều hơn. Theo thời gian, người tiêu dùng bắt đầu mua hàng tạp hóa từ các chuỗi bán lẻ. Những siêu thị khổng lồ với các giá và kệ chứa đầy đồ ăn nhẹ đóng hộp đã góp phần vào văn hóa ăn vặt của nước Mỹ.
IRI's Watt, người đã theo dõi xu hướng ăn vặt trong nhiều thập kỷ, cho biết thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946 đến 1964) và Gen X (sinh năm 1965 đến 1980) có xu hướng thưởng thức một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều hoặc buổi tối. Tuy nhiên, thế hệ millennials hay còn gọi là Gen Y (sinh từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90) ăn nhẹ vào cả buổi sáng.
Chính thế hệ Gen Y đã giúp đồ ăn vặt tăng tốc trở thành xu hướng mới ở Mỹ. "Họ đã thay đổi cách ăn uống. Bạn có thể thấy họ ăn các bữa nhỏ hoặc đồ ăn vặt suốt cả ngày", Watt cho hay.
Khi đại dịch bùng phát, mọi người có xu hướng ăn vặt vào ban đêm nhiều hơn. Điều này bị ảnh hưởng bởi cách người ta trải qua những ngày khó khăn chật vật trong dịch bệnh.
Khi những đứa trẻ ở nhà suốt ngày, cha mẹ không có thời gian làm việc vào ban ngày và họ đã phải hoạt động vào đêm khuya nhiều hơn. Điều này khiến họ phải tìm kiếm đồ ăn nhẹ để nạp thêm năng lượng. Nhiều người hình thành thói quen thức khuya hơn.
Dịch vụ giao đồ ăn, giúp mọi người gọi món trong tích tắc mà không cần rời khỏi nhà, khiến việc ăn nhẹ trở nên hấp dẫn hơn. Nó khuyến khích người ta đặt một hoặc hai món khi thèm ăn đột ngột giữa đêm.
Giờ đây, khi mọi người quay trở lại văn phòng và lịch trình làm việc đều đặn hơn, họ có thể ít quan tâm đến việc ăn vặt vào đêm khuya. Mặc dù vậy, những người bán thực phẩm có khả năng sẽ tiếp tục cố gắng tiếp thị thực phẩm trong khung thời gian đó.
Ảnh hưởng của việc ăn vặt tới sức khỏe tùy thuộc vào cách người ta lựa chọn đồ ăn. Jessica Bihuniak, một chuyên gia dinh dưỡng, cho biết một người chọn ăn nhẹ bằng trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa ít béo có thể cân bằng được năng lượng.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ thường xuyên những món ăn vặt như kẹo, nước ngọt, đồ nhiều đường, khoai tây chiên... là thói quen không lành mạnh. Các nhà cung cấp đồ ăn nhẹ hiện nay cũng đang đưa ra những lựa chọn được coi là tốt cho sức khỏe, có thể là với lượng đường thấp hơn hoặc đóng gói nhỏ hơn để kiểm soát khẩu phần.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng luôn cần lưu ý hàm lượng dinh dưỡng và đọc kỹ thành phần trên bao bì để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.
Nguồn: CNN