Mỗi tháng tiêu 10 triệu, cuối năm có hơn 244 triệu tiền tiết kiệm
Huyền Phương cho biết thu nhập có tháng cao, có tháng “vừa vừa” nhưng tháng nào cô cũng chỉ tiêu 10 triệu thôi, còn lại để tiết kiệm hết.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, chúng ta sẽ bước sang năm mới 2025. Hơn bao giờ hết, có lẽ lúc này chính là thời điểm hợp lý nhất để nhìn lại tình hình tài chính, chi tiêu của một năm sắp qua. Với Huyền Phương (sinh năm 1994), hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tình hình tài chính trong năm 2024 có thể gói gọn trong 2 từ: Kỷ luật, thành công.
Có tháng thu về gần 90 triệu nhưng vẫn chỉ tiêu 10 triệu
Hiện tại, Huyền Phương đang làm việc trong lĩnh vực Hành chính - Nhân sự. Ngoài công việc chính này, cô còn có thêm khá nhiều công việc phụ khác, khi thì đi “chụp ảnh dạo”, lúc lại làm make-up thuê, lâu lâu nhận dịch sách, thỉnh thoảng còn làm cả MC đám cưới.
Huyền Phương cũng thừa nhận bản thân có khá nhiều tài lẻ. Ban đầu, cô nhận các công việc phụ chỉ để “cho vui”, lâu dần thành thạo nghề, thạo việc nên mới có thêm thu nhập.
“Ngày xưa mình thích chụp ảnh nên đi đâu cũng vác máy ảnh theo, chụp bạn bè, chụp phong cảnh, rồi đăng Facebook. Lâu lâu lại có người ngỏ lời nhờ mình chụp rồi họ trả tiền. Nhưng hồi đầu, mình chưa tự tin lắm nên không lấy tiền, họ mời mình cốc trà sữa là được. Dần dần, có nhiều người book hơn, mình cũng tự tin với khả năng chụp và hậu kỳ của mình hơn, rồi mình mới lấy tiền.
Việc đi make-up thuê hay làm MC đám cưới cũng thế. Ban đầu, mình cũng không nghĩ là bản thân có thể kiếm tiền được từ những công việc như vậy” - Huyền Phương chia sẻ.
Có thể làm được nhiều việc, nhưng vì công việc “tay trái” không đều đặn và cố định hàng tháng, nên thu nhập của Huyền Phương cũng có sự lên xuống thất thường. Chỉ có tiền lương của công việc full-time là ổn định.
Dẫu vậy, năm 2024 của cô vẫn là một năm “kỷ luật tiết kiệm thành công”, vì dù thu nhập tăng, Huyền Phương cũng chỉ tiêu 10 triệu/tháng.
“Mình thấy con số đó là vừa đủ để mình có cuộc sống thoải mái. Bản thân mình cũng không có nhiều nhu cầu mua sắm hay ăn chơi, rảnh thì mình ở nhà xem phim, hoặc không thì cũng xách mách ảnh ra công viên, chụp cây, chụp người. Bạn bè mình cũng hay bảo chẳng mấy khi thấy mình đi du lịch hay mua sắm gì, nhưng thực sự cũng không phải mình tiếc tiền, mà do mình có những thú vui không tốn kém ấy, nên nhìn chung việc sống với mức ngân sách 10 triệu/tháng, với mình là quá đủ rồi, có tháng còn chẳng tiêu hết” - Huyền Phương chia sẻ.
Vì thu nhập không cố định, nên số tiền mà Huyền Phương tiết kiệm được mỗi tháng cũng không cố định theo, tháng nào biết tháng ấy. Đến hiện tại, cô khá tự hào tiết lộ năm nay đã tiết kiệm được 244.227.000đ.
Vậy là trung bình mỗi tháng, Huyền Phương tiết kiệm được 20,3 triệu đồng.
Nhìn vào bảng phía trên, có thể thấy, tiền tiết kiệm của Huyền Phương đến từ 4 nguồn: Lương, job ngoài, cổ tức và thu hồi nợ.
“Khoảng 8 năm trước, mình có góp tiền với anh trai mình để mở công ty, khoản cổ tức là tiền lãi từ khoản đầu tư ấy. 1 năm anh mình sẽ chia cổ tức cho mình 1 lần, thường là vào tháng 6 hàng năm. Trộm vía là đến giờ, công ty của anh mình hoạt động cũng ổn, nên khoản cổ tức này cũng trộm vía tăng đều mỗi năm. Còn tiền thu hồi nợ thì thi thoảng mình có cho bạn bè vay tiền, không tính lãi, bao giờ bạn trả thì mình lại dùng để tiết kiệm thôi, chứ không phải mình có kỹ năng đi đòi nợ thuê đâu” - Huyền Phương vừa cười vừa giải thích.
Không cần phải giỏi quản lý tài chính để tiết kiệm được tiền
Hiếm khi bội chi, lại tiết kiệm được kha khá tiền sau 1 năm miệt mài “cày cuốc”, nhưng Huyền Phương lại luôn miệng khẳng định bản thân không giỏi quản lý tài chính, hay quản lý chi tiêu.
“Mình định nghĩa giỏi quản lý tài chính là phải biết cách đầu tư để dòng tiền sinh lời, và giỏi quản lý chi tiêu là phải biết ngăn bản thân tiêu tiền. Còn mình thì không như thế ấy, tiền dư ra mỗi tháng mình chỉ gửi tiết kiệm thôi, chứ không biết đầu tư gì cả.
Khoản đầu tư với anh trai là do hồi đó mình muốn giúp anh khởi nghiệp, chứ không đặt nặng chuyện sinh lời, anh em trong nhà cũng thân thiết, tin tưởng nhau nữa, chứ giờ bảo mình đi đầu tư, thì mình chịu” - Huyền Phương chia sẻ.
Trong suy nghĩ của cô gái sinh năm 1994 này, để tiết kiệm được tiền, bạn không cần phải giỏi quản lý tài chính, mà chỉ cần đặt ra một mức ngân sách chi tiêu cố định để duy trì cuộc sống thoải mái, và quyết tâm không tiêu vượt con số ấy, là đã có thể tiết kiệm được rồi.
Nhìn lại một năm “kỷ luật tiết kiệm thành công” của mình, Huyền Phương chia sẻ 3 bí quyết mà cô cho rằng chỉ cần làm được, thì tiết kiệm dễ như chơi.
“Đầu tiên, bắt đầu tiết kiệm với số tiền tối thiểu, rồi cố gắng tăng dần tỷ lệ tiết kiệm lên mỗi tháng.
Thứ hai, cố định ngân sách chi tiêu dưới ngưỡng thu nhập từ lương chính, tiết kiệm toàn bộ thu nhập từ các công việc phụ.
Cuối cùng, nếu đã làm được 2 điều trên, mình khá chắc là kiểu gì người ta cũng sẽ ham tiết kiệm thôi ấy. Thế nên mình cũng dạy em mình là bao giờ đi làm thì phải ưu tiên tiết kiệm trước, chứ đừng có kiếm được mấy đồng đã đốt sạch vào ăn chơi, mua sắm. Vậy thì khó lắm” - Huyền Phương nhấn mạnh.