Mối nguy làm cha khi đã đứng tuổi
Những nghiên cứu gần đây xác nhận rằng, khả năng làm cha của người đàn ông cũng không muộn hơn bao lâu so với thời gian mãn kinh ở phụ nữ, nghĩa là quanh độ tuổi 45.
Tuổi của bố càng cao thì mẹ càng dễ sẩy thai
Thạc sĩ Trần Quốc An cho biết, nghiên cứu trên 90.000 trường hợp có thai cho kết luận rằng, tuổi người bố khi thụ thai càng cao thì người vợ càng dễ bị sẩy thai, mặc dù người vợ còn trẻ, khỏe và không hề có nguy cơ nào. Ngoài ra, có mối liên quan giữa tuổi của người bố với nguy cơ trẻ mắc bệnh tự kỷ và cho rằng mối liên quan này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của vấn đề này trong mối liên quan với nhiều yếu tố khác nữa.
Chưa hết, tuổi bố càng cao chất lượng tinh trùng càng giảm. Nghiên cứu cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt về thành phần hóa học diễn ra theo tuổi ở nam giới, đó là tuổi càng cao thì mức testosteron, DHEA, estrogen càng giảm. Đồng thời lại tăng mức FSH và LH. Điều này cho thấy, nam giới cũng giảm khả năng sinh sản theo tuổi như ở nữ giới.
Nghiên cứu ở Pháp trên 2.000 nam giới thấy rằng, những cặp vợ chồng làm thụ tinh nhân tạo, nếu chồng cao tuổi thì bị thất bại nhiều hơn. Tuổi của nam giới tăng lên không làm giảm sự sản sinh tinh trùng mà chỉ làm giảm chất lượng tinh trùng.
Tuổi bố càng cao thì nguy cơ sai lệch di truyền càng lớn
Dù người đàn ông vẫn còn khả năng sản sinh ra tinh trùng hằng ngày nhưng càng nhiều tuổi sẽ càng tăng nguy cơ bị sai sót ở một vài bản sao ADN của tinh trùng, từ đây làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ sắp sinh hoặc đến quá trình thai nghén.
Nghiên cứu còn cho biết, lối sống cũng là một khâu phá hoại dây chuyền sản sinh tinh trùng. Nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể tách riêng tác động của các yếu tố môi trường lên sự lão hóa tự nhiên, rằng các ảnh hưởng của môi trường được tích lũy lại theo thời gian và chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản.
Theo đó, người đàn ông sống càng lâu, càng tiếp xúc nhiều với các yếu tố môi trường độc hại như hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng chất kích thích, tiếp xúc với phóng xạ cũng như quá trình ôxy hóa… Những điều đó làm tăng nguy cơ tổn thương nhiễm sắc thể trong tinh trùng. Do đó hiện nay, Hội Y học sinh sản Mỹ khuyên rằng, lý tưởng nhất là lấy tinh trùng của người cho dưới 40 tuổi để thụ tinh nhân tạo, nhằm giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn do tuổi tác.
Các đấng mày râu cần tự bảo vệ năng lực của mình
Tuy các công trình nghiên cứu nói trên mới chỉ là những phát hiện bước đầu, chưa toàn diện, nhưng nó vẫn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các đấng mày râu cần phải bảo vệ khả năng làm chồng và làm cha của mình ở mọi lứa tuổi. Chắc chắn là bạn không bao giờ muốn bị người bạn đời của mình chê là “yếu” hoặc vì bạn mà đứa con sinh ra bị “thua chị, kém em”.
Sau đây là những con đường sáng giúp bạn lựa chọn để đạt được phong độ, giữ được “sức khỏe cho tinh trùng” của mình:
- Bạn cần bỏ hút thuốc lá thuốc lào, vì nó làm cho tinh trùng bị suy yếu nhanh chóng do đẩy nhanh quá trình lão hóa, làm bạn luôn bị thiếu ôxy.
- Bạn chỉ nên uống rượu có chừng mực, vì nếu lạm dụng thì dễ bị tăng huyết áp, bị bệnh tim mạch, bị suy thoái hệ nội tiết và hệ miễn dịch.
- Bạn cần tập luyện thân thể hằng ngày, vì hoạt động thể lực sẽ làm cho khí huyết lưu thông, chất nội tiết tố nam tiết ra đầy đủ, đảm bảo tốt hơn cho tinh trùng.
- Bạn cần một chế độ ăn uống hợp lý để duy trì sức khỏe toàn thân đồng thời duy trì được hệ sinh sản của mình.
Muốn bảo vệ “sức khỏe cho tinh trùng” và duy trì khả năng của chúng ở mọi độ tuổi, bạn cần thực hiện nghiêm chỉnh các lời khuyên sau đây:
- Tránh dùng các dạng thuốc chứa steroid, vì chúng là nguyên nhân đầu tiên gây vô sinh cho nam giới.
- Kiểm soát tốt huyết áp. Nếu bạn bị tăng huyết áp đang phải dùng thuốc điều trị mà bạn lại muốn sinh con thì nên hỏi ý kiến bác sĩ, vì thuốc huyết áp có thể gây hại cho tinh trùng.
- Bạn cần giảm hoặc không uống rượu bia, tốt nhất là trước khi muốn có con ba tháng. Bạn đừng đặt máy tính xách tay, hay vật gì quá nóng vào lòng khi bạn làm việc, vì nhiệt độ cao không tốt cho tinh trùng phát triển bình thường. Bạn cũng cần lưu ý tránh tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, cadmium, tránh các nguồn phóng xạ và hóa chất độc hại, kể cả một số loại thuốc sâu, diệt cỏ…