Mới 8 tuổi đã phải nấu cơm cho cả nhà nhưng chỉ vì 1 nồi cơm khô, tôi bị ông nội đổ cả bát nước mắm lên đầu

Minh Uyên,
Chia sẻ

Đứa trẻ 8 tuổi năm ấy không hiểu rằng mình là nạn nhân của bạo hành mà chỉ nghĩ là sao mình không cẩn thận hơn, nếu không nấu cơm bị khô đã không làm ông tức giận đến thế...

Tôi sinh ra trong một ngôi nhà cũ kỹ nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Nhà có bảy miệng ăn, ông bà nội nghiêm khắc, bố mẹ tần tảo sớm hôm, hai đứa em nhỏ hơn tôi vài tuổi và tôi là chị cả trong nhà.

Gia đình tôi sống theo những quy tắc cổ hủ mà ông nội đặt ra. Đàn ông là trụ cột, đàn bà phải biết nội trợ, con cái phải vâng lời tuyệt đối. Từ nhỏ, tôi đã quen với việc nghe tiếng quát mắng, chửi bới, thậm chí tiếng roi vun vút mỗi khi ai đó làm sai.

Mẹ tôi bắt đầu dạy tôi nấu cơm từ khi tôi mới lên bảy. Bà bảo: "Con gái lớn rồi, phải biết phụ mẹ". Tôi đứng trên chiếc ghế nhựa lỏng lẻo, cố với tới cái nồi to hết cả 1 vòng ôm. Đôi tay bé xíu vo gạo vụng về, hạt nào hạt nấy dính đầy ngón tay. Lần đầu tiên, tôi đổ quá nhiều nước, cơm nhão như cháo. Ông nội hất đĩa, mắng ầm lên, nhưng may mắn thay, ông chỉ quát chứ không đánh.

Rồi tôi học cách canh nước, nhớ tỉ lệ một đốt ngón tay, biết khi nào lửa to, khi nào vặn nhỏ. Tôi trở thành "đầu bếp nhí" của gia đình khi mà bản thân còn chưa đủ cao để nhìn thấy rõ mặt nồi.

Hôm ấy, tôi mệt vì phải trông em suốt buổi chiều. Đến tối, đầu óc quay cuồng, tôi đong nước vội vàng, không để ý lượng nước đã ít hơn mọi khi. Khi cơm chín, tôi mở vung và tim đập loạn nhịp. Cơm khô, hơi vàng ở đáy nồi.

Tôi cố gắng xới phần trên, hy vọng mọi người không để ý. Nhưng ông nội chỉ cần một cái liếc mắt đã nhận ra ngay. Ông nhíu mày, đổ bát cơm xuống đất rồi quát: "Cơm này chó cũng chê!".

Tôi đứng im, chân tay run rẩy. Bố không bênh vực, mẹ không đỡ lời, không ai dám lên tiếng.

Ông nội có chút ma men nên chẳng hề kiểm soát hành động, ông cầm bát nước mắm tỏi ớt để chấm cá rán trên bàn, đứng dậy. Ông giơ cao bát và trút thẳng lên đầu tôi.

Mới 8 tuổi đã phải nấu cơm cho cả nhà nhưng chỉ vì 1 nồi cơm khô, tôi bị ông nội đổ cả bát nước mắm lên đầu- Ảnh 1.

Dòng nước mắm mặn chát chảy xuống tóc, xuống mặt, rơi xuống áo. Tôi không dám lau, không dám khóc, chỉ biết đứng đó như một cái cây chết trụi. Mùi mắm nồng nặc, xộc vào mũi, khiến tôi nghẹt thở, mắt mờ đi, nước mắt dâng lên nhưng tôi thì lại không dám khóc trước mặt ông.

Đêm đó, tôi trốn vào góc nhà tắm, khóc nức nở dưới vòi nước lạnh. Tôi cố gội sạch mùi mắm, nhưng cảm giác nhục nhã thì không thể rửa trôi. Đứa trẻ 8 tuổi năm ấy không hiểu rằng mình là nạn nhân của bạo hành mà chỉ nghĩ là sao mình không cẩn thận hơn, nếu không nấu cơm bị khô đã không làm ông tức giận đến thế...

Nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn phải dậy sớm, vẫn phải nấu cơm. Tôi học cách trở nên hoàn hảo hơn, không phải vì tôi muốn, mà vì tôi sợ. Sợ cái nhìn giận dữ của ông, sợ tiếng quát tháo, sợ cảm giác bất lực khi không ai bênh vực mình.

Tuổi thơ của tôi trôi qua trong những nỗi sợ như thế. Tôi lớn lên với sự cẩn trọng của một đứa trẻ lớn trước tuổi. Tôi không dám mơ ước, không dám phạm sai lầm, vì mỗi lỗi nhỏ đều có thể dẫn đến trừng phạt.

Nhưng cũng chính những ngày tháng ấy khiến tôi mạnh mẽ hơn. Sự mạnh mẽ ấy khiến tôi dù có phải chiến đấu với cả thế giới cũng nhất quyết bảo vệ con mình. Tôi không bao giờ bắt nó nấu cơm khi chưa sẵn sàng, thay vào đó tôi cố gắng tạo không khí để con cảm thấy hứng thú với việc làm cái gì đó. Tôi càng không bao giờ trút giận lên những đứa trẻ chỉ vì nó không hoàn hảo.

Bây giờ, mỗi khi nhìn 2 đứa con được vui chơi, được làm sai mà không bị trừng phạt, lòng tôi lại chùng xuống. Tôi thương bản thân mình ngày thơ bé nhưng lại chẳng thể thay đổi được sự thật rằng có những tổn thương không thể chữa lành.

Chia sẻ