Miền Trung: Các hải sản tầng đáy, sống trong vòng 20 hải lý chưa an toàn
Sáng 20/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố kết quả xét nghiệm 1.340 mẫu hải sản thuộc 4 tỉnh trong vùng biển ở miền Trung chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Về phía Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương lấy 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá
thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá
cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh
miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có
phenol.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đối với các hải sản: Tôm, ghẹ, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản
khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản
của 4 tỉnh có Phenol.
Ảnh minh họa (Internet).
Theo phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện Phenol đều
nằm trong vùng từ 5 - 25 km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý) với tỉ
lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô -
Thừa Thiên Huế. Để đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị
không sử dụng các loại hải sản nói trên sống trong vòng 20 hải lý (các loại hải
sản tầng đáy).
Theo Bộ Y tế, các mẫu đều được kiểm nghiệm chỉ tiêu
xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm
An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng. Bộ Y tế cho biết thời
gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện giám sát định kỳ đối với
các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát
hiện Phenol ở trên và các hải sản ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để giám sát,
xét nghiệm. Ngoài ra, theo đề nghị UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
và Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Công Thương (đơn vị được giao
quản lý kho hàng đông lạnh) phân loại hải sản theo từng lô, Sở Y tế chỉ đạo lấy
mẫu theo từng lô và trả kết quả cho đơn vị quản lý được UBND giao nhiệm vụ. Chỉ
cho phép lưu hành lô sản phẩm khi được xét nghiệm an toàn. Đối với các lô hàng
không an toàn phải buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định.