Miền Bắc chuyển lạnh, miền Trung mưa lớn diện rộng, có nơi trên 400mm
Từ sáng 4/11, không khí lạnh cường độ mạnh tràn về khiến vùng núi phía Bắc chuyển rét, miền Trung mưa lớn diện rộng, có nơi trên 400mm, nguy cơ ngập lụt.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều 3/11, khối không khí lạnh tăng cường ở phía bắc đang tiếp tục di chuyển xuống nước ta.
Dự kiến khoảng gần sáng 4/11, không khí sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4.
Từ ngày 4/11, ở khu vực vùng núi, trung du phía Đông Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời chuyển lạnh. Từ ngày 5-6/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét.
" Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 17-19 độ, vùng núi có nơi dưới 15 độ ", Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thông tin.
Đối với khu vực Hà Nội, ngày và đêm 4/11 có mưa, mưa rào. Ngày trời lạnh với nhiệt độ cao nhất phổ biến 21-23 độ, đêm 4/11 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ.
Trong khi đó, khu vực miền Trung vẫn tiếp diễn tình trạng mưa dông. Cụ thể, gần sáng 4/11 ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa dông diện rộng.
Từ hôm nay đến ngày 5/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Từ sáng 4/11 đến sáng 5/11, khu vực Thanh Hóa - Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Trong đó, vùng mưa lớn tập trung ở Hà Tĩnh - Quảng Ngãi từ chiều tối 5-6/11 với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Riêng khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng lượng mưa 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày và có khả năng mở rộng xuống đến Bình Định.
Cảnh báo trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.