Mệt mỏi, đau bụng tiêu chảy: Cẩn thận sán lá ruột
Biểu hiện khi nhiễm bệnh sán lá ruột ở người ban đầu thường không rõ ràng, người bệnh có thể chỉ có biểu hiện nhẹ như cảm thấy mệt mỏi.
Ở trong cơ thể người, sán sẽ chiếm thức ăn ảnh hưởng tới dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Do đó, người bị nhiễm sán thường cảm thấy mệt mỏi, giảm sút sức khỏe, thiếu máu. Tuy nhiên biểu hiện khi nhiễm bệnh sán lá ruột ở người ban đầu thường không rõ ràng, người bệnh có thể chỉ có biểu hiện nhẹ như cảm thấy mệt mỏi.
Sau đó bệnh nhân thấy đau bụng kèm theo tiêu chảy xảy ra thất thường. Do sán có miệng bám vào ruột non, nơi bám niêm mạc có thể bị loét, sưng nề, viêm. Người bệnh thấy đau bụng, thường đau âm ỉ ở vùng hạ vị, có thể có những cơn đau dữ dội, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thất thường, kéo dài nhiều tuần, phân lỏng, không có máu, nhưng có nhầy lẫn thức ăn không tiêu, bụng bị trướng, nhất là ở trẻ em. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác của đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt.
Không nên ăn rau thủy sinh khi chưa được nấu chín.
Nếu bị nhiễm sán nhiều và không được điều trị kịp thời sẽ làm nặng thêm tình trạng viêm, phù nề tại ruột non, có thể lan đến tận ruột già, một số trường hợp có thể bị tắc ruột. Nếu bị bội nhiễm thêm vi khuẩn ở những chỗ bị tổn thương thì có hiện tượng viêm và sưng những hạch mạc treo.
Ngoài ra, những chất độc tố của sán tiết ra sẽ gây nên những thương tổn và rối loạn chung như toàn thân bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng nhất là ở tim và phổi, bị cổ trướng, lá lách biến đổi tổ chức, có tình trạng thiếu máu, hồng cầu giảm... có thể dẫn tới tử vong trong tình trạng bị suy kiệt nặng.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Bệnh sán lá ruột có thể điều trị khỏi hẳn bằng thuốc đặc trị. Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, tiêu chảy, phù nề, suy nhược cơ thể và các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân để tìm trứng sán. Vừa qua, tại Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ, có biểu hiện đau bụng. Khi tiến hành nội soi dạ dày, tá tràng, các bác sĩ đã phát hiện có sán lá ruột và gắp ra ngoài. Đáng nói, khi gắp ra và được thả vào lọ nước, con sán lá ruột vẫn sống, bơi trong nước.
Hay như trường hợp ông H. (59 tuổi, ở Yên Thành, Nghệ An) bị phù toàn thân, đau nhức, nôn và buồn nôn, không ăn uống, nằm liệt... Đi khám tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương vì nghi ngờ bệnh ở máu. Tại đây, xét nghiệm không thấy ông mắc bệnh về máu mà nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên ông được chuyển đi xét nghiệm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị nhiễm 4 loài: giun đũa chó, giun lươn ruột, giun đầu gai, giun lươn não. Sau khi phát hiện ký sinh trùng, ông được cho uống thuốc đặc hiệu đáp ứng tốt và đã dần hồi phục sức khỏe.
Do đó, đối với những người có nghi ngờ nhiễm bệnh, sống trong vùng ngập lụt, thường xuyên ăn rau tái, sống, gỏi, có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau nhức... cần đến cơ sở y tế khám và làm xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Minh
Lời khuyên của thầy thuốc Để phòng bệnh sán lá ruột có hiệu quả, nhất là trong thời điểm hiện nay đang mùa mưa bão, nhiều địa phương ở trong tình trạng ngập lụt, những vùng ngập nước, nhiều hồ ao, ruộng trũng là môi trường thuận lợi để bệnh sán lá ruột phát triển, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt; Ăn chín uống sôi; Không nên ăn các rau thủy sinh khi chưa được nấu chín; Không ăn gỏi cá, ốc, hàu sống, nộm rau, rau sống,… Bên cạnh đó, các gia đình cần quản lý tốt phân thải của người và lợn một cách hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông, không dùng phân thải của người và lợn để bón, tưới trong trồng trọt, chăn nuôi (nuôi cá)... để hạn chế sán phát triển. Ngoài ra phải tích cực phát hiện, điều trị những người có mang mầm bệnh sán lá ruột để chủ động ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. |