Méo mặt và sợ về quê vì mẹ chồng sĩ diện quá đà

Tâm Anh,
Chia sẻ

Tôi không phải sợ về quê, cũng không phải sợ sự quê mùa, mà sợ độ "sĩ diện” quá đà của bố mẹ chồng.

Hai vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ, đi học đại học rồi trụ lại thành phố. Mặc dù cả hai đều có công việc ổn định nhưng với đồng lương công chức và 2 đứa con ăn học nên kinh tế cũng không dư giả cho lắm. Nhưng cuộc sống hạn hẹp nơi thành phố cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền không làm tôi “oải” bằng việc cuối tuần về quê chồng.

Cả gia đình làm nông nghiệp nên việc chồng tôi có nhà thành phố, công ăn việc làm ổn định đã trở thành niềm tự hào của cả nhà, nhất là mẹ chồng tôi. Vì vậy mỗi khi vợ chồng tôi về thăm nhà, mẹ lại thông báo cho bà con họ tộc, hàng xóm láng giềng để sang chơi. Gọi là chơi nhưng sự thật là… khoe. Trước là khoe nhà cửa, cháu chắt, sau đó là tổ chức cơm nước linh đình gọi là gặp mặt. Và mỗi lần “gặp mặt” như vậy, vợ chồng tôi lại tốn một số tiền kha khá cho dăm ba mâm cơm đãi khách, rồi thì tiền biếu ông này, bà nọ để tỏ lòng hiếu thảo. Mỗi lần chi tiêu việc gì mẹ chồng lại cười xòa và không quên nhắc khéo “Mấy khi về quê, chi tiêu cho thoải mái một chút con ạ”.
 
Đằng sau niềm vui sum họp là nỗi lo cơm áo gạo tiền của vợ chồng tôi.

Tôi cũng không phải người hẹp hòi trong chuyện tiền bạc nhưng lương công chức có hạn, tiền con cái ăn học cùng các khoản chi tiêu trong nhà đã phải giảm tới mức tối đa để không hao hụt vào khoản tiết kiệm phòng lúc con ốm đau. Vậy nên vài mâm cơm “vặt vãnh” – theo cách nghĩ của mẹ chồng cũng khiến tôi không khỏi đắn đo. Nếu vài ba tháng mới tổ chức ăn uống một lần thì thì còn đỡ, đằng này tuần nào bà cũng muốn các con về chơi, và khi về thì chuyện cơm nước là điều tất lẽ dĩ nhiên.

Hiểu được suy nghĩ của vợ, nhưng chồng tôi cũng chỉ biết động viên bởi anh biết bố mẹ rất hãnh diện về anh, muốn bà con chòm xóm phải trầm trồ về “đứa con trai thành phố” nên anh cũng chỉ biết hạn chế chi tiêu, cố gắng làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập cho vợ chi tiêu mỗi khi về quê. Và sau cuộc vui, khi bước chân lên xe về thành phố, đằng sau nụ cười hãnh diện của mẹ và sự ngưỡng mộ của bà con là tiếng thở dài thườn thượt của cả hai vợ chồng.
 

Tôi có nên nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ chồng?

Một lần tôi phải đi công tác Sài Gòn 2 tuần, biết chuyện mẹ chồng liền gọi điện hỏi han với giọng rất phấn khởi. Sau một hồi trò chuyện, bà liền chốt lại với đại ý: Vì đã trót khoe với hàng xóm việc con dâu đi Sài Gòn nên khi nào về tôi nhớ mua ít đặc sản trong đó để mẹ biếu hàng xóm và họ hàng mỗi người một ít. Nghe xong điện của mẹ chồng tôi chỉ trực khóc vì tủi thân, mẹ đâu biết rằng tôi vào đây vì công việc, tiền ăn ở rất đắt đỏ, công ty chỉ hỗ trợ phần đi lại còn đâu tôi phải bỏ tiền túi của mình ra chi trả.

Trở về nhà sau chuyến đi dài, tôi đã òa khóc nức nở khi chồng đón ở cửa với sự ngạc nhiên "Sao em mua nhiều đồ thế". Tôi đã khóc rất nhiều, khóc vì sự ấm ức và khóc thương cho các con tôi. Tôi giận mẹ chồng tôi ghê gớm, chính vì sự sĩ diện của bà mà bấy lâu nay tôi phải cắt bớt khoản ăn mặc của cả gia đình, của 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
 

Đối mặt với tiếng thở dài của chồng, tôi lại chùn bước.

Cuối tuần tôi sẽ vẫn về quê, nhưng tôi sẽ nói hết những khó khăn hiện tại của hai vợ chồng cho bố mẹ nghe. Tôi sẽ không sống mãi trong bức tranh hoàn hảo mà bố mẹ chồng và chồng tôi cố công dựng lên nữa. Nhưng, đáp lại những bày tỏ của vợ là tiếng thở dài của chồng, nhìn vẻ mặt vừa đau khổ vừa van lơn tôi lại chùn bước, chẳng lẽ tôi cứ sống mãi với vỏ bọc này?

Chia sẻ