Mẹo khắc phục nhanh các lỗi khi dùng điện thoại di động

Theo VnMedia,
Chia sẻ

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bạn có thể dễ dàng giải quyết những lỗi phổ biến của ĐTDĐ mà không cần mang máy ra tiệm...

1. Điện thoại không bật hoặc liên tục tắt

Nếu điện thoại của bạn có vấn đề với nguồn điện, đó có thể là do điện thoại, pin hoặc bộ sạc. Bạn cần kiểm tra xem máy đã sạc đầy pin hay chưa. Cũng nên xem lại bạn có đang sử dụng pin và bộ sạc tương thích với kiểu điện thoại của mình không. Có thể lên mạng để tìm thêm thông tin về vấn đề này.

Nếu có thể sử dụng pin và bộ sạc khác cùng loại như của bạn, hãy thử thay chúng để xác định xem vấn đề là do điện thoại, pin hay bộ sạc. Sau đó bạn nên tháo và lắp lại pin vào đúng vị trí trong máy.

Ngoài ra, bạn cần đảm bảo điện thoại đang chạy phần mềm mới nhất để giữ cho hệ thống luôn hoạt động ổn định. Bạn cũng cần sao lưu các số liên lạc và dữ liệu trước khi cập nhật.

2. Cuộc gọi bị gián đoạn hoặc bị ngắt


Cuộc gọi bị ngắt hoặc chất lượng âm thanh kém trong khi gọi có thể là do cường độ tín hiệu yếu hoặc tạm thời không nằm trong vùng phủ sóng, có thể là từ phía điện thoại của bạn hoặc phía người nhận cuộc gọi.
 
Trong hầu hết các trường hợp, nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ sẽ là nguồn hỗ trợ tốt nhất cho các vấn đề liên quan đến cường độ tín hiệu.

Cường độ tín hiệu được thông báo bằng các vạch tín hiệu ở bên trái màn hình điện thoại. Các chỉ báo này sẽ tăng lên khi cường độ tín hiệu mạnh và giảm xuống khi cường độ tín hiệu yếu.

Để tăng cường độ tín hiệu của điện thoại, bạn cần nhẹ nhàng di chuyển điện thoại, hoặc di chuyển về phía cửa sổ nếu bạn đang gọi điện từ bên trong tòa nhà.

Nếu điện thoại của bạn liên tục có cường độ tín hiệu yếu trong một khu vực nhất định có thể là do mức độ phủ sóng ở đó không đủ. Nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin về diện phủ sóng của mạng.

3. Điện thoại không đổ chuông

Để khắc phục lỗi này đầu tiên bạn cẩn đảm bảo rằng điện thoại vẫn được bật và có đủ cường độ tín hiệu của nhà mạng.

Với đa số các điện thoại trên thị trường, nếu tai nghe được cắm vào điện thoại, điện thoại sẽ không đổ chuông qua loa mà chỉ đổ chuông qua tai nghe. Vì thế bạn hãy tháo tai nghe và kiểm tra lại điện thoại để xác định xem làm như vậy có giải quyết được vấn đề không.

Nếu cấu hình của điện thoại được cài là "Im lặng", "Trên máy bay", "Không trực tuyến", hoặc bất kỳ cấu hình nào khác mà chuông được cài là im lặng, điện thoại sẽ không đổ chuông. Hãy chuyển cấu hình đó sang cấu hình "Bình thường" hoặc "Thông thường" và thử lại. Bạn cũng cần kiểm tra tùy chọn nhạc chuông đã được bật và âm lượng không quá thấp.

Một nguyên nhân khác là bạn đã kích hoạt chuyển hướng cuộc gọi. Khi đó cuộc gọi có thể được chuyển hướng đến thẳng hộp thư thoại và điện thoại sẽ không đổ chuông. Bạn cần điều chỉnh lại chức năng này trong các mục tùy chọn của điện thoại.

4. Điện thoại nóng lên trong quá trình sử dụng


Giống như hầu hết các thiết bị điện tử, điện thoại của bạn có thể nóng lên trong khi sạc hoặc sử dụng kéo dài. Hiện tượng này là bình thường nhưng không cần phải lo lắng.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy điện thoại nóng lên nhiều hơn hoặc quá thường xuyên thì cần tháo vỏ và pin, để điện thoại “xả” như vậy trong 30 phút rồi lắp lại. Nếu vấn đề của bạn vẫn không được khắc phục thì cần mang máy đến trung tâm bảo hành để kiểm tra.

5. Pin điện thoại thường xuyên yếu và nhanh hết

Nếu điện thoại có vẻ có vấn đề với việc duy trì nguồn điện, vấn đề này có thể là do điện thoại, pin, hoặc bộ sạc. Đầu tiên bạn cần kiểm tra xem có đang sử dụng đúng pin và bộ sạc chính hãng tương thích với kiểu điện thoại hay không. Bạn nên thử thay thế pin và bộ sạc khác cùng loại, nếu chúng hoạt động tốt thì vấn đề là ở các thiết bị của bạn.

Bạn cũng lưu ý rằng một số ứng dụng chạy ngầm và các tính năng như Bluetooth sẽ làm tiêu hao pin rất nhanh. Vì thế để tiết kiệm pin, bạn hãy tắt Bluetooth và các ứng dụng khi không sử dụng.

6. Điện thoại của bạn cần quá nhiều thời gian để sạc

Thời gian sạc khác nhau tùy thuộc vào kiểu sạc pin điện thoại. Thông thường sạc qua USB bị giới hạn bởi cường độ dòng điện tối đa của cổng USB, vì thế tốn nhiều thời gian hơn khi sạc bằng bộ sạc thông thường.

Do đó các nhà sản xuất thường khuyến cáo người sử dụng chỉ nên sạc điện thoại bằng sạc tiêu chuẩn được cung cấp kèm theo máy.

7. Không thể gửi tin nhắn hoặc truy cập internet bằng điện thoại

Với lỗi không thể gửi tin nhắn, đầu tiên bạn cần kiểm tra hộp thư đến. Nếu hộp thư đến đầy, bạn có thể cần xóa bớt một số tin nhắn trước khi có thể nhận tin nhắn mới.

Nếu không truy cập được internet bằng điện thoại, bạn cần kiểm tra xem dịch vụ nhắn tin đa phương tiện (MMS), email, và/hoặc trình duyệt Internet có được hỗ trợ bởi kiểu điện thoại của bạn không.

Hãy liên hệ với nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ để kiểm tra xem dịch vụ nhắn tin đa phương tiện (MMS), email, và/hoặc truy cập Internet có bao gồm trong hợp đồng dịch vụ không. Ngoài ra, cần kiểm tra xem, khi bạn không ở trong mạng chủ, dịch vụ chuyển vùng có được hỗ trợ không.

Bạn cũng cần yêu cầu nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ gửi cho bạn thông số cài đặt mới nhất cho dịch vụ nhắn tin và/hoặc truy cập Internet. Thông thường các thông số này sẽ được gửi qua tin nhắn văn bản; sau đó bạn chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn để cài đặt chúng trên điện thoại.

8. GPS trong điện thoại không hoạt động

Để có được hiệu suất tốt nhất, cần đảm bảo rằng tay của bạn không che bộ nhận GPS (thường được bố trí trên đỉnh của điện thoại). Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy di chuyển ra ngoài trời và thử xem tín hiệu có được cải thiện không. Nếu bạn đang ở ngoài, hãy di chuyển đến một vùng thoáng và cao hơn.

Một lưu ý nữa là bạn cần giữ điện thoại ở tư thế đứng trong tay với một góc khoảng 45 độ, và “dế” có thể nhìn thấy bầu trời.

Bạn cũng cần tắt các kết nối khác như Bluetooth hoặc kết nối qua USB vì các kết nối này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tốc độ của GPS.


9. Điện thoại hiển thị thông báo “Thẻ Sim bị từ chối” hoặc “Thẻ sim không được chấp nhận”

Với cả 2 lỗi này nguyên nhân có thể là do thẻ SIM không được đặt thẳng hàng do điện thoại bị rơi, va đập, hoặc bị mở ra. Bạn cần tháo và lắp lại lắp thẻ SIM theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguyên nhân thứ 2 có thể là do Mã PUK bị nhập sai nhiều lần. Làm như vậy có thể hủy kích hoạt thẻ SIM. Bạn cần liên hệ với nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ để yêu cầu cung cấp thẻ SIM mới.

Một nguyên nhân nữa là gần đây bạn đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, thẻ SIM hoặc điện thoại của bạn có thể được cấu hình cho nhà điều hành trước đó và có thể yêu cầu cấu hình lại. Bạn cần liên hệ với nhà điều hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ hiện hành để được hỗ trợ.

Nếu không có tình huống nào ở trên áp dụng đối với sim của bạn hoặc bạn vẫn tiếp tục nhận được thông báo lỗi này, có nghĩa là thẻ SIM của bạn có thể bị hỏng và cần được thay thế.

10. Điện thoại yêu cầu mã bảo vệ

Nếu điện thoại yêu cầu bạn nhập mã bảo vệ và bạn chưa kích hoạt mã nào, bạn có thể nhập mã bảo vệ mặc định là 12345. Nhưng bạn chỉ thử nhập mã này một lần.

Khi bạn nhập sai mã ba lần liên tục trở lên, điện thoại sẽ chuyển sang "chế độ nghỉ" và không chấp nhận thêm bất kỳ lần nhập nào trong vòng 15 phút tiếp theo. Trong trường hợp này, hãy tắt điện thoại, sau đó bật lại, để điện thoại ở chế độ chờ hoặc không sử dụng điện thoại trong 15 phút, sau đó thử lại.
 
Chia sẻ