Điện thoại di động xách tay: Đừng ham giá rẻ!

Theo SGTT,
Chia sẻ

Dù là hàng chính hãng (phân biệt với hàng nhái) nhưng chỉ có người bán mới biết được “lý lịch” của những chiếc điện thoại di động “xách tay” từ nguồn gốc cho đến chất lượng.

Vì nhiều lý do khác nhau như rẻ hơn, tìm được sản phẩm ưng ý... không ít người mua đã quyết định chọn hàng xách tay, đến khi sản phẩm trục trặc mới thấy mệt mỏi!

Những câu chuyện...

Ông Vi Quang Tiến (TP.HCM) mua 1 chiếc điện thoại di động HTC với giá hơn 9 triệu đồng tại cửa hàng H. Đúng ba tháng sử dụng, chiếc điện thoại bị mất nguồn. Ông mang máy đến cửa hàng để nhân viên kiểm tra. Ba ngày sau, nhân viên báo chiếc điện thoại bị “chết” flash, với khả năng do ông Tiến tự “up rom”. Nếu chiếu theo quy định của nhà bán lẻ, chiếc máy trên không được bảo hành. Ông Tiến cho rằng từ ngày mua máy đến ngày máy hư không hề đụng vào máy, yêu cầu nhân viên chứng minh chủ máy đã can thiệp vào máy. Dù nhân viên này không chứng minh được ông Tiến đã can thiệp vào máy nhưng cũng không chịu bảo hành.

Sau đó, theo lời ông Tiến, quản lý cửa hàng đưa ra đủ lý do để từ chối bảo hành, trong đó có chi tiết: Chiếc điện thoại bị một vết trầy nên có thể ảnh hưởng đến nguồn! Ông Tiến nhận lại máy, mang đến trung tâm bảo hành của HTC tại Việt Nam để sửa theo hình thức trả tiền. Căn bệnh mới của chiếc điện thoại này không phải bị hư nguồn mà là bị hư mainboard. Phí thay mainboard mới là 5,7 triệu đồng.

Một chiếc Nokia nhái như hàng thật!

Bạn Phamlam89@... kể: Mua chiếc điện thoại di động H. với giá 8 triệu đồng nhưng chỉ được hai tuần, máy bị auto reset (tự động thiết lập trạng thái ban đầu). Dù được nhân viên bảo hành làm mọi cách nhưng máy vẫn bị treo, không thể sử dụng được. Theo yêu cầu của tiệm, chủ máy gởi lại máy để kiểm tra. Khoảng một tuần sau, được báo là máy bị yếu flash. Dù đây là lỗi của máy (phần cứng) nhưng chủ máy phải trả số tiền là 2,1 triệu đồng để thay flash, bên bán chỉ hỗ trợ 900.000 đồng.

Hai bên giằng co nên gần ba tháng sau, chiếc máy trên vẫn chưa được sửa. “Phiếu bảo hành ghi rõ thời gian sửa chữa từ 7 – 10 ngày, thay thế miễn phí lỗi do nhà sản xuất nhưng họ lại cố tình vi phạm”, Phamlam89 nhận xét.

Đừng ham giá rẻ!

Dù điện thoại di động xách tay không còn tràn ngập thị trường như vài năm trước đây nhưng vẫn có đủ hàng đáp ứng cho những ai có nhu cầu tìm hàng vừa “độc” lại vừa rẻ. Tuỳ theo giá trị của máy mà những chiếc điện thoại xách tay rẻ hơn từ 1 – 3 triệu đồng. Như mẫu Sony Ericsson Xperia Pro MK16, có nơi bán giá 7,02 triệu đồng, trong khi đó cũng mẫu sản phẩm này nhưng có thêm chữ “i”, – MK16i – nơi khác lại bán 10,48 triệu đồng. Có gì khác biệt mà cùng chung một mẫu máy lại có mức giá chênh lệch 3,46 triệu đồng?


Theo giới kinh doanh điện thoại di động xách tay, hiện nhóm hàng này có bốn loại. Thứ nhất là những mặt hàng bán hạn chế ở thị trường Việt Nam, như trường hợp iPhone, iPad. Nhóm hàng này còn nguyên tem. Nhóm hàng thứ hai là nhóm đã qua sử dụng (second hand). Loại thứ ba là hàng mới sản xuất, chưa sử dụng nhưng bị lỗi, sau đó hãng sản xuất thu hồi để sửa chữa (Factory Refurbish) bán lại với giá rẻ. Nhóm hàng thứ tư là hàng trưng bày, sau khi hết thời gian trưng bày, được đóng hộp và bán lại trên thị trường với giá tương tự như hàng bị sửa lỗi. Trừ nhóm hàng thứ nhất, những nhóm hàng còn lại, khi sử dụng vẫn bình thường nhưng “tuổi thọ” của chúng rất thấp, thường chưa hết hạn bảo hành đã bị hư! Theo lời nhận xét của hai vị khách hàng “nếm mùi” hàng xách tay nêu trên: “Tuy có giá rẻ hơn hàng phân phối chính thức, nhưng chất lượng... phập phồng, tuỳ thuộc hên xui”.

Dù tuyên bố chịu trách nhiệm bảo hành từ 3 tháng đến 1 năm nhưng những cửa hàng bán điện thoại xách tay luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm. Thực tế đã chứng minh, họ luôn đổ hết trách nhiệm cho người mua vì những lỗi xảy ra trong khi sử dụng. Còn người mua, vì không đủ kiến thức hoặc những sơ suất trong khi sử dụng nên khó đòi hỏi trách nhiệm bảo hành sản phẩm khi có trục trặc.

Đừng nên ham giá rẻ mà mua điện thoại di động xách tay, bởi loại hàng này luôn tiềm ẩn những rủi ro mà người mua không thể lường hết.

Những lý do không nên mua điện thoại di động xách tay

1. Có thể mua nhầm hàng được “luộc cao cấp”. Chỉ cần thay vỏ, bo mạch, linh kiện bên trong trước khi nhập về Việt Nam. Dạng này thường gặp với các nhãn hiệu: Nokia, iPhone và Blackberry.

2. Có thể là hàng nhái loại 1. Có hình dáng bên ngoài và phần mềm bên trong rất giống với hàng chính hãng. Nếu không hiểu biết về điện thoại di động sẽ bị “dính”. Loại này thường gặp ở các dòng máy đang ăn khách.

3. Có hàng xách tay được gọi là hàng “dựng”. Chúng là máy cũ, được “mông má” nên bên ngoài hoàn toàn mới, cài đặt phần mềm, nhét vào hộp phụ kiện mới...

4. Phần lớn hàng xách tay, số imei giữa vỏ hộp và thân máy không trùng nhau. Hiện nay, dân làm hàng xách tay chuyên nghiệp đã biết tự in tem imei dán vào vỏ hộp để trùng với imei máy.

5. Đa phần hàng xách tay về Việt Nam phải chạy lại phần mềm hoặc mở mạng bằng cách thủ công. Điều này ảnh hưởng đến độ ổn định và chất lượng của máy.

6. Giá của hàng xách tay rẻ hơn so với hàng chính hãng, nhưng nếu so sánh về chất lượng phụ kiện và hậu mãi đi kèm sẽ không rẻ hơn bao nhiêu.

Chia sẻ