Memento Mori: Đất - Yêu thương đến tận những giây cuối cùng
Kể về bệnh nhân ung thư cận tử, Memento Mori: Đất không chọn lối mòn bi lụy, lấy nước mắt khán giả mà tiết chế, văn minh, gọn ghẽ.
Memento Mori: Đất đại diện Việt Nam tranh giải tại LHP Busan (Hàn Quốc) năm 2022 - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim mang vẻ đẹp của sự tàn lụi, theo đuổi triết lý buông bỏ nhưng không buông xuôi từ cuốn sách Điểm đến của cuộc đời, nhằm cho người bệnh những ngày cuối đời thanh thản.
Memento Mori: Đất kể về Vân - một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Nhưng có cách giới thiệu nhẹ nhàng hơn về cô: một người mẹ, một người vợ, một người con. Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ đưa câu chuyện của Vân từ sách lên phim bằng ngôn ngữ điện ảnh thanh thoát, vượt ra khỏi câu chữ để ghi dấu ấn riêng biệt bằng hình ảnh và diễn xuất.
Ẩn sau sự chậm rãi
Bối cảnh chính của phim là ngôi nhà cũ kỹ của vợ chồng Vân - Hoàng ở vùng quê nghèo, bên cạnh một rẫy cà phê. Mọi vật dụng đều toát lên sự cùng quẫn. Họ không có nhiều hy vọng. Ánh sáng duy nhất chiếu lên gia đình ấy là tình yêu thương.
Vân nằm trên giường, cầm tấm gương rạn để ngắm hình ảnh phản chiếu của người chồng đang nấu cháo trong bếp. Cô quấn chiếc khăn che đi mái đầu trọc. Khi bệnh viện mới trả về, Vân vẫn còn đi lại và làm việc nhà. Đến những ngày tháng cuối, cô nằm liệt giường và nhìn đời qua những tia nắng chiếu xuyên khe cửa, nhảy múa trên bàn tay.
Hoàng mặc tấm áo cũ, bắc nồi cháo lên bếp, thái hành, xào thịt, múc cháo. Anh làm tất cả trong sự lặng lẽ. Trong hầu hết cảnh quay, người chồng mang một vẻ cam chịu, bất lực. Đút cháo cho vợ ăn xong, Hoàng đứng quay lưng và nói anh muốn bán thận để xóa số nợ trăm triệu.
Vân hỏi chồng: "Lấy thận của em được không?". Sau khi anh từ chối, cơn đau thể xác lại ập đến với cô. Hoàng ôm chặt lấy vợ, lời an ủi lúc này là thừa thãi, nhưng vòng tay ôm thì không bao giờ là đủ.
Có gì đó kỳ lạ trong cách Hoàng chăm sóc vợ những ngày cuối đời. Anh chu đáo, tận tụy, lo âu nhưng cũng giữ khoảng cách với vợ. Anh trò chuyện với cô nhưng nổi nóng mỗi lần cô nhắc đến cái chết, mỗi khi cô muốn dặn dò.
Cứ như vậy, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ từng bước đưa nhân vật của mình đi hết hành trình. Những cảnh quay của anh mô tả cuộc sống thường nhật trong gia đình nhỏ của Vân và Hoàng, cũng như mọi gia đình ngoài kia.
Hoàng lên rẫy cà phê, đi làm cùng cha vợ. Anh nhờ ông đón và chăm sóc hai con gái. Hai bé lên đồi hoa chơi, hái hoa về tặng mẹ. Ẩn sau nhịp sống chậm rãi ấy là những giằng xé trong mỗi người. Vân bị hành hạ bởi những cơn đau ăn mòn thể xác. Hoàng vật lộn với nỗi đau sắp mất vợ và ý định bán nội tạng kiếm tiền. Cha của Vân thương con gái đau yếu, thương con rể cực nhọc, thương hai đứa cháu sắp mồ côi mẹ.
Đáng tiếc, phim thiếu một tình tiết thật đắt nhằm đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào thay vì sự bình lặng từ đầu đến cuối. Chẳng hạn, trong cảnh người chồng lau người cho vợ, giá như phim dấn thêm chỉ một chút thôi để lột tả thêm những tổn thương và yêu thương. Có cảm giác đạo diễn nâng niu nhân vật, không để mọi thứ phải quá trần trụi kể cả nỗi đau.
Phim cũng thiếu những chi tiết gần gũi, quấn quít giữa Vân và hai con gái. Vân dặn dò hai con qua những lời nói được ghi âm, nhưng giá như đó là những thước phim về tình mẹ con thì sẽ lưu luyến trong lòng khán giả hơn.
Vẻ đẹp của sự tàn lụi
Dù dựa trên chuyện có thật, nhà làm phim chú thích rằng các tình tiết đều là hư cấu. Nói vậy là cần thiết vì có những cảnh phim mô tả sự đau đớn, cảnh người thân vệ sinh thân thể cho người bệnh... ít nhiều chạm vào cõi riêng tư.
Phim mang vẻ đẹp của sự tàn lụi, dù không gian ngập tràn màu nâu của đất và màu xanh của cây cỏ hướng về sự sống. Đó cũng là vẻ đẹp của tạo hóa, mỗi ngày những chiếc lá úa vẫn lìa cành và những mầm xanh vẫn trỗi dậy. Vân đi dần về phía cái chết trong khi hai con gái của cô lớn lên từng ngày.
Không kể câu chuyện kịch tính, bi đát và cũng không có những cảnh khóc lóc gào thét, Memento Mori: Đất làm theo lối "slice of life" (lát cắt cuộc sống). Phim thiên về mô tả cảm giác, trải nghiệm của nhân vật những ngày tháng cuối đời.
Với người bệnh, đó là cảm giác sự sống dần rời xa. Sự hụt hẫng ngày càng hiển hiện khi họ nhận ra mình không thể ở bên cạnh chồng con trong những năm tháng sau này, không được nhìn các con lớn lên, không được phụng dưỡng cha khi ông già đi.
Với người thân, đó là cảm giác đi từ phủ nhận, đau đớn đến chấp nhận. Họ chấp nhận y học đã bất lực trước căn bệnh của Vân, chấp nhận sẽ mất đi người vợ - người con - người mẹ, chấp nhận từ nay về sau sẽ có một khoảng trống trong lòng mà không gì thay thế được.
Vì ai rồi cũng chết, hãy yêu thương nhau đến tận giây cuối cùng. Để kết lại hành trình ấy, cảnh cuối phim như một màn trình diễn nghệ thuật đương đại thay vì là một cảnh phim, mang đậm tính biểu tượng.
Khóc hay không khóc?
Phim về cái chết có nên làm người xem khóc? Khóc rơm rớm hoặc giàn giụa? Khóc vì bị cuốn theo nước mắt của nhân vật? Memento Mori: Đất có phần đi ngược lại suy nghĩ thông thường. Phim có ít nước mắt và cũng không lộ liễu câu nước mắt.
Chọn lối kể tiết chế, phim làm được một điều: "để yên" cho khán giả cảm nhận. Phim không ép họ phải khóc nức nở nhưng rất có thể sẽ khiến họ lặng người, suy ngẫm về cái chết, về sự chia lìa, về hành trình đến cõi vĩnh hằng của chính mình.