Melinda Gates: "Nữ tướng" không chịu đứng sau chồng và bài học nuôi con bằng sự khiêm tốn, chẳng hề mang dáng dấp tỷ phú
Melinda Gates không chỉ được biết đến là một trong những người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, nhà từ thiện hào phóng, mà còn là một người mẹ mẫu mực.
Melinda Gates là người phụ nữ quyền lực thứ 5 trên thế giới và là người Mỹ thứ 3 - sau tỷ phú Mackenzie Scott và Phó Tổng thống Kamala Harris - lọt vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes.
Bà và chồng, Bill Gates, đã công bố kế hoạch ly hôn sau 27 năm kết hôn vào tháng 5 năm ngoái. Mặc dù họ không có thỏa thuận tiền hôn nhân, bà vẫn nhận được khoản tiền hơn 2,4 tỷ USD từ chồng cũ sau ly hôn, và hiện sở hữu khối tài sản hơn 11 tỷ USD theo tính toán của Bloomberg.
Melinda Gates đã trở thành một trong những nhà từ thiện tích cực nhất trên thế giới với tư cách là đồng chủ tịch của Quỹ Bill và Melinda Gates, do chính bà điều hành trong 6 năm đầu hoạt động. Bà hiện vẫn là đồng chủ tịch của quỹ với chồng cũ. Cuộc ly hôn không ảnh hưởng đến sự nghiệp từ thiện của 2 người dù đã đường ai nấy đi.
Ngoài các sáng kiến về giáo dục và chăm sóc sức khỏe của quỹ, Melinda còn có mối quan tâm cá nhân đến các vấn đề của phụ nữ trên khắp thế giới. Đi đầu trong chương trình nghị sự của bà là mở rộng sự sẵn có của các biện pháp tránh thai và nâng cao nhận thức về khái niệm "nghèo đói thời gian" - quan điểm cho rằng những giờ làm việc không công hàng ngày như nội trợ sẽ "cướp đi tiềm năng của phụ nữ".
Năm 2016, Gates được Tổng thống Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ. Ngoài ra, bà cũng từng là một nhà khoa học máy tính, chia sẻ niềm đam mê với chồng và gánh vác vị trí quản lý tại Microsoft.
"Nữ tướng" với sự nghiệp lừng lẫy không chịu đứng sau chồng
Thời thơ ấu và đi học
Melinda Gates (họ thời con gái là French) lớn lên ở Dallas, Texas, với cha mẹ - một người mẹ nội trợ và cha là kỹ sư hàng không vũ trụ - cùng 3 anh chị em. Gia đình Melinda có truyền thống tôn giáo lâu bền khi thuộc giáo xứ Công giáo La Mã địa phương. Điều này sau đó cũng ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con của bà.
Gia đình French vốn có ý định cho cả 4 con đi học đại học, vì vậy cha của Melinda đã bắt đầu một kinh doanh phụ là cho thuê bất động sản. Sở dĩ như vậy vì tiền học đại học cho thế hệ sau là một khoản đầu tư lớn ở Mỹ. "Chúng tôi sẽ giúp cha điều hành công việc kinh doanh và lưu giữ sổ sách" bà từng kể. "Chúng tôi thấy dòng tiền đi vào và đi ra". Việc tiếp xúc với kinh doanh từ sớm có lẽ đã phần nào định hình khả năng quản lý doanh nghiệp, tổ chức cho nữ tỷ phú.
Bà từng dành những năm đầu đời đi học tại trường Công giáo St. Monica ở Dallas. Từ nhỏ, Melinda đã bộc lộ tố chất vượt trội khi luôn là người học giỏi top đầu ở lớp. Khi lên 14 tuổi, bà được cha mua cho chiếc máy tính cá nhân đầu tiên là Apple II - lần đầu tiếp xúc với khoa học máy tính.
Melinda là thủ khoa, đại biểu học sinh đọc diễn văn tốt nghiệp và là trưởng nhóm cổ vũ tại trường trung học của bà, Học viện Ursuline ở Dallas. Năm 2007, Quỹ Gates đã quyên góp 7 triệu USD cho Ursuline để xây dựng Trung tâm Khoa học, Toán học và Công nghệ Gia đình French - một phòng thí nghiệm và phòng học được chứng nhận LEED Gold (tiêu chuẩn xanh về công trình) rộng hơn 6.500m2.
Bà cũng sớm phát triển hứng thú với bộ môn khoa học máy tính và ngôn ngữ lập trình BASIC trong khi học toán cao cấp cùng cô giáo mình. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1982, bà mau chóng giành được song bằng cử nhân khoa học máy tính cùng kinh tế tại Đại học Duke. Chưa kể sau đó bà cũng hoàn thành chương trình MBA tại Trường Fuqua tại cùng Đại học trên vào năm 1987.
Việc học tập tận tụy cũng không ngăn bà có một cuộc sống xã hội phong phú thời đại học. Melinda từng là thành viên kỳ cựu của hội nữ sinh Đại học Duke. Một người bạn cũ nhận xét rằng bà có gu ăn mặc khá kín đáo.
Gates đã rất hào phóng với trường cũ của mình. Quà tặng của bà bao gồm Trung tâm Khoa học Gia đình French, Chương trình University Scholars và Chương trình DukeEngage. Bà cũng là ủy viên quản trị Đại học Duke từ năm 1996 đến năm 2004.
Sự nghiệp lẫy lừng của một doanh nhân, nhà từ thiện và tác giả
Cùng năm 1987, sau khi tốt nghiệp, Gates được Microsoft tuyển dụng vào vị trí quản lý sản phẩm - ngay sau khi công ty được niêm yết và bắt đầu bùng nổ. Bà làm quản lý cho các dự án Microsoft Bob, Microsoft Encarta, và Expedia. Cùng năm đó, bà đã ăn tối cùng chồng tương lai Bill Gates tại một hội chợ thương mại ở New York.
Cả hai mau chóng yêu nhau và cuối cùng đi đến hôn nhân vào năm 1994.
Dự án Expedia mà bà làm việc sau này trở thành một trong những website đặt dịch vụ du lịch phổ biến nhất thời đó. Nhờ làm việc tận tụy, bà đảm nhận vị trí Quản lý chung về Sản phẩm thông tin vào năm 1990. Melinda giữ cương vị đến năm 1996 rồi từ chức để tập trung cho gia đình.
Từ năm 2004, sau khi thôi vị trí ủy viên quản trị Đại học Duke, bà trở thành thành viên quản trị công ty The Washington Post. Từ 2006, Melinda không còn tập trung vào kinh doanh mà dồn tâm trí cho lĩnh vực từ thiện.
Cặp vợ chồng có 3 con vào các năm 1996, 1999 và 2002.
Năm 2000, Melinda và Bill cùng thành lập Quỹ Bill và Melinda Gates tại Seattle, Mỹ với mục tiêu tập trung vào sức khỏe cộng đồng, giáo dục và biến đổi khí hậu. Năm 2006, nhà Gates tái cấu trúc quỹ thành 3 bộ phận: Sức khỏe toàn cầu, phát triển thế giới, và giáo dục/cộng đồng tại Mỹ.
Là đồng sáng lập quỹ, Melinda làm việc tận tụy với các dự án phòng ngừa bệnh tật, cung cấp thuốc điều trị và vaccine cho các bệnh như HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi.
Gates đang đối diện trực tiếp với một số vấn đề trong nước và thế giới. Bất chấp đức tin Công giáo của mình, bà đã nỗ lực để mở rộng sự sẵn có của các biện pháp tránh thai cho phụ nữ, từng viết trên một bài báo trên tạp chí Fortune rằng kiểm soát sinh sản là "quá quan trọng nên không thể trở thành một vấn đề chính trị".
Năm 2011, tổ chức của bà tái lập sứ mệnh của mình là: "Cải thiện công bằng trong 4 lĩnh vực: y tế toàn cầu, giáo dục, tiếp cận thông tin kỹ thuật số thông qua thư viện công cộng và hỗ trợ các gia đình gặp rủi ro ở Bang Washington và Oregon". Năm sau, Melinda cam kết hỗ trợ 560 triệu USD nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai cho phụ nữ ở các nước nghèo.
Gates vẫn cam kết thay đổi tình trạng giáo dục ở Hoa Kỳ, và thông qua chương trình Gates Millennium Scholars của quỹ, bà đã giúp sinh viên tài trợ cho việc học của họ. Trong những năm qua, quỹ của bà đã nổi lên như một trong những lực lượng mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Tổ chức này đã chi hơn 50 tỷ đô la trong 2 thập kỷ qua để chống lại đói nghèo và bệnh tật. Vào cuối năm 2019, tài sản ròng của Quỹ Bill & Melinda Gates trị giá 43,3 tỷ USD (theo báo cáo tài chính cả năm được hiển thị trên trang web), biến quỹ này trở thành quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ và thế giới.
Ngoài Mỹ, bà cũng tập trung cải thiện chất lượng sống ở các nước như Ấn Độ, Nam Phi, Nigeria và Kenya.
Năm 2019, bà bước vào sự nghiệp viết lách với cuốn sách "Thời điểm cất cánh - Trao quyền để phụ nữ thay đổi thế giới". Cuốn sách thảo luận về sức mạnh của phụ nữ và các vấn đề xã hội.
Vào tháng 11 năm 2016, Melinda đã được Tổng thống Obama khi đó trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống, giải thưởng dân sự cao quý nhất ở Hoa Kỳ, cho nỗ lực của bà trong vấn đề sức khỏe và xóa đói giảm nghèo ở Mỹ và nước ngoài.
Melinda Gates mô tả di sản mà bà hy vọng sẽ để lại: "Vào ngày tôi qua đời, tôi muốn mọi người nghĩ rằng tôi là một người mẹ tuyệt vời, một thành viên gia đình tuyệt vời và một người bạn tuyệt vời. Tôi quan tâm đến điều đó hơn là quan tâm đến bất cứ điều gì khác".
Cách nuôi dạy con có một không hai trong giới tỷ phú
Mặc dù là gia đình tỷ phú sở hữu khối tài sản top đầu thế giới, nhà Gates lại nổi tiếng với phong cách nuôi dạy con hết sức khiêm tốn. Được biết, Bill Gates muốn để lại cho mỗi người con chỉ 10 triệu USD và toàn bộ phần còn lại của gia sản hàng trăm tỷ USD sẽ được quyên cho từ thiện.
Theo Luxury Launch, mặc dù sống trong căn hộ trị giá 127 triệu USD ở Medina, Washington, sở hữu vô số gia sản, 3 con nhà Gates được thừa hưởng phong cách nuôi dạy con khá giống một gia đình phổ thông, với ảnh hưởng Công giáo sâu sắc từ người mẹ.
Cả gia đình cùng làm việc nhà
Mặc dù Bill và Melinda điều hành Quỹ Bill và Melinda Gates, quỹ tư nhân lớn nhất thế giới và nắm giữ tài sản trị giá gần 47 tỷ USD, họ vẫn chia sẻ công việc nhà với 2 con gái Jennifer, Phoebe và con trai Rory. Rửa bát cùng nhau hầu như mỗi tối là truyền thống của nhà Gates trước ly hôn. Melinda đưa ra ý tưởng này để nhấn mạnh rằng công việc "không được trả công" này không nên dành cho phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bà tin rằng rửa bát giúp mối quan hệ của họ như một cặp vợ chồng và như một gia đình bền chặt hơn.
Thừa hưởng gia sản nhỏ đến bất ngờ
Melinda có vẻ tán thành với mục tiêu của chồng mình về khoản tiền thừa kế cho các con: 10 triệu USD mỗi người. Mặc dù là "phú nhị đại", 3 con nhà Gates được trông mong sẽ có sự nghiệp và cuộc sống tự lập, tự giành lấy những gì mình muốn trong đời.
Tỷ phú công nghệ nhưng đặc biệt nghiêm khắc với vấn đề dùng điện thoại
Dù cặp vợ chồng là tỷ phú công nghệ đứng sau "người khổng lồ" Microsoft, Melinda cùng chồng mình áp dụng quy tắc nghiêm ngặt "không điện thoại" trên bàn ăn - một vấn đề mà vô số gia đình hiện đại gặp phải.
Jennifer và 2 em thậm chí không được sử dụng điện thoại khi chưa đủ 14 tuổi và bị hạn chế giờ dùng điện thoại để "có thời gian ngủ hợp lý".
Truyền cảm hứng cho các con về đức tín, làm gương bằng công việc từ thiện
Nền tảng tôn giáo từ nhỏ của Melinda đã ảnh hưởng đến gia đình cá nhân của bà theo một cách tích cực. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Rolling Stones, Bill Gates cho biết: "Chúng tôi nuôi con theo cách ngoan đạo. Chúng được đến nhà thờ Công giáo mà Melinda tới và tôi tham dự".
Tỷ phú cũng giải thích công việc từ thiện của ông với vợ là để giảm thiểu sự bất công trên thế giới, và điều đó đã truyền cảm hứng cho các con.
Dạy con theo phương pháp những năm 1970
Mặc dù là nhà tiên phong về công nghệ nhưng Melinda và chồng áp dụng phương pháp dạy con cổ điển "tình yêu và logic" của những năm 70, khi những hành động mang nặng cảm xúc như khiển trách bị hạn chế.
"Hãy lấy đúng người"
"Một trong những bài học mà chúng tôi cố gắng nói với lũ trẻ, hoặc tôi nói với chúng khá thường xuyên, là: Nếu con chọn có một người bạn đời trong cuộc đời, việc con chọn ai có lẽ là quyết định quan trọng nhất mà con đưa ra", Melinda nói trong một cuộc trò chuyện ở New York, giải thích thêm rằng điều đó "thậm chí còn quan trọng hơn nghề nghiệp con có, nơi con học đại học, nơi con học trung học".
Dù thế, kể cả nếu không đưa ra lựa chọn đúng đắn, đừng hoảng sợ. "Con có thể làm lại từ đầu. Mọi người đều có thể làm lại từ đầu với bạn đời, nhưng việc thay đổi công việc và thay đổi nghề nghiệp của con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc thay đổi vợ chồng " bà kể lại. "Vì vậy, tôi nói, hãy cố gắng chọn thật cẩn thận và khôn ngoan".
Có một cuộc hôn nhân kéo dài 27 năm với Bill Gates - một trong những tỷ phú vĩ đại nhất, không có gì ngạc nhiên khi Melinda đã rút ra được vô số bài học giá trị về tình yêu và hôn nhân cho các con.
"Đừng để giới tính giới hạn lựa chọn của các con"
"Bill và tôi luôn biết rằng, giống như cha mẹ của chúng tôi, chúng tôi sẽ nuôi dạy con cái của mình để chúng tin rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì mà không bị giới tính cản trở", Melinda viết trên Tạp chí Time vào năm 2017.
"Cha mẹ tôi đã dạy tôi rằng em gái tôi và tôi có thể làm bất cứ điều gì mà anh em chúng tôi có thể làm được" bà nhớ lại. Đó là một bài học quý giá và là một bài học mà bà vẫn đang truyền lại cho các con của mình, "nhưng bình đẳng giới không chính xác là thứ mà chúng ta đã nói quanh bàn ăn" bà lưu ý. "Cha mẹ tôi tập trung vào việc mang lại cho chúng tôi sự tự tin để cất cánh hơn là thảo luận về những rào cản có thể kìm hãm chúng tôi".
Lấy cảm hứng từ điều đó, Melinda quyết định việc thảo luận về giới tính một cách bình đẳng, cởi mở với các con trên bàn ăn là vô cùng quan trọng.
Nguồn: Tổng hợp