Mẹ Việt sở hữu vườn hồng cả trăm bông mách chị em cách trồng hoa đơn giản mà vẫn sai hoa

NH,
Chia sẻ

Là người mê hoa hồng và đã có kinh nghiệm hơn 5 năm trồng loại cây này, chị Thanh Xuân cho biết: "Chơi hồng rất đơn giản, nếu biết một số lưu ý và chăm bón cẩn thận vườn hồng lúc nào cũng sẽ nở rực rỡ".

Chị Thanh Xuân, hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản có niềm yêu thích đặc biệt với hoa hồng. Từng tự tay trồng và chăm cả vườn hồng nở rộ khi còn ở Việt Nam, sang đến Nhật chị Xuân lại tiếp tục với niềm đam mê của mình. 

Chị Xuân cho biết, trồng hồng khá đơn giản. Trồng chậu hay trồng vào đất, dưới đáy chỉ cần để một quả chuối cắt làm đôi và một ít vỏ trứng. Lấp một lớp đất mỏng rồi cho tiếp phân bò ủ mục vào. Thêm một lớp đất nữa rồi cho cây vào trồng là xong.

Mẹ Việt sở hữu vườn hồng cả "triệu bông" mách chị em cách trồng hoa đơn giản mà vẫn "lên như nấm" - Ảnh 2.

Chị Thanh Xuân.

Video một góc vườn hồng của chị Thanh Xuân. 

Theo chị Xuân, nên chọn chậu trồng phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây hồng. Nếu đó là một cây hồng trưởng thành, thân cây lớn, nhu cầu nước nhiều thì trồng trong một chậu lớn sẽ giúp giữ ẩm lâu. Còn nếu chỉ để trồng những cành giâm mới mọc rễ và còn yếu thì nên chọn chậu nhỏ, để sáng tưới nước tới chiều là chậu hồng luôn khô ráo. Chậu lớn, ngậm nhiều nước sẽ khiến rễ cây bị thối.

Đồng thời, khi chọn chậu trồng hoa hồng nên chọn loại chậu có chân; chú ý lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu bởi hoa hồng không chịu được úng thủy. Nên chọn loại chậu có 2 lỗ hoặc có 1 lỗ lớn.

Vườn hồng khoe sắc của chị Thanh Xuân. 

Sau mỗi đợt hoa nở đến khi gần tàn chị Xuân sẽ cắt tỉa hàng loạt chỉ để lại nhánh chính, cành khoẻ. Những nhánh nhỏ yếu và cành già sẽ được chị Xuân cắt tỉa để bỏ đi.

Cũng có thể vặt và tỉa một ít lá bỏ đi để kích thích ra mầm nhiều hơn. Sau khi cắt tỉa sẽ bón thúc phân, phun thuốc phòng bệnh.

Mẹ Việt sở hữu vườn hồng cả "triệu bông" mách chị em cách trồng hoa đơn giản mà vẫn "lên như nấm" - Ảnh 5.

Hồng mọc thành giàn, nở rực rỡ sáng bừng cả góc sân.

Mẹ Việt sở hữu vườn hồng cả "triệu bông" mách chị em cách trồng hoa đơn giản mà vẫn "lên như nấm" - Ảnh 6.

Theo chị Thanh Xuân, trồng hồng cũng đơn giản nếu như chị em biết một số lưu ý và chăm bón cẩn thận.

Mẹo trồng hồng được chị Xuân mách cho chị em như sau:

- Nếu có bã cà phê, bã trà, vỏ chuối, vỏ trứng trộn đều nhau sau đó bón cho hoa sẽ lên rất nhanh và tốt.

- Lưu ý, luôn phải để gốc hồng được thông thoáng và sạch.

- Vệ sinh lá vàng và ngắt bỏ đi mầm chột.

- Nhớ chọn trồng cây hồng khỏe hoặc cây đã trưởng thành rồi. Tuy chi phí đắt hơn nhưng cây sẽ có sức đề kháng tốt, khỏe và dễ chăm hơn.

- Luôn nhớ phải cắt tỉa sau mỗi lần hoa gần tàn.

Chị Thanh Xuân khuyên chị em nên chọn trồng giống cây hồng khỏe hoặc cây đã trưởng thành rồi. Tuy chi phí đắt hơn nhưng cây sẽ có sức đề kháng tốt, khỏe và dễ chăm hơn.

Chi phí để trồng được một chậu hồng cũng khá đắt, chị Xuân cho biết: "Trung bình khoảng 840K/chậu. Bao gồm tiền đất: 60K, chậu: 180K, hoa hồng (loại Suma): 450K, phân và thuốc phòng bệnh: 150K".

Theo chị Thanh Xuân, hồng nên được tưới vào lúc sáng sớm, khoảng 6h. Còn chiều thì thời điểm 5h sau khi tắt nắng là phù hợp. Tùy thời tiết mà quyết định có nên tưới hay không. Nên dùng tay để kiểm tra đất, nếu thấy đất còn ẩm thì không cần tưới. 

Vườn hồng nhà chị Thanh Xuân cũng khá đa dạng với nhiều loại khác nhau.

Trên nhiều loại đất khác nhau, hoa hồng vẫn có thể phát triển được. Song, muốn cây trổ nhiều hoa, cành sum suê mập mạp thì nên chọn trồng trong đất tơi xốp và trồng nơi có nhiều ánh nắng mặt trời.

Để có được loại đất trồng này, người trồng có thể mua đất sẵn hoặc cũng có thể trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, xơ dừa, than bùn, vỏ trấu, mùn hữu cơ,… Không quên xử lý mầm bệnh trong đất bằng biện pháp bón lót với vôi, phơi ải trước từ 7 – 10 ngày.

Mẹ Việt sở hữu vườn hồng cả "triệu bông" mách chị em cách trồng hoa đơn giản mà vẫn "lên như nấm" - Ảnh 9.

Khu vườn đầy nắng và hoa.

Nếu bận rộn với công việc, chị em cũng có thể chọn cách tưới hồng vào trời tối muộn. Nên tưới trực tiếp vào lá để tránh cây sinh bệnh như trĩ, phấn trắng,...

Chị Thanh Xuân thường kiểm tra đất bằng kinh nghiệm trồng hồng hơn 5 năm của mình. Chỉ cần nhìn là biết đất thiếu chất hay thiếu nước để bổ sung ngay. Vào mỗi cuối tuần, chị cũng dành thời gian rảnh rỗi để đánh tơi đất phía trên giúp tạo độ xốp và thông thoáng nước hơn. 

Cùng ngắm thêm một vài hình ảnh trong vườn hồng nhà chị Thanh Xuân:

Ảnh: NVCC

Chia sẻ