Mẹ Việt ở Nhật tiết lộ chuyện nuôi con: Lớp 3 đã lao vào luyện thi, chi phí học hành cho 4 đứa trẻ càng "choáng"
Theo chị Vân, giáo dục Nhật Bản đề cao nhân văn, dạy trẻ tính tự lập, tính đồng nhất trong giáo dục, chú trọng vào giáo dục thể chất... Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh thi cử cũng vô cùng áp lực.
Nhắc đến giáo dục tiên tiến trên thế giới không thể bỏ qua nền giáo dục Nhật Bản. Đây là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và thường xuyên phải đối mặt với thảm họa thiên tai. Chính vì vậy người Nhật luôn quan niệm con người là nguồn lao động của đất nước, muốn đất nước phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc đào tạo một lực lượng lao động hùng hậu và chất lượng.
Cả giáo viên và phụ huynh đều coi trọng việc giáo dục trẻ em nhưng không phải theo cách quan tâm tới quần áo, thực phẩm, nhà ở, phương tiện đi lại mà là tạo cho trẻ có thói quen độc lập, dũng cảm và yêu lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, áp lực thi cử của quốc gia này cũng vô cùng gay gắt. Để có được một công việc tốt tại Nhật Bản, tấm bằng đại học danh giá là điều kiện cần. Hơn nữa, vì trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thường là liên cấp, nên nếu muốn có khởi đầu tốt, cuộc đua vào đại học thực ra đã phải bắt đầu từ khi học tiểu học, khởi đầu bằng việc thi tuyển vào các trường trong top.
Là người Việt đang sống tại Tokyo, Nhật Bản gần 15 năm, chị Hồng Vân (38 tuổi), một bà mẹ 4 con: Bé lớn nhất học lớp 8, bạn thứ 2 lớp 6, bạn thứ 3 lớp 3 và bé út lớp 1 - cũng cho rằng: Giáo dục Nhật Bản có rất nhiều điểm tích cực đáng khen ngợi, mà khi người nước ngoài nhìn vào sẽ phải trầm trồ thán phục.
Ví dụ như, giáo dục Nhật Bản đề cao tính nhân văn, dạy trẻ tính tự lập, tính đồng nhất trong giáo dục, chú trọng vào giáo dục thể chất, trẻ em đến trường không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy cách làm người đối nhân xử thế.
"Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình, giáo dục của Nhật vẫn còn vài điểm hạn chế. Nhật Bản có một hệ thống học thêm dày đặc với các lò luyện thi, từ luyện thi kiểu tập trung cho đến luyện thi 1-1. Mặc dù mọi người vẫn nói giáo dục Nhật Bản không gây áp lực lên điểm số hay thi cử lên học sinh tại trường, cũng như không phân chia lớp theo học lực của học sinh vì cho rằng điểm số không phản ánh đúng khả năng của học sinh.
Điều này đúng trong trường học, nhưng phần nhiều các phụ huynh Nhật vẫn chạy đua để đưa con đi học thêm từ sớm, với mong muốn con thi được vào 1 trường cấp 2 tốt, dù là cấp 2 vẫn thuộc diện phổ cập giáo dục của Nhật, nghĩa là được học lên thẳng theo tuyến mà không cần phải thi", chị Vân cho biết.
Chạy đua vào trường công tốt, nhiều phụ huynh cho con đi luyện thi từ... tiểu học
Theo chị Vân, ở Nhật chỉ có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi vào cấp 3 và đại học. Nhưng xu thế gần đây là nhiều gia đình cho con đi học thêm ở lò từ sớm, khoảng lớp 3-4 để luyện thi vào các trường cấp 2 công quốc lập hoặc tư thục tốt, hoặc những trường liên thông lên cấp 3 và đại học (để tránh 2 kỳ thi căng thẳng này).
Việc này vô hình chung khiến con cái chịu gánh nặng thi cử quá sớm. Cả ngày học chính, tối về lại học thêm. Những đợt học tập trung vào các kỳ nghỉ xuân, hạ, đông thậm chí còn phải đi xa cả tuần để học hoặc học ở trung tâm cả ngày. Một đứa trẻ mà sáng học chính khoá, chiều tối học thêm, đêm về làm bài tập thì còn rất ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao và học các kỹ năng khác.
Vì lý do đó, chị Vân đã quyết định không ép con đi học thêm từ lớp 3, 4 để thi vào cấp 2, mà chỉ cho con học trường đúng tuyến gần nhà, được quận chỉ định. "Cấp 1 mình muốn con có một sự phát triển toàn diện cả tinh thần lẫn thể chất. Cho con tham gia học nhiều môn ngoại khoá như đàn, vẽ, thể thao, cờ vua... để con khoẻ mạnh, có nhiều trải nghiệm và tìm ra sở thích đam mê cho mình", bà mẹ 4 con cho biết.
Vì cấp 3 bắt buộc phải thi nên hiện tại dù mới lớp 8 nhưng con lớn nhà chị Vân đã bắt đầu đi học thêm luyện thi, học 1 tuần 4 buổi luyện thi 4 môn là Quốc ngữ, Toán, Anh, Xã hội và Lý Hoá. Mỗi buổi 2 tiếng từ 7h đến 9h tối. Luyện thi đã chiếm hầu hết thời gian, tuy nhiên chị vẫn cố gắng duy trì cho con học vẽ, đàn và cuối tuần đưa ra ngoài vận động.
Sang lớp 9 thì lịch học luyện thi sẽ dày đặc hơn nhiều. Luyện thi cấp 3 là vậy, luyện thi đại học theo chị Vân còn gắt gao hơn nữa. Có những trường hợp có bạn còn tình nguyện lùi lại 1 năm thi để ôn luyện cho chắc để vào được những trường đại học có ranking cao. Bởi tỷ lệ chọi của những trường top của Nhật rất cao và rất nhiều trung tâm đã đưa ra những lớp luyện thi đặc biệt để thi được vào những trường top. Nói chung cuộc đua để cho con thi được vào những trường cấp 2, 3, đại học tốt, xịn của Nhật rất kinh khủng.
"Người ta đã thống kê rằng, chi phí để nuôi 1 em bé (bao gồm cả tiền ăn và tiền học phí các loại) từ khi sinh ra đến khi học đại học ở Nhật sẽ tiêu tốn của bố mẹ khoảng 2000 vạn yên đến 4000 vạn yên Nhật (theo tỷ giá bây giờ là khoảng 3,6 tỷ đồng đến 7,2 tỷ đồng).
Nếu như con chỉ học từ cấp 1 đến đại học là trường công, thì chi phí này khoảng 2000 vạn yên, nếu từ mẫu giáo đến đại học đều học trường tư là khoảng 4000 vạn yên. Mà nhà mình lại có 4 bạn nhỏ, độ tuổi thì cứ cách nhau 2-3 tuổi, nên số tiền cần chuẩn bị thật sự rất lớn. Tất nhiên là không phải ngay một lúc, mà là có sự trải dần, nhưng cũng có những năm phải đóng dồn tiền vì cả 2 đứa cùng học luyện thêm ở lò chẳng hạn", chị Vân chia sẻ.
Chính những mặt trái trong việc luyện thi ở Nhật đã khiến chị Vân có suy nghĩ muốn cho con đi du học đại học. Chị muốn hướng cho con đến học ở những nước với triết lý giáo dục khác với Nhật, mong muốn con sẽ có một thế giới quan khác hơn, rộng mở hơn, có thể trở thành công dân toàn cầu, không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nhật.