Trẻ càng bị “thấm nhuần” 3 suy nghĩ này từ nhỏ, lớn lên càng dễ tự ti, cha mẹ dừng ngay còn kịp

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nếu muốn trở thành bậc cha mẹ tốt, hãy tránh gieo vào đầu con 3 tư tưởng này từ nhỏ.

Theo tiến sĩ Naveen Sharma, chuyên gia tâm thần ở Anh, trở thành cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa phải đối mặt với những thách thức và học hỏi những điều mới. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình này.

Cách bạn giáo dục con cái ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chúng phát triển. Nếu muốn trở thành bậc cha mẹ tốt, hãy tránh gieo vào đầu con 3 tư tưởng này từ nhỏ.

Trẻ càng được thấm nhuần 3 suy nghĩ này từ nhỏ, lớn lên càng dễ tự ti - Ảnh 1.

Trở thành cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa phải đối mặt với những thách thức và học hỏi những điều mới.

1. “Thấm nhuần” cho trẻ tư tưởng về sự nghèo đói

Một số phụ huynh không đến nỗi khó khăn về tài chính nhưng để con biết quý trọng đồng tiền, họ luôn ca điệp khúc "nhà mình nghèo lắm" để rèn con. Nếu thường bị nhồi nhét tư tưởng nghèo khó, trẻ sẽ tự cô lập mình. Vì nhút nhát, sợ bị coi thường nên trẻ tỏ ra thận trọng, mong manh và nhạy cảm trong giao tiếp, thậm chí là sống nội tâm, tự ti. Cuộc sống khi trưởng thành vì vậy trở nên mệt mỏi.

Ngoài ra, cha mẹ thường xuyên "than nghèo kể khổ" với con, mỗi ngày sự thiếu thốn sẽ bị khắc họa và phóng đại trong lòng đứa trẻ. Từ đó xuất hiện tình trạng trẻ vin vào cớ "hoàn cảnh khó khăn" để trốn tránh những việc làm chưa tốt của mình.

Thay vì than thở, hãy dạy con từ cuộc sống thực của gia đình, cho con nhìn thấy những hình ảnh lao động chân tay ngoài đời sống để con quý giá trị công sức, quý trọng đồng tiền là cách giáo dục thực tế để con nhận thức được hoàn cảnh gia đình, muốn tốt thì con phải cố gắng.

2. Khắc sâu ý nghĩ rằng trẻ không tốt bằng những người khác

Nhiều bậc cha mẹ có thói quen dùng những lời chỉ trích, phê phán để thúc đẩy con mình tiến bộ và so sánh con mình với những người khác. Nhưng hành động này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình làm việc gì cũng không giỏi, cứ như vậy lâu dần sẽ hình thành tâm lý thua kém người khác, lớn lên rất khó thành công.

Trong vấn đề học hành hay cuộc sống, chỉ cần một đứa trẻ chịu học và làm việc, kể cả khi chúng làm không tốt, bố mẹ vẫn nên động viên con mình. Sự động viên, khích lệ, tin tưởng vào con cái sẽ giúp trẻ dần dần có động lực học và tiến bộ hơn. 

Những lời nói dịu dàng lúc nào cũng mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với việc la mắng hay so sánh với người khác. Nếu có sự so sánh, đó nên là so sánh với bản thân của con cái, liệu rằng chúng đã làm tốt hơn so với trước đây hay chưa.

3. Gieo vào đầu con tư tưởng không thể khóc

Một số bậc cha mẹ khi nhìn thấy con mình khóc sẽ la mắng và ra quy định không được khóc. Tại sao một đứa trẻ không thể khóc? 

Sự phủ định vô hình của những cảm xúc tiêu cực là nguyên nhân tích tụ, có thể dẫn tới những tình huống xấu hơn. Khóc cũng là một cách giải tỏa, thư giãn đầu óc. Cha mẹ thường gieo cho con cái quan niệm không được khóc, khi lớn lên con sẽ sống rất mệt mỏi, không biết cách giải quyết cảm xúc, dễ rơi vào trạng thái tiêu cực. 

Khi con khóc, một phần là do cảm thấy bất lực, thất vọng. Là phụ huynh, bạn hãy hướng dẫn con rằng hành động khóc không phải sai trái. Mở lòng có thể giúp con bạn cố gắng vượt qua những giọt nước mắt. Hãy thể hiện sự lắng nghe, đồng cảm để con có thể mở lòng giãi bày tâm sự. Có người bên cạnh để chia sẻ các vấn đề khó khăn là rất quan trọng, không chỉ với các con. Con sẽ cảm thấy an toàn, bình tâm khi biết rằng có bố mẹ luôn bên cạnh để giãi bày tâm sự.

Chia sẻ