Mẹ Việt ở Hàn chia sẻ bí quyết giúp căn bếp đẹp "chuẩn chỉnh" và luôn sạch sẽ, gọn gàng
Nhìn vào góc nấu nướng hàng ngày của chị Nguyễn Dịu, chị em không khỏi trầm trồ thán phục bởi ở đó luôn hiện diện sự đảm đang, gọn gàng của người phụ nữ Việt khi làm dâu xứ Hàn.
Chị Dịu hiện tại đang sống cùng chồng và hai con ở xứ sở kim chi. Theo quan niệm của chị, góc bếp có yêu thương thì tổ ấm mới đong đầy. Đó cũng là lý do chị luôn dành thời gian chăm chút cho tổ ấm, đặc biệt là góc nấu nướng của gia đình mình.
Chị Dịu chia sẻ: "Cuộc sống sinh hoạt ở Hàn Quốc không giống ở Việt Nam. Buổi sáng không bán đồ ăn sáng, món ăn cũng khác nên thích ăn thì sẽ tự nấu. Đó cũng là lý do mình ngày càng gắn bó và yêu căn bếp nhiều hơn".
Từ một người không biết rửa bát, không biết dọn dẹp, cũng không biết nấu nướng nhưng cảnh làm dâu xa xứ, chị Dịu đã mày mò học hỏi từng chút một. Chị cũng rất hứng thú khi ngắm nhìn những món ăn mọi người đăng sau khi chế biến.
Chị yêu thích ngắm những góc bếp gọn gàng, tinh tươm hay lắng nghe những mẹo làm sạch bếp hữu ích. Tất cả thói quen ấy giúp chị có thêm động lực sắp xếp gọn gàng không gian nấu nướng hàng ngày của mình, tạo thói quen cất trữ thực phẩm trong tủ.
Những món ăn ngon được chị Dịu chế biến thường ngày.
Để không gian nấu nướng gọn đẹp, sạch sẽ, chị Dịu ưu tiên việc vệ sinh màng hút mùi. Theo chị, bếp không chỉ cần gọn mà cần sạch và thơm. Chị lấy baking soda 3 bát con + 1 chút dầu rửa bát, nước nóng. Đầu tiên, chị bịt chỗ bồn rửa bát lại không cho nước thoát ra, nấu nước nóng đổ baking soda + dầu rửa bát vào khuấy tan vào sao cho ngập 2 miếng màng lọc hút mùi.
Ngâm 20 - 30 phút (1, 2 tiếng do độ bám dầu mỡ của miếng hút) sau đó dùng bàn chải kì sạch lại. Đối với khu vực xung quanh máy hút mùi bên trên, hòa baking soda và nước rửa bát, thêm nước khuấy tan hết dùng bình xịt và xịt lên để 20 phút thì cầm búi rửa bát kì sạch và khăn giấy lau khô lại. Chỗ khó kì như khe, kẽ thì dùng bàn chải đánh răng kì lại cho thật sạch.
Đối với sàn nhà, đặc biệt là sàn bếp có thể dính dầu mỡ, đi hay bị rít chân, lau nước thông thường sẽ không được sạch. Chị Dịu thường sử dụng 2 cốc giấy baking soda + 1 bát giấm, thêm nước nóng để hòa tan hết và cho giấm vào, tiếp đó thấm vào khăn lau nhà, để khăn nguội và đem lau sàn. Sàn nhà sẽ sạch bóng và diệt khuẩn tốt.
Bên cạnh việc sắp xếp và làm sạch không gian, chị Dịu chú ý đến việc lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh vừa đảm bảo gọn sạch, dễ tìm, vừa đảm bảo vệ sinh. Chị Dịu chia sẻ về cách chia rau củ: "Những loại rau cọng nhỏ, mỏng dễ úa như rau xà lách, rau mùi, rau răm, rau muống, rau cải, hành lá..., mình cho vào hộp dẹt vì không tốn diện tích hộp, tránh để túi zip khiến rau bị nát vì để chồng lên nhau.
Những loại củ quả như cà rốt, dưa chuột, hành tây..., mình cho vào hộp cứng, dài vì những củ này dài nhỏ dễ cho vào hộp dài để cạnh tủ lạnh. Những rau có diện tích to như su hào, bắp cải, bí ngô, củ cải..., mình để trong túi zip. Với hành nếu mua nhiều, mình cắt nhỏ cho vào hộp và trữ ngăn đá".
Đối với các loại thực phẩm trữ ngăn đá, chị Dịu cũng có bí quyết sắp xếp riêng: "Cá sau khi mua về mình làm sạch sẽ, lấy hộp dài trải theo lớp, một lớp cách nhau 1 lớp túi để khi lấy ra không bị dính vào nhau. Thịt mình chia ra từng hộp theo từng phần cho bữa ăn, tôm cho vào đóng đá 3 tiếng sau đó lấy ra sóc đều sẽ không bị dính và có thể để chung 1 hộp to. Với đồ khô như tôm khô, cá khô, xương ống, xương bò được chia ra túi zip".
Ngoài ra, các loại hoa quả xay sinh tố được chị Dịu rửa sạch chia ra từng hộp để vào phía cạnh tủ. Thịt chia ra từng phần, ăn phần nào lấy phần ấy để vào tủ mát từ đêm, sáng ra chỉ cần chế biến. Thịt to chị ép vào từng màng một miếng một màng ăn. Thịt bò hay thịt ba chỉ đều được xử lý tương tự. Với hạt, củ quả được chị chia đều các lọ. Cách trữ đồ này giúp khi nấu, thực phẩm vẫn tươi ngon, rau không bị nát, thịt cá dễ lấy, dễ rã đông không tốn thời gian.
Ngoài góc bếp, các khu vực chức năng khác trong căn nhà ấm cúng của chị Dịu cũng luôn gọn gàng nhờ cách sắp xếp, bày biện đồ khoa học. Mỗi góc nhỏ đều được tích hợp nhiều chức năng khác nhau. Chị Dịu luôn ưu tiên không gian cho con vui chơi, cho lối đi lại của cả nhà thêm thoáng đãng. Căn nhà vì thế luôn gọn đẹp và ưa nhìn.
Các khu vực chức năng khác cũng luôn thoáng đãng, ngăn nắp.
Nguồn ảnh: NVCC