Mẹ Việt kể chuyện cho con đi học ở Úc với nhiều điều bất ngờ

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Một học sinh được giải Toán quốc tế cũng chỉ được vinh danh vài phút (không hề có tiền thưởng) trong khi một học sinh khác được giải thi đấu bóng bàn hay bơi lội cấp thành phố sẽ được tuyên dương nhiệt liệt trong các bản tin trên website của trường.

Cách đây hơn một tháng, khi đi họp phụ huynh cho con trai, chị Hoàng Hằng, giáo viên mầm non tại Úc, chủ kênh Youtube Hey, Hằng - kênh chia sẻ những phương pháp học tập hiệu quả cho học sinh, sinh viên - được cô giáo của con thông báo, kỳ này điểm môn Văn viết (Tiếng Anh) của con bị tụt hạng so với trước. Cô giáo thẳng thắn góp ý với chị về những mặt con cần tập trung tiến bộ. Nhưng tất cả các góp ý đều mang tính xây dựng chứ không hề có một chữ chê bai hay hạ thấp học sinh. 

Điều chị Hằng cảm động nhất chính là việc cô dặn chị về nói với con trai, trong bài giảng nếu có chỗ nào con chưa hiểu thì phải chủ động hỏi cô. Kể cả cô phải bỏ giờ ăn trưa để giảng giải cũng không ngại, và nhất là có học sinh “hỏi cùng một câu hỏi tới cả chục lần thì cô cũng sẽ kiên nhẫn giải thích cả chục lần cho đến khi nào hiểu mới thôi”.

Bà mẹ này cho rằng, mình chưa thấy thầy cô miêu tả học sinh bằng từ “dốt” bao giờ. Khi đánh giá, họ thường dùng những từ như “nỗ lực”, “cố gắng” chứ hiếm khi nào khen học sinh “thông minh”. Học sinh nào chưa đủ tự tin thì họ luôn khuyến khích em đó bằng những câu khen ngợi như: “Cô nhìn thấy em đã giơ tay phát biểu mấy lần trong tuần này, có vẻ như em đã tự tin hơn rất nhiều rồi đấy!”. 

Để tiếp tục khuyến khích học sinh giơ tay phát biểu, thầy cô không bao giờ chỉ trích nếu như các em trả lời sai mà luôn động viên sự cố gắng của học sinh và giải thích cặn kẽ để giúp các em hiểu bài tốt hơn.

Mẹ Việt ở Úc kể chuyện con đi học cấp 3: Phụ huynh không được phép biết số điện thoại của thầy cô, học sinh trong lớp không biết ai giỏi, ai kém - Ảnh 1.

Chị Hoàng Hằng và các con.

Phụ huynh không được phép biết số điện thoại của thầy cô, không có ngày nhà giáo

Chị Hằng cho rằng, ở trường học của con trai chị - một trường trung học ở thủ đô Canberra - sự riêng tư của mỗi cá nhân cũng vô cùng được chú trọng. Phụ huynh không được phép biết số điện thoại của thầy cô (để tránh việc gọi điện làm phiền thầy cô ngoài giờ học), nếu có chuyện muốn liên lạc với giáo viên thì phụ huynh phải thông qua nhà trường trước để xin email hoặc nhà trường sẽ chuyển giúp thông tin tới cho giáo viên. 

Nhưng cũng chính vì sự “rõ ràng đâu ra đấy” này mà tình cảm cô trò ở Úc cũng không thắm thiết như ở Việt Nam, vì chẳng có ngày Nhà giáo, cũng không học sinh nào biết nhà thầy cô ở đâu để tới thăm hỏi. "Hồi con mình học Tiểu học thì còn có vài cơ hội gặp gỡ giáo viên vào giờ đi đón con để hỏi thăm tình hình học hành của con, nhưng từ khi con lên cấp 2 thì mình hoàn toàn chỉ liên lạc với thầy cô qua các buổi họp phụ huynh mà thôi", chị nói.

Trước buổi họp phụ huynh thì mỗi người sẽ vào mạng đăng ký một khung giờ riêng và sau đó được trao đổi với giáo viên trong khoảng 6 phút. Vì thời gian họp riêng biệt như thế nên nhà này sẽ không rõ được thông tin của nhà khác, không biết học sinh trong lớp ai giỏi hơn, ai kém hơn trừ khi nghe từ miệng của chính con mình. Mà các con cũng chỉ thỉnh thoảng mới biết điểm số của bạn bè thân thiết do các bạn tự nói ra, chứ không ai tò mò hỏi điểm của các bạn khác trong lớp. 

Chính vì vậy mà các con chơi với nhau phần lớn là vô tư, không quan tâm hay ganh đua với điểm số của bạn; và phụ huynh có con học kém cũng không cảm thấy có gì phải tự ti khi gặp phụ huynh khác vì vấn đề điểm số không phải là thứ họ quan tâm nhất.

Điều gì được quan tâm ở trường trung học phổ thông?

Ở trường con trai chị, điều được quan tâm nhất chính là các hoạt động thể dục thể thao, âm nhạc, thuyết trình… Một học sinh được giải Toán quốc tế cũng chỉ được vinh danh vài phút (không hề có tiền thưởng) trong khi một học sinh khác được giải thi đấu bóng bàn hay bơi lội cấp thành phố sẽ được tuyên dương nhiệt liệt trong các bản tin trên website của trường. Tất nhiên công việc của thầy cô là dạy dỗ kiến thức cho học sinh, nhưng họ không lấy điểm số làm thước đo giá trị của thành công và tránh để xảy ra sự đối xử phân biệt giữa các học sinh vì lý do điểm số.

Lên đến lớp 11 và 12 thì có phần khác biệt vì đây mới là lúc học sinh thực sự tập trung cho học tập. Điểm số của hai năm này sẽ quyết định cho tương lai vào Đại học của các con (điểm vào Đại học ở Úc được tính trên thang điểm có tên là ATAR). 

Khi bắt đầu vào học lớp 11, học sinh thường sẽ tự nghiên cứu để lựa chọn môn học phù hợp với ngành học mà học sinh quyết định đăng ký ở trường Đại học. Phần lớn học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học, nhưng cũng có một số khác sẽ chọn học ít hơn hoặc nhiều hơn 5 môn. Đây là sự khác biệt lớn giữa nền giáo dục ở Úc và giáo dục tại Việt Nam, vì phần lớn học sinh ở tiểu bang chị ở (ACT) vào hai năm cuối trung học chỉ tập trung vào những môn học chủ đạo đã lựa chọn mà không cần đăng ký thêm những môn học không cần thiết. 

Vì thang điểm ATAR được tính dựa trên điểm của học sinh trong suốt hai năm nên học sinh sẽ phải cố gắng đều đặn trong suốt quá trình học, tham gia đầy đủ các bài kiểm tra và nộp assignments. Điều này khiến học sinh nâng cao ý thức và nỗ lực học tập nếu như muốn đạt một thang điểm ATAR nhất định.

Và thời điểm này cũng chính là lúc mọi người được chứng kiến sự thay đổi đột ngột, có thể nói là “sốc” ở một số em học sinh. Những học sinh này trong suốt 10 năm trước đó học hành rất “lớt phớt”, chơi là chính học là phụ; nhưng khi vào lớp 11 thì bỗng dưng biến đổi thành một con người khác, tập trung vào học hành và tạo được những bước nhảy đột phá. Chính vì thế mà một số phụ huynh không ép con học trong những năm phổ thông mà chú trọng vào các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất và đưa con đi du lịch, bởi họ biết lúc nào là thời điểm cần thiết cho con họ dốc sức đạt tới một thang điểm nhất định để vào Đại học.

Xin cho con học “đúp lớp” rất khó; xử lý nạn bạo lực học đường theo từng độ tuổi

Theo chị Hằng, cũng một phần vì tư tưởng “không coi trọng điểm số” nên việc xin cho con học “đúp lớp” ở đây là việc rất khó. Được biết, vấn đề “đúp lớp” của học sinh có liên quan tới ngân sách tài trợ của chính phủ cho nhà trường nên việc học sinh không lên lớp sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu đã định, chứ không liên quan gì đến vấn đề thành tích cả. 

Một vấn đề nổi bật nữa là việc bắt nạt ở học đường. Khi các em còn ở độ tuổi mẫu giáo hay tiểu học thì trong sân trường thỉnh thoảng vẫn vang lên tiếng khóc của các em bị bạn khác bắt nạt. Vậy thầy cô sẽ xử lý như thế nào?

Nếu là ở trường mẫu giáo, các cô ngoài việc giải thích cho các em hiểu về “cảm xúc” của người bị bắt nạt và khuyên các em nên đấm vào gối để giải tỏa cảm xúc thay vì đánh bạn; thì các cô còn sắp xếp các cuộc họp với phụ huynh để cùng giải quyết vấn đề một cách nhất quán. 

Các cô không cổ vũ cho việc đánh lại bạn, nhưng cũng có lúc các cô cũng lờ đi không can thiệp, để cho các em tự giải quyết vấn đề; ví dụ như trong trường hợp một em nhỏ liên tục bị bắt nạt bỗng dưng vùng dậy phản kháng khiến kẻ bắt nạt phải bất ngờ chùn bước trước kẻ yếu thế hơn mình.

Ở trường phổ thông, khi các em đã lớn và có hiểu biết hơn thì nhà trường lại xử trí việc bắt nạt theo một cách khác, kiên quyết hơn và thậm chí phụ huynh có thể nhờ tới sự can thiệp của luật pháp. Có một học sinh lớp 10 ở trường của con chị Hằng đã phải nhận hậu quả sau khi liên tục bắt nạt một bạn cùng trường, đó là tuyệt đối phải giữ khoảng cách với người bị bắt nạt ít nhất là 20 mét theo lệnh cấm từ Tòa án trẻ em. Lệnh cấm này nhân đạo ở chỗ vẫn cho phép cho học sinh bắt nạt quyền được tới trường, nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho học sinh cần được bảo vệ.

Chị Hằng cho rằng, các nơi khác trên nước Úc có thể có phương pháp dạy và học khác nhau chứ không hoàn toàn như nhau. "Cũng có một số trường học ở những thành phố khác, ví dụ như Sydney chẳng hạn, lại hoạt động một cách khác hẳn so với trường học ở đây. Tức là lượng bài vở rất nhiều, ít thời gian cho thể thao hơn, giờ ra chơi phải "đi nhẹ, nói khẽ". 

Hoặc là có những trường học không yêu cầu học sinh phải học quá nhiều, nhưng vì một số cha mẹ, chủ yếu là người châu Á muốn con phải vào được trường điểm của thành phố nên bắt con cái đi học thêm từ hồi lớp 2, lớp 3. Học bù đầu chẳng kém gì ở Việt Nam", chị Hằng chia sẻ.

Chia sẻ