Mẹ trung vệ Bùi Tiến Dũng: “Dũng ơi, sao con to gan thế!"
Trận đấu bước vào thời khắc quyết định cũng là lúc trung vệ Bùi Tiến Dũng đi lên để đá quả luân lưu 11m cuối cùng. Vừa nhìn thấy con, người mẹ ở quê nhà đã không kiềm chế được cảm xúc. Bà hét lên và che mắt không dám xem tiếp vì lo lắng.
Phố nhỏ tự hào với trung vệ Bùi Tiến Dũng
Những ngày qua là quãng thời gian cả nước chìm trong niềm vui sướng khi U23 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết của VCK U23 châu Á.
Những anh hùng sân cỏ lần lượt được nhắc tên như thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Phan Văn Đức, tiền đạo Nguyễn Công Phượng… và trong đó không thể không nói đến trung vệ Bùi Tiến Dũng với quả penalty quyết định cho U23 Việt Nam.
Trở về quê nhà của Dũng tại TDP 2, Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ngay sau khi trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq kết thúc, đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán xôn xao.
Rất đông người dân đến chia vui cùng gia đình
Điều đặc biệt, trên khuôn mặt lao động với những vết nhăn sương gió khắc nghiệt miền Trung của những người được hỏi luôn nở nụ cười tươi khi nhắc đến trung vệ Bùi Tiến Dũng. Đối với họ bóng đá đã trở thành liều thuốc tinh thần giúp xóa đi những khắc nghiệt của cuộc sống. Họ tự hào khi Việt Nam vang danh quốc tế, tự hào khi Hà Tĩnh có người con như Dũng.
"Tối 20/1, ngoài đường vắng hoe vì mọi người tập trung xem bóng đá, xem Dũng thi đấu cùng với đội tuyển Việt Nam. Chúng tôi muốn ủng hộ hết mình, để không chỉ Dũng mà các cầu thủ khác có thêm sức mạnh. Cuối cùng kết quả ngoài tưởng tượng, ai cũng tự hào khi nhắc đến Dũng cả", một cụ ông chỉ nhà cho biết.
Ngôi nhà của trung vệ Bùi Tiến Dũng nằm gọn trong một góc nhỏ, thế nhưng nơi đây vang lên tiếng ồn ã của người dân đến chia vui. Từ sáng đến giờ vợ chồng bà Dương Thị Hường (62 tuổi, mẹ Dũng) đã tiếp không biết bao nhiêu đoàn khách đến nhà. Thế nhưng có hề gì, bởi đây là niềm vui không thể nào kể hết được của gia đình, cũng là niềm vui của cả TDP 2.
Bà Hường cho hay, Dũng là con út trong gia đình bốn anh em trai. Bố mẹ đều làm nông nên không có điều kiện để mua thứ này thứ nọ như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng Dũng cũng hiểu điều đó nên cậu chẳng đòi thứ gì ngoài việc mê mẩn trái bóng tròn.
"Từ nhỏ, Dũng đã ham mê đá bóng. Mỗi lúc đi học về, Dũng đều xin anh trai đi xem các anh đá bóng, rồi dần dần đá với những đứa trẻ trong thôn. Lo sợ con bị chấn thương, nhiều lần tôi ngăn cấm mấy anh em không cho ai đi đá bóng, nhưng vì quá mê nên Dũng lại trốn đi", bà Hường cười nhớ lại.
Bà Hường chia sẻ về cú sút 11m cuối cùng của con
Lên lớp 6, trong một lần có đơn vị quân đội về xã tổ chức thi tuyển các cầu thủ nhí, người bác của Dũng khuyên cháu đi thi, không ngờ Dũng thi đỗ vào lò đào tạo Quân khu 4 (TP Vinh - Nghệ An). Từ đó Dũng đá bóng xa nhà, rảnh rỗi mới trở về thăm gia đình. Thương con nhưng bà Hường để trong lòng vì biết bóng đá là ước mơ cả đời của con.
Chặng đường để cả nước "nhớ mặt biết tên" của trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng vô cùng gian nan. Từ cầu thủ vô danh của Trung tâm Bóng đá Viettel, Bùi Tiến Dũng bất ngờ được triệu tập vào Đội tuyển U19 Việt Nam tham dự giải U19 Đông Nam Á 2014 thay thế Trần Hữu Đông Triều. Từ đó, Dũng trưởng thành từng trận đấu và chứng tỏ được tài năng của mình, dần dần trở thành nhân tố không thể thiếu của bất cứ HLV nào.
Người mẹ không dám xem con đá penalty
Bà Dương Thị Hường cho biết, từ ngày con trai cùng đồng đội sang Trung Quốc thi đấu, vợ chồng bà lâu lâu mới được trò chuyện với con trai. Những lúc anh trai Dũng về thì mới được nhìn và nghe con nói chuyện qua Facebook.
"Nhìn Dũng to cao vậy chứ yếu đuối lắm, suốt ngày gọi điện về cho tôi thôi. Thế nhưng do tôi không biết dùng smartphone nên phải chờ con về mới được gặp Dũng. Nghe Dũng bảo bên Trung Quốc lạnh lắm, âm 2 độ cơ. Chưa bao giờ Dũng phải chịu nhiệt độ như vậy nên tôi hơi lo cho sức khỏe của con, thế mà Dũng cứ cười hề hề nói không sao", bà Hường nói.
Những huy chương mà Bùi Tiến Dũng có được trong thời gian thi đấu
U23 Việt Nam đã có một chiến thắng "đau tim" đúng nghĩa trước tuyển U23 Iraq để ghi danh vào một trong bốn đội mạnh nhất VCK U23 Châu Á. Ở quê nhà, nhiều lần bà Hường cùng mọi người cũng phải thót tim khi thấy Dũng và đồng đội bám đuổi tỉ số với đội bạn.
"Cầu thủ nước bạn ai cũng to cao, đẩy một cái nhẹ là cầu thủ đội mình văng ra rồi. Tôi nghĩ Dũng cũng bị thương vậy mà vẫn xông vào mãnh liệt như vậy. Tôi tự hào về con, về các cháu trong đội tuyển Việt Nam lắm", bà Hường nói.
Sau khi trải qua hiệp chính và hiệp phụ với tỉ số cân bằng, 2 đội bước vào loạt đá penalty đầy may rủi. Trận đấu bước vào thời khắc quyết định cũng là trung vệ Bùi Tiến Dũng đi lên để đá quả luân lưu 11 m cuối cùng. Vừa nhìn thấy con, bà Hường đã không kiềm chế được hét lên: "Dũng ơi, sao con to gan thế!" và che mắt không dám xem tiếp vì lo lắng.
"Đá vào thì không sao, nhưng đá ra ngoài thì thằng bé sẽ bị bao nhiêu người chửi rủa. Vì vậy tôi mới không dám xem, nói thật nếu có trận nào như thế này nữa chắc tôi không sống nổi vì lo lắng mất. Đến khi mọi người hét vang Việt Nam đã thắng, nhìn lên màn hình thấy thằng Dũng cứ cầm chiếc áo chạy trong sân, tôi vỡ òa hạnh phúc", bà Hường mỉm cười.
Không chỉ là người ghi bàn quyết định cho chiến thắng lịch sử của đội tuyển Việt Nam, gương mặt điển trai, nam tính cùng thân hình 6 múi khoẻ khoắn của Tiến Dũng trong khoảnh khắc ăn mừng cũng được chia sẻ rầm rộ trên mạng.
Khoảng khắc Bùi Tiến Dũng vui mừng trước chiến thắng được nhiều người quan tâm
"Sau một đêm thì cho đến chiều nay Dũng mới gọi về cho gia đình. Dũng hỏi thăm sức khỏe rồi hỏi tôi có xem trận bóng tối qua không. Tôi cứ trách sao con liều vậy, thấy con cười thì tôi biết cháu đã ổn định tinh thần và không còn lo lắng nữa", bà Hường cho hay.
Chơi tròn vai trong cả trận, Bùi Tiến Dũng còn làm tốt nhiệm vụ trợ giúp các đồng đội trong những pha ngăn cản đối thủ. Theo thống kê, trung vệ người Hà Tĩnh có 63 lần chạm bóng, 47 lần qua người, một pha tắc bóng truy cản cứu thua và tỷ lệ đường chuyền thành công là 80.9%.
Chân dung trung vệ Bùi Tiến Dũng
"Dũng và các cháu của đội tuyển Việt Nam đã làm điều không thể ai tưởng nổi. Dù kết quả thế nào thì chúng tôi vẫn tự hào và quá sung sướng rồi. Trận đấu kế tiếp là đối thủ rất mạnh, vì thế chúng tôi chỉ muốn các cháu đá hết sức mình, cống hiến cho nước nhà, còn thắng thua không quan trọng nữa", bà Hường nói trước khi chia tay.
Đối với bà hay những bậc phụ huynh khác của lứa cầu thủ đang thi đấu cho U23 Việt Nam rất vui mừng khi các con thành công, nhưng cũng đầy lo lắng khi thấy áp lực mà các con phải đối diện. Bởi vậy bà Hường nhắn nhủ các cầu thủ luôn đoàn kết, tự chăm sóc nhau và cố gắng thi đấu hết khả năng của mình.
Trước mắt Bùi Tiến Dũng và các đồng đội U23 Việt Nam là trận bán kết với U23 Qatar và người hâm mộ trên khắp dải đất hình chữ S đang chờ đợi một cơn địa chấn tiếp theo, một cột mốc lịch sử tiếp theo của thầy trò HLV Park Hang Seo.