Mẹ tôi: Người dành cả cuộc đời để "nói dối" nhưng tuyệt đối không ai dám trách lấy nửa lời!
Sự thật rõ ràng ngay trước mắt, thế nhưng chúng tôi vẫn bị mẹ "nói dối" theo một cách rất khó gọi tên...
Từ xưa đến nay người ta vẫn bài trừ việc nói dối. Những tưởng đám trẻ con mới lớn mới là hội nói dối như... hát hay để tránh đòn roi tét đùi, nhưng không, mẹ tôi mới là người nói dối nhiều nhất.
Làm mẹ thường vô cùng vất vả, ít thì ba đứa con, nhiều thì bảy đến chín đứa (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam).
Mẹ kể hồi mới sinh anh Vinh nhà tôi nghèo đến nỗi dột trần nhà cũng không có gì để lợp lại, nước rỏ xuống mặt con thì mẹ đành úp cái nón cho đỡ ướt. Cơm cữ của mẹ chỉ là mấy hạt lạc với ít rau lang luộc. Có hôm bố tôi kiếm đâu được một quả trứng gà luộc cho mẹ, mẹ ăn một nửa rồi đưa cho bố, bảo mẹ ghét mùi trứng. Mẹ nói vậy mà bố cũng tin, hít một hơi hết luôn suất trứng của bà đẻ. Mẹ bảo bố mày chỉ chờ câu đó của mẹ thôi, đi đào than 5 tháng ở Mông Dương đến cơm còn chẳng có chứ nói gì đến trứng. Xót lắm!
Món cá gỗ kinh điển chỉ dùng để ngắm mỗi khi nhà không có gì ăn (Ảnh: Internet).
Bố kể hồi mới có tôi, chiều nào bố cũng đi bơm vá xe đạp kiếm chác thêm chút ít. Mẹ thì dù mới sinh cũng nhận gói thuốc lá, bóc lạc thuê, thậm chí nhận gấp cả 100 chiếc đèn lồng buổi tối nữa. Đẻ ba đứa con lại chẳng có thời gian nghỉ ngơi, trí nhớ mẹ tôi giảm sút hẳn. Lần thì mẹ để quên tôi trong chiếc làn đỏ, tôi xoay xoay thế nào lật cả người lẫn làn xuống đất. Lần thì cơm khê, lần thì sai anh Phúc đi đổ bô cho tôi rồi mẹ tôi lại lao đi tìm anh Phúc... Lúc nào mẹ cũng bảo mình không mệt: "Tôi không mệt, ông không phải lo" - Bố tôi tiếp tục: "Mẹ mày lúc nào cũng chủ quan như thế, sau ông bà nội bốc thuốc ở nhà mới gửi lên cho mấy thang thuốc bổ. Thế là tao cũng quyết chẳng đẻ nữa, ba đứa là đủ rồi".
Mỗi tháng chỉ có vài đồng lương nên bố mẹ tôi bắt buộc phải làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào (Ảnh: Internet).
Giờ chúng mày cưới thì tiền trăm triệu chục triệu, xưa tao với mẹ mày lấy nhau bà nội cho có 30 nghìn đi đường. Cả đoàn đi tiễn có 5 người, đi từ quê lên đến Thanh Trì mỗi người ăn bát phở không người lái là hết. Mẹ mày ngồi sau xe đạp hơn tám chục cây số như thế mà không kêu than câu nào, không có một tiếng trách móc nào hết. Hỏi có thấy khổ không, bà ấy chưa lần nào hé môi nói lấy một chữ: "Khổ cái gì mà khổ, ông tập trung mà đạp xe đi!" - Đấy, mẹ chúng mày là thế đấy!
Hành trình đạp xe đón dâu chỉ với 30 nghìn đồng đã đi vào sử sách (Ảnh: Internet).
Sau này khi nhà tôi chuyển đến khu mới thì đã có ba đứa con, thiếu ăn thiếu mặc là lẽ tất nhiên. Tôi chưa bao giờ được mặc đồ mới vì luôn phải ké đồ thừa của mẹ. Nhà có hai người phụ nữ, không mặc của mẹ thì của ai? Nói thế chứ đồ của mẹ nghĩa là ống loe dài lượt thượt, đặc biệt là chỗ mông quần hay có mấy cái "tivi" vá víu, sang lắm thì có bông hoa hồng nơi ngực áo cho đỡ phô: "Mua làm gì lắm, mẹ mặc loại này cho mát" - Mẹ tôi, dù có là mùa đông thì vẫn trả lời như vậy.
Chỉ mong trời yên biển lặng cho mẹ yên ổn làm ăn nuôi con, vun vén cho gia đình (Ảnh: Internet).
Mẹ không thích ăn cơm, mẹ không thích ăn cá, mẹ chỉ thích ăn cháy với ít tóp mỡ rang nghệ...
Mẹ thích ăn cái đuôi cá, mẹ ghét giò, ghét mặc áo len...
Mẹ không thích cầm nhiều tiền, chúng bay cầm hết về mua cái gì ngon cho tụi trẻ chúng nó ăn...
Năm tôi 17, khi ấy cả nhà đã khá hơn một chút nhưng vẫn phải chắt chiu lắm. Có lần sang nhà bạn chơi thấy cả nhà đang tổ chức sinh nhật cho mẹ nó, tiệc sinh nhật có bánh quy cam, có thanh long hạt đều như rắc vừng, đặc biệt là mẹ nó ngồi giữa trung tâm nghe mọi người chúc tụng có vẻ vui lắm. Nhà bạn giàu, nhà tôi nghèo, ai cũng biết chỉ mình tôi không biết. Tôi thích chí, nằng nặc đòi bố tổ chức sinh nhật cho mẹ. Mẹ tôi bảo mẹ không có sinh nhật thì tổ chức làm gì? Ngày xưa bà ngoại bảo đẻ cùng lứa với đám cái Liễu cái Thuận trong khu. Thế là ngày sinh của cô Liễu, tháng sinh của cô Thuận mặc định thành sinh nhật của mẹ tôi như thế.
Mẹ là người nói dối nhiều nhất, nhưng tất thảy đều là những lời nói dối vô hại (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam).
Nghe cũng có lý, tôi thôi luôn ý định mừng sinh nhật mẹ. Mãi sau này tôi mới biết mẹ tôi chưa bao giờ quên ngày được sinh ra. Tờ giấy chứng sinh mỏng tang luôn được cất kỹ dưới đáy rương nhưng nét chữ vẫn rõ ràng: Lê Thị Khải, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1949. Tôi chỉ biết điều này khi làm lễ mừng thọ 75 tuổi cho mẹ. Còn khi tôi 17, trong tâm trí tôi, mẹ vẫn là một người không có sinh nhật. Mẹ nhớ tất thảy ngày sinh của bố, của ba anh em, ngày bố hỏi cưới mẹ làm vợ nhưng chúng đều được lờ đi chỉ vì một chữ nghèo.
Mẹ - Vợ của bố tôi luôn là một người nói dối nhiều nhất nhà. Nhưng không ai có thể trách bà vì những lời lẽ ấy. Tôi không bao biện cho mẹ, bởi những điều bà làm cho gia đình còn vượt xa hơn tất thảy những lời nói dối năm nào...