Mẹ tôi bị bà nội đòi hết tiền vàng vì nuôi con 20 tháng chỉ nặng 15kg
Đến bây giờ tôi mới biết mẹ đã kiên cường ra sao khi một mình nuôi đứa con khát sữa, bị nhà chồng ruồng rẫy và làng xóm chê bôi.
Đã 20 năm rồi tôi không gặp lại bà nội. Hôm nay mợ ở dưới quê gọi điện lên báo mẹ con tôi về lo hậu sự cho bà. Tôi nhất quyết nói mẹ phải ở lại thành phố.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tôi là đứa cháu hư hỏng, vô tình. Nhưng tôi không bao giờ xấu hổ vì điều đó. Sự thật đúng là tôi không có tình cảm gì mấy với bà nội, bởi từ lúc tôi chưa lọt lòng bà đã coi mẹ con tôi như “của nợ” mà nhà họ xui rủi vớ phải.
Những ký ức từ năm 6 tuổi đến 17 tuổi của tôi gần như rất vui vẻ. Tôi và mẹ sống trong căn nhà vắng bóng cha. Mẹ bảo bố tôi mất sớm, nên từ bé tôi đã đinh ninh như vậy. Ai cũng thương 2 mẹ con côi cút nên bạn bè lẫn hàng xóm đều giúp đỡ rất nhiều.
Mẹ bận làm đủ công việc để kiếm tiền nuôi tôi. Thế nên mỗi sáng cô hàng xóm sẽ qua chở tôi đi học cùng con gái cô ấy. Buổi trưa thì anh Tâm cuối phố sẽ tiện đường dọn quán bánh mì đưa tôi về. Quần áo giày dép ngoài mẹ may thì tôi cũng hay được cho. Toàn đồ cũ, nhưng ấm áp đẹp xinh.
Nhà hỏng bóng đèn, vỡ miếng cửa sổ cũng được các anh trong ngõ tới sửa giúp không lấy tiền. Mỗi dịp lễ Tết, Trung thu hay sinh nhật ai xung quanh thì mẹ con tôi cũng được mời. Đồ ăn không bao giờ thiếu, Tết còn được hàng xóm cho chậu hoa, con gà, giò chả.
Cứ thế tôi lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của những người không chung máu mủ. Dần dần tôi chẳng hỏi mẹ xem bố con đâu, bà con đâu nữa. À tôi vẫn có ông ngoại, vì bà ngoại mất năm tôi 15 tuổi rồi. Nhưng ông sống ở quê với bác ruột, thi thoảng mẹ con tôi mới về thăm.
Trong chuỗi năm tháng êm đềm ấy chỉ có một điều lạ lùng duy nhất. Mỗi dịp sinh nhật tôi đều có 1 hộp quà gửi qua đường bưu điện. Không ghi tên người gửi, cũng chẳng có thiệp chúc mừng. Mẹ đẻ tôi mùa đông nên quà toàn mũ len, khăn lông, áo khoác bông, giày thể thao. Riêng năm tôi tròn 16 tuổi thì nhận được một bộ trang sức vàng rất đẹp.
Tôi hỏi mẹ nhưng bà cũng chẳng biết ai gửi cho tôi. Bà chỉ nói cứ nhận với tấm lòng biết ơn là được. Thật kỳ lạ vì những món quà ấy đều vừa vặn đúng sở thích của tôi. Từ màu sắc đến kiểu dáng, cứ như người tặng biết rất rõ về tôi mỗi ngày vậy.
Cho đến sinh nhật 17 tuổi, tôi đã phát hiện ra người gửi quà là ai. Hôm ấy mẹ tôi bất ngờ nhập viện vì đau ruột thừa. Khi chạy về nhà lục tủ lấy giấy tờ bảo hiểm cho mẹ, tôi vô tình làm rơi một chiếc túi da. Nắp túi không cài nên mọi thứ bên trong rơi lung tung ra sàn. Tôi vội nhặt lại cất đi, nhưng đập vào mắt là những dòng chữ được viết bởi một người đàn ông.
Hóa ra bố tôi vẫn còn sống, chỉ là ông ấy buộc phải coi như không tồn tại với đứa con gái này! Ông ấy đã có người vợ khác với những đứa con khác. Vậy mà vẫn giữ liên lạc với mẹ tôi, gửi tiền nuôi tôi và không quên ngày sinh nhật của tôi. Sau này tôi mới biết ông muốn quên cũng chẳng được. Bởi ngày tôi ra đời chính là sự khởi đầu khiến cuộc sống mẹ thay đổi mãi mãi.
Trong chiếc túi da ấy mẹ còn giữ nhẫn cưới và cả ảnh cưới ố vàng. Nếu là tôi có lẽ đã ném nó đi từ lâu…
Cố đợi đến khi mẹ ra viện tôi mới dám hỏi về người mình gọi là bố. Bà có vẻ thảng thốt. Nhưng sau đó cũng bình tĩnh kể lại tất cả cho tôi biết. Hóa ra bố vẫn ở cùng thành phố với mẹ con tôi. Mẹ không bị đuổi đi, mà do bà chọn rời bỏ cuộc hôn nhân địa ngục ấy. Tất cả là do bà nội. Từ lúc mẹ mang bầu tới khi tôi được gần 2 tuổi, lúc nào bà cũng chì chiết con dâu và dạy dỗ đủ thứ bằng giọng cay nghiệt. Ngày mẹ lâm bồn, vừa biết tin là cháu gái thì bà nội lập tức quay ngoắt khỏi trạm xá.
Hồi ấy nhà nghèo, lại không có kinh nghiệm nên mẹ chẳng có sữa cho tôi bú. Mấy bà dì với thím toàn xui dại, bảo mẹ ở cữ không nên ăn trái cây, kiêng tắm cả tháng trời, không ăn rau nọ thịt kia nên mẹ ngày càng gầy. Ốm yếu liên tục lại phải chăm con nhỏ, chồng thì đi công tác xa, mẹ tôi trầm cảm chỉ biết ôm con khóc mỗi đêm.
Có lần bà nội còn đánh mẹ tôi vì mệt quá dám ngủ đến trưa không dậy quét nhà nấu cơm. Bố về cũng không dám bênh vợ, sợ bà nội nên chỉ im lặng nhìn mẹ bị ngược đãi. Kết cục mẹ không chịu nổi nữa. Một ngày nọ khi bế tôi đi chợ về, bà lao vào mắng mẹ tôi gay gắt vì “nuôi con kiểu gì 2 tuổi chỉ có 15kg”, còm nhom đen thui. Bà chỉ trích mẹ không biết ăn, không biết chăm con, còn lục tủ mẹ tra hỏi xem có lén đem vàng cưới cho nhà ngoại hay không. Hàng xóm ngó sang xì xào, chê nhà bà có con dâu “nặng vía”, kém cỏi.
Tức nước vỡ bờ, mẹ giật lấy tôi từ tay bà nội và bỏ đi không mang theo bất cứ thứ gì. Bà nội càng chửi sau lưng bằng những từ ngữ cay độc. Mẹ bảo rằng không bao giờ quên hình ảnh bố đứng khoanh tay sau cửa sổ nhìn vợ con bị lăng nhục. Chính vì thế nên mẹ không bao giờ tha thứ, không cho phép nhà nội được nhận lại cháu gái.
Bí mật bị che giấu suốt bao năm bỗng lộ ra ngay trước ngày thi đại học, mẹ hốt hoảng lo tôi sẽ ảnh hưởng tâm lý rồi hỏng cả cuộc đời sau này. Thế nên mẹ liên tục xin lỗi, mong tôi hãy coi như không có gì. Coi như tôi không có bố, cứ sống tiếp cuộc đời mình như bao năm qua.
Tôi nhìn mặt mẹ đầy nếp nhăn và đồi mồi dù bà chưa đến 50 tuổi. Vì tôi mà mẹ cũng không tái hôn, chỉ ở vậy làm lụng tối ngày. Từ giây phút chạy khỏi nhà chồng, mẹ tôi đâu còn quan hệ gì với họ nữa đâu? Chẳng có lý do gì để góp mặt trong đám tang xa lạ ấy…