Mẹ phát hiện tờ giấy ghi tên "web đen" chứng minh hàng xóm hiếp dâm con, nhưng nóng nảy làm tiêu tan bằng chứng
"40% vụ xâm hại tình dục trẻ em chúng tôi tiếp nhận không xử lý được vì không có bằng chứng", luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi Hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết. Vậy khi có con em có dấu hiệu bị xâm hại, gia đình cần làm gì?
Thời gian vừa qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng khi liên tiếp các vụ án hiếp dâm, xâm hại trẻ em gây rúng động xã hội được phát hiện. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm có đến 1600-1800 trường hợp xâm hại trẻ em được ghi nhận. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không biết cách đòi lại công bằng cho con em mình, để khi sự việc vỡ ra, ngoài lời tố cáo "suông", bằng chứng không có, kẻ gây tội ác vẫn tung hoành ngoài vòng pháp luật.
Người mẹ ở Vũng Tàu đã đấu tranh rất nhiều để đưa vụ việc con gái bị xâm hại ra ánh sáng nhưng quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn vì chứng cứ mong manh.
Đã có rất nhiều vụ ấu dâm được phát hiện và đưa ra ánh sáng thời gian qua. Tuy nhiên cũng có nhiều vụ gây nhức nhối nhưng rất khó xử lí vì thiếu chứng cứ như vụ cháu bé gái 6 tuổi tố ông già 76 tuổi dâm ô ở Vũng Tàu. Hay vụ án bé gái 4 tuổi Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội tố cụ ông 79 tuổi hiếp dâm đã hơn 1 năm nay nhưng nghi can vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Gần đây nhất lại có 2 bé gái 8 tuổi ở Thanh Hóa hồn nhiên kể với mẹ bị ông lão hàng xóm dụ dỗ mua kẹo cho để dâm ô nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lí.Trên thực tế, còn rất nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em cơ quan chức năng không thể xử lý vì gia đình không lưu lại bằng chứng, lời kể của các bé ở độ tuổi quá nhỏ không thể là căn cứ duy nhất để giải quyết vụ việc.
Vài năm trở lại đây, các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. (Ảnh minh hoạ)
Tiêu tan chứng cứ vì... quá nóng
Nói về thực trạng đáng buồn trên, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, bà vẫn day dứt khi nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại mà Hội đang giúp đỡ đi vào ngõ cụt, thiếu chứng cứ chỉ vì một phút nóng giận, thiếu kiềm chế của bậc làm cha làm mẹ.
Một gia đình dẫn theo con đến trụ sở Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhờ can thiệp sự việc con bị xâm hại. (Ảnh: LSCC)
Đơn cử như trường hợp của
một bé gái ở Thủ Đức, bị hàng xóm hiếp dâm nhiều lần nhưng gia đình không hay
biết. Đến lần thứ 6, khi phát hiện con gái xem phim sex trong máy tính bảng,
người mẹ quá tức giận, không kìm chế được nên đã đập nát chiếc máy. Gặng hỏi
con, chị tá hoả biết được chuyện động trời mà người hàng xóm vẫn làm với con
mình. Móc từ ví một tấm giấy nhỏ có dòng chữ ghi tên trang web đồi truỵ, đứa
con gái cho mẹ biết, mỗi lần trước khi quan hệ tình dục, người hàng xóm bắt em
phải coi phim trước để "học tập".
Lần quan hệ đầu tiên là ở phòng tắm hồ bơi khi bé đi bơi cùng với đứa cháu của ông hàng xóm.
"Khi người nhà chạy qua nhà hàng xóm, đem tờ giấy ấy cho hàng xóm xem để chất vấn thì ông này giằng lấy và xé ngay tờ giấy. Và thế là hai chứng cứ quan trọng nhất cũng gần như rõ ràng nhất để vạch trần kẻ phạm tội là tờ giấy và chiếc máy tính đều tiêu tan" – luật sư Nữ thất vọng.
Luật sư Ngọc Nữ trong một lần bào chữa vụ án xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh: LSCC)
Bà nói tiếp: "Người hàng xóm này rất tinh ranh. Theo lời người mẹ nói với tôi, nhà
ông này có nuôi một con chim sáo. Mỗi lần dụ dỗ cháu bé sang nhà xâm hại, ông
ta thường nói câu "bé ơi, lên đây", lâu dần con vật quen và bắt chước theo tiếng
nói. Nhưng khi sự việc bị bại lộ, ông ta đã nhanh chóng nói người nhà tẩu tán
chú chim đi mất".
Ngoài ra, khi biết được mọi chuyện, người mẹ lại mất bình tĩnh, không đưa con đi giám định ngay lập tức, vì thế mà vụ án vẫn bế tắc vì thiếu chứng cứ.
"Nếu bậc làm cha làm mẹ không nóng vội, cố gắng kìm cơn bức xúc mà xử lý sáng suốt thì mọi thứ đã khác" – bà Nữ chia sẻ.
Cha mẹ cần bình tĩnh, âm thầm thu thập chứng cứ
Do đó, bà Nữ khuyên các
bậc phụ huynh, gia đình khi phát hiện con em có dấu hiệu bị hiếp dâm, phải thật
sự bình tĩnh để bảo toàn những chứng cứ ban đầu. Đó có thể là hình ảnh, chữ viết
của người bị tình nghi, quần áo của trẻ em đã từng mặc khi bị hiếp dâm nếu mới
xảy ra... Đối với trẻ, không nên la mắng mà phải nhẹ nhàng hỏi han gợi mở để trẻ
nói ra những gì đã trải qua, từ đó mà người lớn có cách hành xử tiếp theo.
"Khi có những chứng cứ
thì người lớn cần giao nộp cho cơ quan công an và thực hiện theo sự hướng dẫn của
cơ quan chức năng để chứng cứ được thu thập một cách có quy định" – bà Nữ hướng
dẫn.
Luật sư Nữ (phải) cho rằng thiến hoá học với kẻ ấu dâm là vi phạm nhân quyền.
Chi Hội trưởng Chi hội
Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng chia sẻ, ở Việt Nam khi xử phạt tội
phạm thì trừng trị theo hệ thống hình phạt được quy định trong bộ luật hình sự,
gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Với tội phạm xâm hại tình dục đối với
trẻ em, hiện nay luật pháp Việt Nam có nhiều quy định. Tuy nhiên, chỉ những
hành vi nào vi phạm luật hình sự mới bị xử lý, như tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng
dâm trẻ em, tội giao cấu, dâm ô với trẻ em… với hình phạt áp dụng phổ biến là phạt
tù.
So sánh với thế giới, bà Nữ cho biết, một số quốc gia châu Á, châu Âu và một số bang của Mỹ còn áp dụng biện pháp "thiến hoá học" để ngăn ngừa để phòng chống tội phạm tình dục, đặc biệt là ấu dâm. Vừa qua, nhiều phụ huynh cũng đã đề xuất Việt Nam nên áp dụng hình phạt này cho tội phạm ấu dâm sau hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ con được phơi bày ra ánh sáng thời gian vừa qua.
Tuy nhiên khi được hỏi liệu hình phạt này có nên áp dụng với Việt Nam, dù là người luôn kiên quyết chống lại những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, bà Nữ khẳng định: "Đây là một hình phạt mang tính bạo lực. Việc xử phạt hình phạt thiến khi họ chấp hành xong hình phạt tù là vi phạm nhân quyền con người hiện nay. Nó cũng không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, bởi luật Việt Nam mang tính giáo dục, cải tạo tội phạm trở thành con người tốt".
Các trẻ tham dự cuộc thi phòng chống xâm hại do Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM tổ chức nhằm trang bị kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.
Qua những vụ án xâm hại trẻ em cụ thể mà mình từng tham gia, bà Nữ rút ra kinh nghiệm, khi mới phát hiện vụ việc, người nhà nên thu thập chứng cứ bằng cách giám định pháp y qua tinh dịch trong âm đạo của trẻ, các vết máu để lại hiện trường, trên quần áo. Cần cho bé đi giám định trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, từ vật dụng sinh hoạt, thư từ thừa nhận sự việc, tin nhắn trên điện thoại đến hình ảnh chụp của trẻ với người bị tình nghi (nếu có)…