Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai

Thủy Linh,
Chia sẻ

Với thủ pháp làm phim xuất sắc, khán giả dường như cảm thấy nỗi đau của nạn nhân cũng như người thân trong những vụ án ấu dâm vô cùng sát thực và khủng khiếp.

Câu chuyện về "ấu dâm" dường như xa vời và gây cảm giác ái ngại khi được bàn tới, bởi đối tượng của nó rất nhạy cảm, thông tin khi xảy ra sự việc thường được bưng bít. Truyền thông và nhà chức trách đều không muốn đưa đề tài này để công khai bàn bạc. Tuy vậy cũng có không ít những tác phẩm điện ảnh đã khai thác đề tài này, qua đó tái hiện nỗi đau mà nạn nhân của các vụ ấu dâm và những người thân xung quanh họ phải gánh chịu.

Mất mát không thể bù đắp của nạn nhân

Những vụ án ấu dâm luôn nhận được 2 phản hồi khác nhau, sự kinh bỉ ghê tởm dành cho kẻ phạm tội và nỗi xót xa dành cho những đứa trẻ vô tri trở thành nạn nhân của hành vi bệnh hoạn. Những kẻ gây nghiệp sẽ phải đền tội, nhưng dù pháp luật có công bằng hay cứng rắn đến đâu, tội lỗi mà chúng phải gánh cũng không thể bù đắp được sự tổn thương mà chúng đem tới cho những đứa trẻ.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 1.

Lời tố cáo của người con trai sau thời gian dài khủng hoảng.

Trong The Celebration (1998), doanh nhân thành đạt Helges (Henning Miritzen) đã lạm dụng tình dục với chính hai người con đẻ của mình. Trong bữa tiệc gia đình, Christian (Ulrich Thomsen) - con trai của hắn, lúc này đã là một người đàn ông trưởng thành, đứng lên tố cáo cha có hành động sai trái với mình và người em gái song sinh của cậu là Linda khi họ còn nhỏ. Sự việc gây ám ảnh đến mức em gái Linda tự vẫn và để lại lá thư tuyệt mệnh làm chứng. Ngay cả khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, những tổn thương tinh thần vẫn bám theo Christian và em gái anh khiến họ không thể có một cuộc sống bình thường.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 2.

Tội ác do chính người cha thực hiện.

Đối với tất cả những nạn nhân của các vụ ấu dâm, thông thường họ đều giấu danh tính và nhiều trường hợp im lặng chịu đựng trong sợ hãi. Bởi kẻ gây ra nỗi đau cho họ quá to lớn, có sức uy hiếp đến mức họ không thể chống lại. Những sự ép buộc về tinh thần ấy dẫn đến nhiều đau đớn trong tâm lý mà cho dù đã trưởng thành, nỗi đau vẫn không thể lành.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 3.

Nỗi đau thể xác của So Won không lớn bằng nỗi đau tinh thần.

Đau đớn của cha mẹ

Những ngày gần đây, khán giả truyền tay nhau bộ phim Hope - Hy vọng của điện ảnh Hàn Quốc, như một lời cảnh báo về nỗi đau mà các vụ án ấu dâm mang lại cho gia đình và bản thân những nạn nhân. Nội dung bộ phim nói về một vụ án hình sự có thật gây rúng động Hàn Quốc năm 2008, kể về quá trình phục hồi sau khi bị lạm dụng tình dục của bé gái tám tuổi tên So Won. Trên đường đi bộ đến trường một mình, So Won gặp phải một kẻ say rượu và bị ông ta cưỡng hiếp, đánh đập tàn bạo rồi bỏ lại trên đường.

Trailer "Hope": Câu chuyện đau thương của cô bé So Won.

Xem phim, khán giả đau đớn khi chứng kiến những tổn thương mà So Won phải gánh chịu, nhưng càng thương tâm hơn với nỗi khổ sở, uất hận của cha mẹ cô bé. Sự trong sáng của So Won bị tổn thương, sự hồn nhiên của em vĩnh viễn bị phá hủy, nhưng cùng với đó, những bậc sinh thành cũng chết đi sống lại khi chứng khiến con gái mình gặp phải tai nạn đáng sợ này.

Càng là người lớn, suy nghĩ và sự hiểu biết càng nhiều, những đớn đau càng khó phai. Cha mẹ So Won lo lắng cho con gái nhỏ, cũng lường trước những khó khăn mà cô bé sẽ gặp phải. Sự bất lực của họ khi thấy cuộc sống của con gái bị hủy đi khiến khán giả không kìm được nước mắt. Nỗi đau mà tội ác này gây ra không chỉ cho những đứa trẻ tội nghiệp mà còn cho cả gia đình của nạn nhân.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 5.

Mẹ của So Won đau đớn vì tai nạn xảy đến với con mình.

Khác với các tác phẩm Âu Mỹ thường nhấn mạnh đến tính pháp lý và cái giá phải trả của hung thủ. Hope đề cập đến sự đau thương của gia đình nạn nhân, từ đó đánh mạnh vào cảm xúc của khán giả, lấy đi những giọt nước mắt thương cảm và cảnh tỉnh con người về hậu quả của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 6.

Cha của So Won bất lực nhìn con gái

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 7.

Cha mẹ chính là người mang nỗi đau khó nguôi nhất.

Phẫn nộ của thầy cô

Một tác phẩm khác cũng của Hàn Quốc được khen ngợi khi đề cập đến vụ án ấu dâm là Silenced - Bắt buộc im lặng (2011). Phim kể câu chuyện có thật tại ngôi trường Gwangju Inhwa, tập trung khai thác đề tài lạm dụng tình dục trẻ em ở các học sinh. Theo đó, một thầy giáo của trường bị buộc tội cưỡng bức bé gái khiếm thính 13 tuổi và mức án dành cho bị cáo là 1 năm tù. Bản án quá nhẹ đã gây bức xúc trong dư luận Hàn Quốc về nạn tấn công tình dục bị bưng bít ở nước này và cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.

Trailer "Silenced": Gong Yoo đi tìm công lý cho những đứa trẻ bị khiếm thính.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 9.

Gong Yoo vào vai người thầy đi tìm công lý.

Trong phim, Gong Yoo vào vai thầy giáo Kang In Ho vượt qua những khó khăn tài chính gia đình để quyết tâm đưa sự việc tại trường khiếm thính ra ánh sáng. Những đứa trẻ ở đây không chỉ vô tội đáng thương mà còn là những con người yếm thế trong xã hội, tuy nhiên những kẻ mất hết nhân tính lại nhân cơ hội đó thực hiện hành vi đồi bại. Hình phạt của chúng quá nhẹ nhàng thậm chí sau khi chấp hành án phạt, có kẻ lại tiếp tục được nhận trở lại trường cho thấy sự không quan tâm của xã hội đã tiếp tay cho kẻ thủ ác. May mắn thay sự dũng cảm, cương quyết của những người thầy cô còn có lương tri đã giúp các em thoát khỏi ngày tháng đáng sợ đó.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 10.

Nạn nhân của vụ việc là những đứa trẻ thiệt thòi.

Phim thu hút gần 4,4 triệu người xem (tức gần 1/10 dân số, theo Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc), trong đó có nhiều quan chức cấp cao, những người đang thực thi công lý. Tại thị trường quốc tế, phim được chọn công chiếu tại nhiều thành phố ở Bắc Mỹ, được nhiều tạp chí uy tín bình luận, đánh giá cao. Trang IMDb đã chấm điểm 8,0 cho phim trong loạt đề tài lạm dụng tình dục trẻ em.

Sự lên án của báo chí

Năm 2016, Spotlight giành giải Phim hay nhất tại Oscar, khiến giới nghệ thuật và khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn, nghiêm túc hơn về việc đấu tranh chống lại những tội phạm ấu dâm.

Bộ phim dựa trên loạt phóng sự điều tra có thật về các linh mục ấu dâm với hơn 80 trẻ em. Phim lấy bối cảnh năm 2001, tờ báo Boston Globe thuê biên tập viên Marty Baron (Liev Schreiber) làm trưởng nhóm phóng viên nhỏ Spotlight, viết những bài báo gây tiếng vang tại địa phương. Lần theo các manh mối, nhóm đã phát hiện ra sự thật kinh hoàng: Trong nhiều năm qua, một nhóm gồm 13 linh mục đã tiến hành lạm dụng tình dục lên đến gần 90 trẻ em, tuy nhiên những linh mục này chỉ bị giáo huấn và chuyển đến một xứ đạo khác thay vì chịu trừng phạt của pháp luật.

Trailer "Spotlight" - Câu chuyện chống lạm dụng tình dục trẻ em của các nhà báo Mỹ.

Khi pháp luật không làm tròn công việc của mình, thì báo chí chính là tiếng chuông thức tỉnh và đòn trừng phạt những kẻ lộng hành. Cuối cùng tờ báo Spotlight đã sắp xếp lại các tình tiết và đăng tải loạt phóng sự điều tra trên Boston Globe, gây chấn động khắp nước Mỹ.

Ấu dâm từ cuộc đời lên màn ảnh: Nỗi đau không của riêng ai - Ảnh 12.

Cuộc chiến căng thẳng của các nhà báo đưa sự việc ra ánh sáng.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc khó khăn khi điều tra các tội phạm ấu dâm và nhiều người khi tiếp xúc với vụ việc đều bị ảnh hưởng về tâm lý. Tuy nhiên, lạm dụng tình dục trẻ em là một vấn đề cần bị lên án, cần sự đối mặt dẫu cho nó vô cùng nhạy cảm và Spotlight giúp khán giả xây dựng lên quyết tâm bảo vệ con em mình, không thờ ơ trước những vấn nạn của xã hội, sẵn sàng đứng lên chống lại sự bất công hay những điều tổn hại đến trẻ em.

Chia sẻ