Mẹ kế giết con riêng của chồng, chôn xác ở vườn mía: Nghi phạm có thể thoát án tử hình vì đang nuôi con nhỏ?
Theo luật sư Cường, đối tượng La Thị Thức đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bởi vậy căn cứ vào khoản 2, Điều 40 BLHS sẽ không áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với đối tượng. Tuy nhiên, với tính chất, động cơ của hành vi như vậy, nạn nhân là người dưới 16 tuổi, lại là con riêng của chồng thì đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Vụ án mạng mẹ kế sát hại con riêng của chồng rồi phi tang thi thể ở vườn mía trên địa bàn xã Hồng Quang đang khiến dư luận vô cùng rúng động.
Nạn nhân trong vụ án là cháu Bàn Văn Th. (6 tuổi, trú tại địa chỉ trên) còn nghi phạm là La Thị Thức (SN 1989, trú tại thôn Khuân Nhào, xã Trung Hà, huyên Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - mẹ kế cháu Th.).
Liên quan đến góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: ''Hành vi giết người, giết con riêng của chồng rồi giấu xác của đối tượng La Thị Thức là thể hiện động cơ đê hèn, vì lý do nhỏ nhặt, ích kỷ mà sát hại trẻ em, chính vì thế hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Đối tượng La Thị Thức sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là: Phạm tội với người dưới 16 tuổi và vì động cơ đê hèn''.
Với tính chất của vụ việc như vậy, đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Mặt khác, luật sư Cường cho biết, theo Điều 40 bộ luật hình sự quy định: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Trong khi đó, theo thông tin điều tra ban đầu thì đối tượng La Thị Thức đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bởi vậy căn cứ vào khoản 2, Điều 40 BLHS sẽ không áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với đối tượng này.
Tuy nhiên, với với tính chất, động cơ của hành vi khi nạn nhân là người dưới 16 tuổi lại là con riêng của chồng thì đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc, có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.