Mẻ gạch cuối cùng của 9 người phụ nữ miền Tây: 30 năm nuôi được con cái cũng nhờ cái mùi khói gạch này!

Hoàng Lê - Hải Long,
Chia sẻ

Mỗi ngày chỉ được trả công vỏn vẹn 80 ngàn đồng nhưng những người phụ nữ ấy vẫn miệt mài bám trụ với lò gạch. Giờ đây khi lò gạch sắp đóng cửa, ai nấy đều chạnh lòng khi tự tay lấy mẻ gạch cuối cùng ra.

"Hồi đó mới vô làm cô được trả có 15 ngàn một ngày hà. Rồi từ từ lên hai chục, ba chục ngàn, rồi năm chục ngàn. Chứ đâu phải đùng một cái được tám chục ngàn như bây giờ đâu" – Cô Ngô Thị Công (55 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nhớ lại cái ngày mới chân ướt chân ráo được nhận vào lò gạch.

13

Cô Ngô Thị Công (55 tuổi).

"Tôi nuôi được hai đứa con lớn khôn cũng nhờ lò gạch"

Thoắt cái mà cô Công đã gắn bó với nghề chất gạch ngót nghét 30 năm trời. Cô kể, ngày ấy xứ Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) còn nghèo lắm. Làm ruộng, làm mướn quần quật mà không đủ ăn, nhiều người đã đi tha phương cầu thực.

7

Lò gạch của anh Đạt.

Thấy các lò gạch trong xóm thiếu người phụ, cô Công cũng mạnh dạn xin vô làm. Mỗi ngày hùng hục từ sáng đến chiều tối, số tiền cô nhận chỉ là mười mấy ngàn đồng.

"Làm cái nghề này tiền công tính theo năng suất chứ không theo ngày. Hễ ai làm được nhiều thiên thì tiền sẽ nhiều hơn. Còn ai yếu yếu là đói lắm con ơi" – cô Công tâm sự.

6

Gạch được nung trong lò khoảng 15 ngày.

Thấy nghề cực mà lương bèo, ngày lấy chồng cô Công định bụng nghỉ hẳn. Rồi cũng xin đi làm công nhân, may vá, đi gặt lúa đủ kiểu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Vẫn thiếu trước hụt sau.

2

Những người phụ nữ làm công việc đàn ông.

Vậy là mấy năm sau, trời xui khiến cho người phụ nữ trở lại với cái nghề chụm lò, chất gạch.

Ngày hôn nhân tan vỡ, gánh nặng trên lưng cô Công như oằn thêm khi phải lo cho hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học. Ấy vậy mà chúng vẫn lớn lên cùi cụi mặc cho bao khó nhọc của cuộc đời nhờ đồng lương làm gạch của mẹ.

29

Tiếng cười nói giúp công việc của các chị đỡ mệt mỏi.

"Lương thấp thiệt nhưng tôi nuôi được hai đứa con dễ dàng cũng nhờ lò gạch. Chắc là hồi đó vật giá còn rẻ nên ngày làm nào cũng đủ ăn ngày đó. Chứ như bây giờ thì không biết mẹ con tôi phải sống sao…" – người phụ nữ kể.

10

Lương mỗi ngày làm của họ chỉ là 80 ngàn đồng.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, chị Huỳnh Thị Bé Hai (42 tuổi) kéo vội chiếc xe vừa chất đầy gạch từ lò ra. Trong khi phía sau xe, cô Công cũng gắng sức đẩy phụ. Họ lau đi như một cơn gió, khi ngoài trời vẫn nhỏ những giọt nước tí tách. Miền Tây Nam bộ đang bước vào một mùa mưa mới.

28

Nghề này giúp những người phụ nữ có thu nhập ổn định, dù ít.

Đây đã là mùa mưa thứ 10 hoặc có lẽ hơn chị Bé Hai gắn bó với lò gạch của anh Nguyễn Tấn Đạt (46 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm). Hồi mới vào chị vẫn còn trẻ đẹp lắm. Giờ thì gương mặt đã ám màu gạch nung khắc khổ. 9 người phụ nữ tại cái lò gạch này hình như ai cũng vậy.

25

Bàn tay lấy gạch thoăn thoắt của các chị em khiến cánh đàn ông cũng phải thán phục.

Hỏi sao công việc nặng nhọc cực khổ vậy mà toàn đàn bà làm, mấy cô mấy chị cười toe toét: "Kêu đàn ông vô họ còn chửi thêm cho. Lương bèo muốn chết. Nhưng được cái thoải mái giờ giấc, hợp cho mấy bà già và xấu như tụi tui".

Chia tay mùi gạch, bước sang tương lai mới

Chẳng biết nghề làm gạch xây nhà ở Mỹ Lồng có từ thời điểm nào, chỉ biết rằng khi các bà, các chị đổ xô nhau cùng làm nên thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng nức tiếng xứ dừa, thì cạnh bên đã có chi chít các cột khói làm gạch.

30

1 xe đẩy có khoảng 300 cục gạch.

Theo cô Rảnh, một người phụ nữ có thâm niên mấy chục năm làm gạch thì ngày ấy chỉ một khu vực nhỏ của ấp nhưng đã có gần chục lò gạch: Của ông Hai Xéo, của chú Ba, của chú Sáu…

26

Càng ngày, các lò gạch càng ít dần.

Mấy năm gần đây các lò dẹp dần. Chỉ còn một lò gạch ở ven sông và lò của anh Đạt. 9 người phụ nữ cứ thay phiên nhau chạy đông chạy tây. Lương không cao nhưng việc cứ đều đều có hoài.

20

Gương mặt đăm chiêu của người phụ nữ khi làm mẻ gạch cuối cùng.

"Hồi đó còn sức tui làm xuyên đêm hoài. Giờ thì chỉ còn theo được ban ngày. Nghề này được cái xúm tay xúm chân lại nói dóc vui nên không thấy mệt cậu ơi" - tiếng một người phụ nữ khác vọng vào khiến câu chuyện ban chiều thêm phần sôi động.

22

Họ sẽ phải chuyển sang nghề đan ghế.

Nghề làm gạch dù là thủ công thường trải qua mấy giai đoạn cơ bản: Lấy đất sét từ ruộng lên, nặn thành viên, mang phơi nắng rồi cho vào lò nung 15 ngày. Sau đó, các nhân công sẽ có từ 5-7 ngày mang gạch thành phẩm ra chất đống.

21

Tương lai sắp tới có thể sẽ sáng sủa hơn.

Những năm qua với sự tiến bộ của công nghệ, khâu nặn thành viên đã có máy móc lo liệu. Người làm gạch rút ngắn được đáng kể thời gian và sức lực.

Nhưng cũng chính vì vậy mà tốc độ khai thác đất sét làm gạch tăng lên chóng mặt. Nhiều lò gạch không đủ nguồn cung đất sét, trong khi giá thành vỏ trấu đốt lò nung gạch lại đắt đỏ nên đành bấm bụng đóng cửa chuyển nghề.

14

Nhưng cái nghề gắn bó mấy mươi năm mà bỏ đi khiến ai cũng không khỏi bùi ngùi.

Và lò của anh Đạt đã bước vào giai đoạn ấy.

"Đây là mẻ gạch cuối cùng rồi. Chất hết là lò cũng đóng cửa. Hết đất sét để làm gạch rồi. Mà không hết đất chắc cũng nghỉ. Gạch có 1 ngàn mốt/viên nhưng họ còn chê mắc" – chị Võ Thị Thu Huyền (41 tuổi, vợ anh Đạt) nói vọng ra khiến không khí nói chuyện của các nữ nhân công đang vui bỗng chùng xuống.

Ai cũng có chút bùi ngùi khi sắp sửa chia tay với cái nghề đã gắn bó nửa đời người.

Để chuẩn bị cho "cuộc chia ly" này, ít tháng qua vợ chồng anh Đạt – chị Huyền đã liên hệ với một xưởng gia công đem các ghế nhựa về để tập cho nhân công của mình đan. Mỗi một chiếc ghế khi thành phẩm sẽ được trả công 30 ngàn đồng.

17

Chủ lò gạch cũng chuẩn bị sẵn sàng với con đường mưu sinh mới.

Nếu lành nghề mỗi ngày người thợ sẽ đan được 3-5 cái. Nhàn mà lương cũng cao hơn nghề làm gạch.

Với 9 người phụ nữ ở lò gạch của anh Đạt, không sớm thì muộn họ chắc chắn sẽ vui vẻ chấp nhận sự thay đổi theo chiều hướng tích cực kia thôi.

Chỉ có những đoàn khách nước ngoài, những người con phương xa lâu ngày về lại quê hương là đọng lại nỗi buồn, tiếc nhớ cho thứ nghề có thể xem là truyền thống của chốn này.

Chia sẻ