Mẹ đảm ở Hà Nội chia sẻ 12 năm kinh nghiệm trồng rau quả sạch như trang trại trên sân thượng
Trồng rau từ năm 2007, đến thời điểm hiện tại, chị Hoàng Hà (Hà Nội) đã tạo nên những góc vườn xanh mát rau trái giúp cả nhà luôn yên tâm khi có nguồn thực phẩm sạch hàng ngày.
Khi ngắm nhìn hai khu vườn trên sân thượng tầng 3 và tầng 5 của gia đình chị Hoàng Hà, hẳn sẽ có nhiều người cảm thấy ngưỡng mộ, khâm phục khi bà mẹ trẻ luôn bận rộn với "trăm công nghìn việc" ở một công ty dệt may nhưng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để trồng rau quả sạch cho gia đình.
Chị Hà trồng rau trên hai khoảng sân thượng với tổng diện tích khoảng 140m2, tầng 3 với diện tích khoảng 80m2 chủ yếu được chị trồng rau ăn lá, rau đúng thời vụ. Với sân thượng tầng 5 có diện tíc khoảng 60m2 được chị thiết kế thêm giàn để trồng các loại cây leo. Do dày dạn kinh nghiệm nên chị luôn chủ động mùa vụ, trồng thêm các loại rau quả mới để bữa ăn gia đình thêm đa dạng.
Cùng trò chuyện với người phụ nữ đảm đang này để có thêm nhiều kinh nghiệm khi bắt đầu trồng rau làm vườn trên sân thượng nhà mình.
- Chào chị, chị có thể cho biết ban đầu trồng rau chị gặp những khó khăn gì?
- Do sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền chiêm trũng, vùng trồng lúa nước, không có rau màu, khi còn đi học, trên đường tới trường mình thường đi qua các cánh đồng trồng rau màu và để ý các bác nông dân trồng và chăm sóc rau.
Khi thiết lập vườn, mình nhớ lại và vận dụng cho việc trồng rau ở vườn nhà mình sao cho hợp với việc trồng trên sân thượng. Thời gian đầu trồng rau, mình khá vất vả khi vận chuyển thùng lên sân thượng, chọn đất, chọn hạt giống, cây giống. Tuy nhiên sau một thời gian gieo trồng, chăm sóc, những khó khăn cũng dần dần được cải thiện.
Khu vườn xanh mát trên sân thượng.
Một góc trồng dâu tây.
Đậu cove xanh.
Đậu đũa.
Củ cải trồng trong thùng xốp.
Những góc vườn đẹp như mơ.
- Được biết chị làm công việc phụ trách đối ngoại và xuất nhập khẩu của công ty dệt may. Bận rộn như vậy, chị sắp xếp thời gian như thế nào cho việc làm vườn?
- Để kịp giờ đi làm, hàng ngày nếu mùa hè mình sẽ dậy từ 5h sáng, và mùa đông 6h, dành 30 phút để hái rau cho cả một ngày, sau đó tưới rau, bắt sâu. Do vườn rộng, mình chú trọng ngay từ đầu đến vấn đề làm thùng trồng rau, hệ thống nước tưới, vòi tưới nên mỗi lần tưới chỉ cần 15 phút là tưới xong cả vườn. Riêng việc bổ sung dinh dưỡng, phân bón cho cây, mình sẽ sắp xếp vào ngày chủ nhật để đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây trong vườn.
Chanh đào sai trĩu quả.
Đủ đủ trồng trên sân thượng.
Dưa leo.
Thành quả ai nhìn cũng mê.
- Hai khu vườn luôn đầy ắp cây trái, xanh tươi rau cỏ, bí quyết của chị là gì?
- Muốn rau được xanh tốt, cây ăn quả sai trái, việc đầu tiên phải chú trọng đến giống, sau đó là cách chọn thùng, làm đất. Đối với giống cây ăn quả như dưa, mướp, bầu, bí xanh, đậu đũa, cà chua, mình thường chọn giống F1 để trồng, cây kháng bệnh và cho ra quả nhiều hơn. Thùng trồng thì làm thùng theo dạng @, đục 2 lỗ cạnh thùng, cách đáy 7 - 10cm sau đó dùng các chai pét đã đục lỗ. Các chai này có tác dụng thoát nước và thông khí giúp cho đất tơi xốp, rễ cây không bị bít chặt.
Có thể dùng phân cá, nước vo gạo, nước gốc rau ngâm ủ để tưới, định kỳ 10 ngày/lần. Đối với cây ăn quả thì tưới phân lân tổng hợp NPK ở giai đoạn đầu cho đến khi cây ra hoa thì ngừng tưới phân, vì tưới ở giai đoạn này sẽ làm cây rụng hoa. Sau khi cây đậu quả thì tưới kali để cây nuôi quả. Cách ngày thu hoạch 7-10 ngày thì ngừng tưới, cách ly để chuẩn bị thu hoạch.
Mướp trồng trên sân thượng.
Thu hoạch dưa.
Gia đình chị quanh năm luôn đầy ắp các loại rau quả sạch.
- Trồng rau sạch, chị giải quyết vấn đề sâu bệnh như thế nào?
- Để bớt sâu bệnh mình trồng cây theo mùa vụ, mùa nào trồng rau mùa đó và căn thời điểm để trồng, hiểu đặc tính của từng loại rau. Ví dụ như rau muống đầu mùa hay bị nhện đỏ, rau ngót đầu mùa hay bị xoăn ngọn, trồng su hào, cải bắp thì nên trồng tháng 9, 10 là chính vụ, trồng sớm quá hay muộn quá cũng bị sâu bệnh và rau không phát triển. Khi mùa gặt kết thúc, không còn nơi cư ngụ cũng là thời điểm bướm trắng bay về vườn đẻ ấu trùng và nở thành sâu.
Đặc biệt buổi tối hạn chế bật bóng điện ở vườn để bướm không bay về vườn đẻ ấu trùng. Khi vườn quá nhiều sâu, mình thường pha chế dung dịch tỏi ớt hoặc sử dụng thuốc sâu sinh học để phun phòng trừ.
Cà chua trĩu quả.
Rau cần tốt tươi.
Thu hoạch dưa leo.
Chị Hà dành nhiều thời gian chăm sóc khu vườn của gia đình mình.
- Cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm hữu ích, chúc chị luôn dồi dào sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống.