Mẹ chồng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Việt An,
Chia sẻ

Trong nhiều gia đình có tới 2 hoặc 3 cô con dâu. Mẹ chồng có đối xử được công bằng với tất cả các nàng dâu?

Yêu dâu trưởng, hững hờ dâu thứ

Nhà bà Vui ở Hoàng Mai có 2 người con dâu. Tất cả đều ăn chung, ở chung dưới một mái nhà. Nhưng cách đối xử của mẹ chồng với các con dâu chẳng hề giống nhau. Bà Vui luôn yêu chiều và thiên vị con dâu cả hơn vì theo bà: “Đó mới đích thị là nàng dâu. Sau này bố mẹ chồng khuất núi thì dâu trưởng có trách nhiệm phải thờ cúng, đâu đến tay con dâu thứ”.

Hai đứa con của chị Nguyệt - dâu trưởng, được mẹ chồng chăm bẵm cẩn thận. Bà còn hay mua hoa quả đem vào tận phòng để con dâu ăn cho có sức khỏe (kẻo để ngoài tủ lạnh con dâu thứ ăn mất!) Thỉnh thoảng mẹ chồng còn giúi vào tay con dâu cả chút tiền “để con thêm tiêu vặt”. Những việc con dâu cả phải làm trong nhà như: nấu cơm bữa sáng cho cả nhà, rửa ấm chén, mẹ chồng đều xắn tay áo vào phụ giúp cho con dâu kịp giờ đi làm. Còn việc nấu cơm tối và dọn dẹp nhà cửa chẳng bao giờ mẹ chồng nhúng tay làm giúp chị Hằng- con dâu thứ bởi “đi làm về rảnh rỗi làm việc nhà là đúng rồi, có việc gì nặng nhọc đâu mà cần phải giúp”.

Đôi lúc chị Hằng cảm thấy tủi thân trước thái độ phân biệt đối xử của mẹ chồng. Chị nghĩ, “đều là con dâu, khi bố mẹ ốm đau hoặc khuất núi, thì các con dâu đều phải có trách nhiệm gánh vác việc lớn của gia đình. Chẳng nhẽ, chỉ dâu cả phải lo lắng, còn chị thì đứng ngây ra nhìn bỏ mặc bố chồng sao?”. Tuy những việc mẹ chồng đối xử không công bằng giữa các con dâu không lớn nhưng nó luôn làm cho chị cảm thấy bị ghẻ lạnh, ức chế. Chị Hằng đành nén một tiếng thở dài: “Con người ta có quyền chọn chồng mà nào có được phép chọn vị trí làm dâu. Làm con dâu trưởng hay con dâu thứ, họ không được quyền quyết định, nhưng cách đối xử của mẹ chồng lại có sự rạch ròi đáng sợ. Đúng là, kiếp làm dâu!”.
 
Mẹ chồng đối xử tốt với dâu này... (Ảnh minh họa)

Chị Dương ở Định Công tâm sự rằng từ lúc về làm dâu, chị suy đi tính lại, đã đối xử với nhà chồng không sai ở điểm nào. Chị là dâu thứ, nhưng còn nhiệt tình với các công việc nhà chồng hơn chị dâu cả. Thế nhưng, mẹ chồng luôn kiếm cớ “gây chuyện” với chị. Bất cứ công việc gì trong nhà, mẹ chồng đều rò hỏi xem con dâu cả hay dâu thứ làm. Nếu việc đó do tay dâu cả làm, mẹ sẽ nhất mực khen hoặc bênh vực. Ngược lại, với con dâu thứ, mẹ luôn chê “làm ăn chẳng đến nơi đến chốn, chẳng được việc gì ra hồn cả”.

Nực cười nhất là chuyện: Có lần, đang bữa nấu cơm thì nhà bị mất điện 2 lần, nồi cơm đâm ra không được khô dẻo như thường lệ. Mẹ nhìn lịch thì hôm nay là chủ nhật, đến phiên con dâu thứ vào bếp. Mẹ chồng nói xơi xơi giữa bữa ăn: “Cơm nước nấu kiểu này đây. Thế mà đòi làm dâu nhà người ta. Đụng gì hỏng đấy. Cơm không nhão thì khê. Canh không mặn thì nhạt. Nhà tôi vô phúc lấy phải con dâu đoảng mọi bề…”. Con dâu thứ ngồi im “hứng đòn” của mẹ chồng. Đến lúc mẹ chồng nói ghê quá, chị dâu cả lên tiếng: “Chiều nay em hai đi tiếp khách cơ quan về muộn nên con cắm cơm giúp em”. Chị không thể diễn tả được khuôn mặt mẹ chồng lúc đó. Mẹ chồng chỉ hắng giọng rồi coi như không có chuyện gì xảy ra.

Chị em dâu bất đồng do mẹ chồng

Sống chung trong một gia đình, nếu mẹ chồng đối xử thiên lệch theo kiểu “bênh dâu này, bác dâu kia” sẽ dẫn đến các con dâu bất đồng với nhau.

Chị Trang ở Hoàng Mai nói: Giữa chị và chị dâu cả thường xảy ra những bất đồng và chị luôn là người thua thiệt vì không có liên minh mẹ chồng đứng sau.“Cùng là con dâu, chị dâu cả được mẹ chồng đối xử tốt hơn là may mắn và phúc phận của chị ấy. Sao chị ấy được thể lên mặt em với em dâu?”. Bữa cơm trưa chị dâu cả thường ăn rất chậm rãi. Xong bữa chị dâu cả nói với chị Trang đúng một từ “dọn đi” như kiểu mẹ chồng sai con dâu. Chị dâu cả sẽ lên giường ngủ trưa để lấy sức đi làm. Còn chị bị mẹ chồng và chị dâu cả xem như “sức trâu, sức ngựa” không cần nghỉ trưa dưỡng sức! Mọi việc trong nhà chị Trang đều phải làm hết vì “cái tội” làm dâu thứ hai. Nếu chị Trang có ý kiến với chị dâu cả thì lập tức mẹ chồng đứng ra “dành lẽ phải” cho chị dâu cả.
 
... nhưng lạnh lùng với dâu kia khiến giữa các cô con dâu trở nên lục đục (Ảnh minh họa). 

Chị Trang đang bàn với chồng, chưa có đủ điều kiện mua nhà thì thuê nhà dọn ra ở riêng. Nhà chật nhà hẹp cũng được, “ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Cốt là vợ chồng con cái chị được sống thoải mái. Sống trong một mái nhà với bố mẹ chồng và anh chị chồng mà bị coi như ôsin trong nhà khiến chị đã quá mỏi mệt. Chị buồn rầu chia sẻ: “Chị dâu cả cũng là trí thức, cũng làm công chức nhà nước, nhưng lại có cách đối xử với em dâu chẳng khác nào chủ tớ, thật không thể chấp nhận con người như thế. Chung quy lại cũng do mẹ chồng sống thiên vị nên chị ấy mới luôn lên mặt dạy đời với em dâu.

Được mẹ chồng bênh vực khiến chị Hoài ở Hà Đông có tâm lý “luôn xù lông nhím” để chống trả chị dâu cả. Thu nhập làm kinh doanh của chị khá cao nên có điều kiện “đáp lễ” với mẹ chồng đầy đủ khiến bà rất hài lòng. Nếu chị dâu có nói gì làm gì động chạm đến mình, chị nhất quyết phân bua phải trái, đúng sai. Những lúc ấy, mẹ chồng luôn đứng ra làm “cán cân”…bênh vực chị. Vì vậy, gia đình chị hay lục đục vì chuyện các nàng dâu. Điều này âu phần lớn cũng do mẹ chồng đối xử thiên vị với các cô con dâu.

Cuộc sống của những gia đình có nhiều con dâu cùng sống chung dưới một mái nhà thường dễ xảy ra đụng chạm. Mẹ chồng đối xử thiên vị với các con con dâu sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa mẹ chồng với con dâu và giữa các cô con dâu với nhau.

Chia sẻ