Mẹ ăn kiêng... con có thể béo phì và mắc bệnh
Có vẻ hết sức ngược đời, nhưng các nhà khoa học của New Zealand đã tìm ra mối liên hệ giữa người mẹ ăn kiêng trong thời kỳ mang thai và sự thừa cân của em bé được sinh ra.
Giáo sư Peter Gluckman, trưởng bộ phận nghiên cứu của Singapore và New Zealand cho hay, cuộc nghiên cứu đã chứng minh nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì, tiểu đường hoặc bệnh tim xuất phát từ trước khi trẻ em được sinh ra.
"Đây là một bước đột phá lớn ... Thành thật mà nói, phát hiện quan trọng nhất lớn nhất mà tôi vừa phát hiện ra là kết quả của 15 năm nghiên cứu", ông phát biểu với hãng thông tấn NZPA tại New Zealand.
Những phát hiện cho thấy chế độ ăn kiêng của người mẹ khi mang thai có thể làm thay đổi DNA của con mình, thông qua một quá trình gọi là thay đổi biểu sinh, vốn có thể dẫn đến việc tăng cân của trẻ nhỏ sau này. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đo mức độ biến đổi hóa học của DNA trong mô dây rốn của gần 300 trẻ em và cho thấy kết quả thuyết phục khi dự đoán tỉ lệ mắc bệnh béo phì của trẻ từ 6 – 9 tuổi.
Nhiều bác sĩ và nhà khoa học trước đây đã từng đặt vấn đề: chất lượng cuộc sống nghèo nàn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển bệnh tim, tiểu đường và béo phì, nhưng trước đây quan điểm này đã bị phủ nhận do thiếu dữ liệu. Tuy nhiên gần đây, các nghiên cứu quốc tế chi tiết đã cho thấy chế độ ăn uống của phụ nữ, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ rất quan trọng.
Các nghiên cứu này chỉ ra mối liên kết giữa lối sống và hành vi ăn uống của người mẹ trước khi sinh và khả năng mắc bệnh béo phì ở đứa con sau khi ra đời, bên cạnh những ảnh hưởng của di truyền. Các nhà khoa học cũng khẳng định, thực tế trọng lượng của người mẹ khi sắp sinh không tỉ lệ thuận với trọng lượng của đứa bé.
Như vậy, có thể ngăn chặn khả năng mắc bệnh béo phì, tiểu đường và cả các bệnh về tim thông qua can thiệp dinh dưỡng với người mẹ trong suốt thời gian đầu của thai kỳ: đừng áp dụng bất cứ chế độ ăn kiêng nào.