MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất

Mèo Xù ,
Chia sẻ

MC Mạnh Tùng có thể sẵn sàng ra đồng cày ruộng, học làm nơm tre để xuống ao bắt cá. Với một "MC trải nghiệm" trẻ tuổi cái nhìn về Tết có gì khác?

Chào Mạnh Tùng, bạn là một MC trải nghiệm trong khi khái niệm này còn khá xa lạ với nhiều người, bạn có thể cho biết MC trải nghiệm khác với MC đứng dẫn trên sân khấu, dẫn trong trường quay như thế nào?

Tất nhiên là MC trải nghiệm cần nhiều kĩ năng khác với MC trên sân khấu và dẫn trong trường quay, về cả 3 phương diện – giọng nói, hình thể và kiến thức tổng hợp của người dẫn chương trình. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là phong thái tự nhiên, sự nhập tâm vào bối cảnh, khiến cho người xem cảm giác như người MC hoàn toàn không diễn mà đang sống, đang trải nghiệm ở không gian, thời gian ấy. Họ sẽ hoàn toàn bị cuốn hút và thích thú với những gì mà người MC trải nghiệm muốn thể hiện.

Làm MC trải nghiệm vất vả như vậy chắc hẳn cát-sê sẽ cao hẳn hơn so với công việc dẫn ở sân khấu hoặc trong trường quay?

Không phải như bạn nghĩ đâu, mà thực ra là hoàn toàn ngược lại. Làm MC trải nghiệm trong 1 ngày, mất cả một chuyến đi ra ngoại tỉnh, nhưng cát-sê cũng chỉ bằng hoặc thậm chí thấp hơn 1,2 tiếng dẫn trong trường quay. Có những chuyến đi kéo dài tới 5-7 ngày mà cát-sê tính ra chỉ bằng 2 tiếng MC làm trên sân khấu thôi.

MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất 1

Vậy thì rõ ràng làm MC trải nghiệm vừa vất vả vừa ít tiền, sao bạn lại còn lựa chọn?

Cũng như nhiều công việc khác thôi, đôi khi tiền lương không phải là tiêu chí quan trọng nhất của chúng ta. Bản thân từ “MC trải nghiệm” đã nói lên điều thú vị của công việc này rồi. Bạn có thể đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới lạ, “trải nghiệm” những phong tục tập quán vùng miền khác nhau. Đơn cử như ngay chuyện ăn Tết của người Việt Nam thôi nhé, chính nhờ những chuyến đi trải nghiệm như thế, mà tôi đã khám phá ra rằng ở mỗi vùng miền, người Việt Nam lại có cách ăn Tết khác nhau. Thậm chí với người H’Mông, họ đón Tết sớm tới 1 tháng trời, và có rất nhiều phong tục thú vị của riêng dân tộc này. Hoặc đối với đồng bào dân tộc nhiều nơi, cái Tết thực ra không nhất thiết theo lịch, mà còn căn cứ theo mùa màng, thời vụ.

Vậy còn không khí Tết ở mỗi vùng miền, chúng có gì khác nhau?

Tất nhiên là khác nhau rồi. Ở miền Bắc, tết đến gắn với bánh chưng, với hoa đào, với thời tiết se se lạnh. Nhưng ở miền Nam, tết đến nhiều khi thời tiết lại nóng nực, và người dân thì hầu như nhà ai cũng phải sắm đòn bánh tét và cành mai để đón tết. Tết ở miền Nam mà không có hoa mai và không có bánh tét thì cũng giống như miền Bắc không có hoa đào và bánh chưng vậy. Ở miền Trung lại có cái hay là người dân thường chuẩn bị cả bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra, nếu bạn từng đến Huế dịp tết đến xuân về, sẽ thấy ngập tràn các loại bánh mứt đặc sản độc đáo của vùng Kim Long, đây cũng là món quà không thể thiếu nhân dịp đầu xuân của người dân xứ Huế.

MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất 2

Một MC trải nghiệm như bạn chắc hẳn bạn sẽ hiểu khá rõ về những phong tục Tết xưa phải không? Bạn thấy Tết xưa, Tết nay khác nhau thế nào?

Mình không dám chắc có thể hiểu rõ được hết về những phong tục Tết xưa của dân tộc, tuy nhiên người xưa khi nói về Tết thường có câu thế này: Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh. Tết xưa của người Việt mình quan trọng nhất mâm cỗ ngày Tết, nhưng Tết nay có khi người ta quan trọng việc du xuân hơn. Nói nôm na dễ hiểu thì là ngày xưa các cụ đúng là "ăn" Tết, ngày nay chúng ta "chơi" Tết nhiều hơn. Hoặc Tết xưa nhà nào cũng phải trang hoàng bằng câu đối, làng nào cũng phải dựng cây nêu, nhưng Tết nay có nhiều thay đổi, và nhiều lựa chọn hơn trong việc trang trí, sắp đặt bày biện trong nhà. Việc đốt pháo cũng không còn phổ biến mà thay vào đó là đợt nổ pháo hoa tưng bừng rực rỡ mỗi đêm giao thừa ở những thành phố lớn.

MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất 3

Có những phong tục Tết xưa đã biến mất hoặc bị mai một đi, là người trẻ bạn có thấy tiếc nuối?

Theo tôi những phong tục đẹp không hẳn là xưa còn thì nay mất, mà chỉ là mai một đi thôi. Ví dụ như tục trồng câu nêu ngày Tết để xua đuổi tà ma - ở một số nơi vẫn còn nhưng hầu hết các làng quê đã không còn áp dụng nữa. Tôi thấy tiếc vì sự hiếm hoi này vì đây là một phong tục ý nghĩa và thể hiện sự gắn kết của một cộng đồng, một ngôi làng, mà nếu không phát huy, gìn giữ, thế hệ mai sau sẽ chỉ còn biết đến tục trồng cây nêu trên sách vở mà thôi.

Nhiều người bây giờ than thở họ rất sợ Tết, càng ngày càng thấy Tết thật phiền phức vừa tốn tiền vừa mệt, bạn có nghĩ như vậy không?

Tôi thấy thông cảm với ý kiến đó vì bạn thử nghĩ xem, dịp Tết đến nào là tặng quà, biếu Tết cho người này người nọ, nào là đặt vé tàu xe về quê thăm gia đình, nào là chuẩn bị mua mua sắm sắm bao nhiêu thứ trong nhà, rồi dọn dẹp, làm mâm cỗ tết... Nếu điều kiện kinh tế khó khăn, lại thêm hoàn cảnh công việc ở xa xôi, đi lại vất vả sẽ rất dễ thấy Tết thật phiền phức và tốn kém, mệt mỏi. Tuy nhiên, Tết là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy, nếu chúng ta hướng tới dịp tết với một suy nghĩ tích cực, một tinh thần trân trọng những phút giây gắn kết gia đình và những mối quan hệ thân thiết quanh mình, thì sẽ thấy tết nhẹ nhàng và thư thái hơn, mọi mệt mỏi và phiền phức chẳng qua chỉ là cảm giác nhất thời mà thôi.

MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất 4

Ngày nay nhiều bạn trẻ thay vì Tết đoàn viên với gia đình, họ lại chọn lựa đi du lịch để xả stress sau một năm lao động mệt mỏi, phải chăng với những người trẻ ngày nay Tết truyền thống không còn là ngày đoàn viên?

Nhiều người trẻ có xu hướng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa đi du lịch nhân dịp đầu năm của phương Tây. Khó có thể đánh giá họ nghĩ thế nào về ngày Tết truyền thống, nhưng theo tôi hầu hết vẫn coi trọng sự sum họp gia đình, những chuyến đi du lịch chẳng qua chỉ là sự đổi gió cho 1, 2 năm nào đó thôi.

MC Mạnh Tùng: Tết là dịp nhắc nhở gia đình luôn quan trọng nhất 5

Làm MC như bạn càng ngày Tết thì càng bận chắc hẳn bạn rất ít thời gian được ở bên gia đình vào mỗi dịp Tết?

Đương nhiên là gần Tết mà ít thời gian bên gia đình tôi cảm thấy rất tiếc và còn áy náy nữa. Tuy nhiên, hầu như năm nào tôi cũng vẫn sắp xếp một cách hợp lí để có thời gian cho gia đình, và khiến cho gia đình cảm thấy mình vẫn gần gũi bên họ, vẫn cùng đón Tết và chung vui với họ ngay cả khi tôi không ở gần bên. Gia đình, bạn biết đấy, đó vẫn là điều quan trọng nhất, và Tết chính là dịp nhắc nhở chúng ta về điều này.

Chia sẻ