May chân váy cạp chun - hướng dẫn cơ bản

Mai Anh, ảnh: punkinpattern,
Chia sẻ

Kiểu chân váy cơ bản nhất này có thể dành cho cả trẻ em và người lớn. Bạn hãy học cách tính vải, cách may cơ bản và học cả những mẹo nhỏ giúp váy trở nên sinh động, dễ thương nhé!

Bạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:

- Vải cotton hoặc vải thô
- Chun to làm cạp váy
- Ruy băng hay chỉ màu trang trí váy
- Kim, chỉ, kéo, kim ghim, bàn là, phấn vẽ vải, thước và máy khâu.

 
Bước 1: Cách cắt và tính vải:

Kiểu váy đơn giản này thực ra chỉ là một ống vải có chun ở một đầu ống, đầu kia xòe ra thành chân váy, vì thế khi cắt bạn chỉ cần cắt một hình chữ nhật, để sau đó may hai cạnh rộng vào nhau tạo thành một ống vải, rồi may cạp liền để luồn chun.
Bạn tính vải như sau:

Chiều dài của miếng vải bằng độ xòe rộng của váy cộng thêm đường biên may (khoảng 1cm - 2cm) - đường may mà bạn nối vòng vào thành một ống vải.
Độ xòe rộng của váy thường gấp rưỡi hoặc gấp đôi số đo vòng eo của bạn, tùy theo bạn thích váy xòe rộng hay không.
Chiều rộng của miếng vải bằng chiều dài của váy cộng thêm đường may của gấu váy và cạp váy (khoảng 5cm - 7cm). Chiều dài của váy thường đo từ chính eo tới đầu gối, bạn có thể đo ngắn hay dài hơn tùy ý. Cạp liền nên bạn chỉ cần thêm 5cm vải và gấu nhỏ thì chỉ cần thêm 1cm - 2cm vải.
Nếu bạn muốn may váy có cải màu vải thì chỉ việc cắt vải theo từng phần cần cải màu rồi may ráp lại, miễn sao cuối cùng bạn được một miếng vải hình chữ nhật với kích cỡ theo cách tính vải trên.
 
Bước 2: May ráp hai cạnh vải để được ống vải:

Đường may đầu tiên của loại váy này là may nối hai cạnh chiều rộng của miếng vải vào nhau. Đơn giản nhất là bạn dùng đường may liền vắt sổ và may hai mặt phải vải úp vào nhau.
 

Bạn cũng có thể dùng đường may lộn đơn giản: áp hai mặt trái vải vào nhau, may trên mặt phải với đường biên may nhỏ.

 

Sau đó lộn vải ra mặt trái, miết vải tại chính đường may, gập nếp vải bẹp xuống, dùng bàn là là phẳng.

 

Tiếp tục may thêm một đường may trên mặt trái vải, biên may chỉ rộng hơn biên may lần đầu một chút xíu.

 

May hai lần như vậy bạn sẽ không phải vắt sổ cho biên vải nữa vì biên vải đã được may lộn vào trong rồi.

 
Bước 3: May viền gấu váy:

Gập mép vải 2 lần liên tiếp, đường biên gập khoảng 0,3cm - 0,5cm, gập càng nhỏ càng đẹp.
Dùng kim ghim hoặc khâu lược để đường gập được ổn định.
Nếu chưa thạo may bạn có thể gập viền to hơn và nên là chết nếp cho dễ may.
 
Bước 4: May cạp váy:

Gập biên vải làm hai lần, lần đầu gập 0,3cm - 0,5cm, lần hai gập to hơn bản chun của bạn chừng nửa cm, ví dụ chun rộng bản 2cm thì bạn gập lần hai to hơn 2cm một chút xíu để chun luồn vào được dễ dàng.
 

Đường may sát với mép gập thứ nhất của cạp.

 

May cạp vòng quanh ống vải và chừa 3cm - 5cm làm khe hở để luồn chun. Dùng kim băng ghim đầu chun rồi luồn vào cạp vừa may.

 

Hai đầu chun được đặt sao cho thẳng mặt chun trong cạp, chú ý đừng để chun lộn xoắn, ghim nối 2cm - 3cm đầu chun với nhau.
Đoạn chun này vốn được bạn ướm trước trên eo sao cho vừa ý, hoặc lấy số đo vòng eo trừ đi 1/4 độ dài số đo (còn tùy vào chất lượng chun co giãn tốt hay không).

 

Dùng đường may zic zac để may chặn qua lại trên chỗ nối chun cho chắc chắn.

 

Dàn chun phẳng đều và nằm kín trong cạp, trên đoạn khe hở luồn chun bạn lại may liền phần cạp lại.

 

Đường may cũng thẳng với đường may cạp mà bạn đã may.

 
Bước 5: Trang trí váy:

Váy càng đơn giản như vậy càng dễ cho bạn trang trí váy. Có rất nhiều cách trang trí và đây là 3 cách hiệu quả nhất thường dùng:

Cách 1: Ruy băng rất hợp để trang trí chân váy. Bạn may ngay ở bước 1 sau khi cắt vải hoặc may sau khi váy hoàn thiện đường cơ bản rồi đều được.
 
Chọn ruy băng có tông màu hài hòa với màu váy rồi may một hoặc nhiều đường song song với đường gấu váy.
 

Cách 2: Với những váy trang trí nhờ ráp vải thế này thì bạn cần ráp vải ngay từ bước 1. Thường thì chân váy được ráp bằng vải một màu vải đậm hơn, có trong màu hoa văn của vải, rộng bản 5cm - 10cm.

 

Ghim hai mặt phải vải vào nhau và may sát mép trên mặt trái.

 

Dùng đường may liền vắt sổ, sau đó lật sang mặt phải vải miết phẳng tại đường may.

 

Dùng bàn là để là cho đường biên may phẳng bẹp sang một phía.

 

Rồi may một đường sát mép với đường may nối hai miếng vải. Đường may này nổi lộ ra bề ngoài váy nên bạn chọn chỉ cùng màu với vải nhé!

 

Cách 3: Bạn có thể thêu họa tiết trang trí chân váy, rất hợp với váy vải nền một màu.

 
Cách gấu váy 2cm, kẻ một đường thẳng, cách đường này 5cm - 10cm lại kẻ một đường song song với nó. Dùng vật đáy tròn như cốc thủy tinh chẳng hạn, đặt lên vải vẽ vòng quanh theo đáy cốc để có được hình tròn, hoặc bạn cắt bìa giấy hình tròn áp lên vải để vẽ. Nhiều hình tròn đan xen đều nhau và so le các hàng thì sẽ tạo ra hoa văn hoa thị đơn giản.

Dùng mũi khâu thường đơn giản để khâu theo đường vẽ. Đây là một kiểu tạo hoa văn đơn giản và đẹp của Nhật Bản. Bạn có thể dùng các hoa văn tùy chọn khác hoặc dùng cách thêu nào mà bạn biết đều được.

Dùng chỉ tương phản để họa tiết thêu đơn giản này được nổi bật. Trông rất đậm chất handmade phải không bạn?


Những chiếc váy thế này rất dễ may, tuy đơn giản nhưng không kém phần sinh động. Bạn hãy thỏa sức sáng tạo trong việc trang trí váy nhé:

Nếu muốn may cho người lớn thì chỉ cần dùng khổ vải to hơn thôi, mẹ hãy may đồng phục váy cho hai mẹ con cùng điệu hoặc thử may một seri váy sinh động cho bé chào đón mùa hè, váy rất đơn giản, chắc chắn các mẹ sẽ thành công!

 
Chúc các bạn may được những chân váy thật đẹp để diện hè này nhé!
Chia sẻ