Mâu thuẫn nổ ra vì vợ là "tín đồ" của món ăn đường phố

Tây Anh,
Chia sẻ

Kết hôn với cô vợ ít hơn mình 8 tuổi, anh Gia Hưng không ngờ “mâu thuẫn lớn” giữa hai vợ chồng lại nằm ở… chuyện ăn uống. Trong khi anh mong những bữa cơm nhà nấu thì vợ anh lại mê các món ăn đường phố.

Tối đến, nằm lướt điện thoại, anh Hưng khựng lại trước video ngắn của cặp vợ chồng trẻ liên quan đến nội dung "Lấy vợ Gen Z ăn gì?". Trong đó, người chồng cố từ chối thử món ăn ở một quán vỉa hè. Còn người vợ vừa cười vừa đề nghị: "Vợ ăn thì chồng phải ăn thử chứ". Xem vậy, anh Hưng chỉ biết cười vì thấy có hình ảnh của mình trong đó.

Từ ngày cưới cô vợ nhỏ hơn 8 tuổi luôn "bắt trend", chuyện ăn uống của vợ chồng anh Hưng trở thành "cuộc chiến". Anh Hưng luôn muốn nói không với món chân gà dai như cao su, những ly trà sữa hay đồ ăn nhanh; còn vợ anh lại là "tín đồ" của món ăn đường phố. Nhiều hôm tan làm, anh Hưng chỉ mong có bát cơm canh ở nhà trong khi vợ anh đã hí hửng: "Đi ăn chân gà nướng anh nhé, quán này em mới thấy review (nhận xét) ngon lắm". Thấy anh Hưng lưỡng lự thì ngay lập tức vợ sẽ đưa ra nhiều lý lẽ: "Phải ăn mới biết có ngon hay không chứ?", "Anh cứ thử một, hai miếng có sao đâu"… Cứ thế, anh Hưng thành "khách hàng bất đắc dĩ" của bao hàng quán từ những video vợ anh xem trên mạng xã hội. Có lần, hai vợ chồng chen chúc trong con ngõ nhỏ, ăn xong mặt ai cũng bóng nhẫy kèm mùi dầu mỡ mà vợ anh vẫn tấm tắc: "Em thấy ngon như quảng cáo, anh cho mấy điểm?". Nhiều lần chiều vợ, anh Hưng đi cùng nhưng chỉ ngồi nhìn vợ ăn. "Vợ tôi đi đâu cũng chụp ảnh món ăn trước khi ăn, món gì cũng phải "hot trend", nhiều khi chỉ cần đẹp để chụp ảnh chứ chẳng cần ngon", anh Hưng thở dài.

Điều khiến anh Hưng lo hơn cả là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khoẻ của hai vợ chồng. Có không ít thông tin về những vụ việc sử dụng nguyên liệu bẩn, phụ gia độc hại, sử dụng chất bảo quản quá liều lượng trong thực phẩm bị phát hiện. "Thỉnh thoảng ra ngoài ăn để thay đổi không khí thì hợp lý nhưng nếu quá thường xuyên, thậm chí thay hẳn bữa ăn gia đình thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ cũng như gia đình", anh Hưng chia sẻ.

Không muốn làm căng thẳng việc này, anh Hưng tìm cách thay đổi thói quen ăn uống của vợ, không phải để áp đặt mà để cùng nhau xây dựng lối sống lành mạnh, dung hoà hơn:

- Thống nhất lịch trình ăn uống trong tuần, ví dụ ăn cơm nhà là chính, chỉ dành 1-2 buổi thử món mới ngoài hàng. Cân đối để cả hai vợ chồng cùng thấy thoải mái.

- Biến việc nấu ăn thành trải nghiệm thú vị, không ép buộc mà cùng nhau vào bếp, người nấu, người trình bày món ăn, quay video, chụp ảnh…

- Chọn món "hot trend" trên mạng xã hội có thể làm tại nhà, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa vui. Dù thành công hay thất bại, món ăn đó cũng trở thành câu chuyện thú vị của hai vợ chồng.

- Thử thách "7 ngày không ăn hàng", biến việc nấu cơm nhà thành "cuộc thi" và "phần thưởng" là một món đồ vợ thích để khích lệ tinh thần, tạo động lực và niềm vui mỗi ngày.

- Chia sẻ lợi ích của bữa cơm nhà, cùng vợ xem các video, kênh của những người làm nội dung trên mạng xã hội là bữa cơm gia đình ngon, bổ, rẻ, hấp dẫn, dễ làm, dễ thực hiện. Đưa ra gợi ý: "Hôm nay vợ chồng mình thử nấu món này đi?", "Bữa cơm này chỉ có 100 nghìn, vợ chồng mình thử xem có làm được vậy không?", "Em trải nghiệm nhiều quán rồi, giờ thử review bữa cơm nhà mình xem?". Những hình ảnh thực tế, gần gũi giúp cả hai nhận ra sự thú vị của công việc bếp núc, có động lực duy trì.

Chia sẻ