Ký ức sống

Mất sổ gạo

,
Chia sẻ

Ôn lại một thời chưa xa...

Cái cụm từ này bây giờ không mấy người dùng nữa, nhưng ở thời bao cấp thì người ta nói thường trực ở cửa miệng. Bởi vì, không có gì đau khổ và mất mát to lớn bằng... mất sổ gạo. Nói đầy đủ thì "thành ngữ" này là: "mặt nghệt ra như mất sổ gạo".  Đầu tiên, phải mô tả quyển sổ gạo để các bạn ít tuổi biết nhé.

 Đó là một quyển sổ nhỏ có 20 trang in sẵn,  khổ 10,5 x15,5cm. Ngoài bìa đề: Sổ mua lương thực (dùng cho hộ gia đình/tập thể), mua tại của hàng lương thực..., Họ và tên chủ hộ, địa chỉ. Tất nhiên phía trên của cái bìa không thể không có mấy dòng  Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, rồi: Quận, phường, tổ.... Kế đó ở dưới là một khung hình quả trám ghi số sổ, chẳng hạn 345/CH.

Một quyển sổ mua lương thực thời bao cấp (Ảnh sưu tầm)
 
Bìa hai có bản hướng dẫn dùng sổ đăng ký mua lương thực, gồm 4 điều, tóm tắt là 1) Ai được mua lương thực hàng tháng theo sổ này, 2) Số lương thực được mua (theo từng loại lao động và lứa tuổi), 3) Đăng ký bao nhiêu thì chỉ được mua bấy nhiêu, 4) Trách nhiệm của những cán bộ của cơ quan lương thực được ghi vào sổ này (lượng mua, sự thay đổi).
 
Câu cuối cùng không kém phần quan trọng là "Mất sổ phải báo ngay cho của hàng lương thực nơi mua biết". Nếu câu cuối này mà thực hiện được nhanh thì còn việc gì phải lo và phải bàn nữa. Này nhé, bạn thử tưởng tượng được là sau khi trình báo mất sổ, cơ quan an ninh và lương thực tiến hành điều tra thực hư thế nào, ít nhất cũng vài ba tháng, trong khi đó bạn và gia đình bạn có phải ăn không? Giả thử sổ gạo nhà bạn có 5 người, có khoảng 60 cân gạo mua theo giá cung cấp, tức là chỉ tốn khoảng một phần ba đến một phần tư thu nhập của gia đình bạn mà mất thì bạn lấy tiền đâu ra mà mua gạo ngoài, hay gạo chợ đen, giá gấp độ mười lần giá trong, tức giá cung cấp.
 
Vậy là do sự sơ ý của bạn, làm mất sổ gạo mà cả nhà bạn lâm vào tình trạng đói triền miên hàng tháng trời, nếu không muốn nói là nhiều tháng, cho đến khi được cấp sổ khác. Thế nên, mặt bạn mới nghệt ra.
 
Khi bạn có sổ rồi thì bạn phải chăm sóc, theo dõi hàng tháng để xin tăng cho con bạn, vì nó đã ở tuổi này, tuổi kia; hoặc giả con bạn được vào làm ở một đơn vị lao động nặng, thì được tăng cân. Còn ông già bà cả ăn ít thì cứ yên chí ở cái tiêu chuẩn 10 đến 12 cân gì đó (đến nay lâu quá không nhớ chính xác nữa). Bạn chuyển chỗ ở ư? Cắt hộ khẩu, có nghĩa đồng thời phải chuyển tiêu chuẩn gạo của bạn tới nơi ở mới: lại giấy giới thiệu của cơ quan bạn, giấy xác minh tiêu chuẩn của cửa hàng lương thực nơi ở cũ... kể ra cũng lắm điều phiền toái.
 
Hòn đá "xí chỗ xếp hàng mua gạo" của ông Hải, Hà Nội (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học)

Số cân lương thực ở sổ nói lên điều gì? Cũng phản ảnh mức độ lao động ở gia đình bạn cũng như phản ảnh mức độ dư thừa ở nhà bạn về mặt lương thực. Nhà bạn có người làm ở xí nghiệp ư? Chắc chắn được hơn cán bộ làm bàn giấy 3 - 4 cân một tháng rồi; còn nếu bạn lái xe cần cẩu hạng nặng thì có thể được trên dưới 20 cân - điều mà nhiều người mơ cũng không thấy! 
 
Còn nữa, dân quen gọi là "sổ gạo" nhưng quyển sổ lại có tên Sổ lương thực là có ý tứ của nó đấy. Tại sao vậy? Bởi vì, nhiều khi không có gạo, phải thay thế bằng bột mì, bánh mì, thậm chí cả sắn, ngô, và cả bo bo nữa. Tất nhiên cái loại sắn ngô thì quy đổi hệ số ra để bạn đủ ăn, có số calo tương đương khi bạn ăn cơm vậy.

 
Có lẽ ít người nhớ đích xác cái ngày không phải dùng đến quyển sổ gạo nữa. Cũng không có một lời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc mua gạo, sử dụng sổ như thế nào nữa - chỉ khi thấy ngoài chợ, ở vỉa hè, chỗ nào cũng có thể mua được gạo với giá phải chăng, lúc đó không ai xếp hàng đi mua gạo nữa. Và cửa hàng gạo cũng bắt đầu đóng im ỉm từ khi ấy. Đó là vào đâu đầu năm 1989. Tôi lật giở cuốn sổ lương thực của nhà ra kiểm tra lại trí nhớ của mình: kỳ mua cuối cùng ghi trong sổ là ngày hai mươi sáu, tháng hai, năm một nghìn chín trăm tám mươi chín.
 
Hà nội, mồng Một Tết năm 80-90 thế kỷ trước (Ảnh sưu tầm)

Kim Thi

Chia sẻ