Mất dấu F0: Thực hiện giãn cách xã hội thật tốt mới ngăn chặn được dịch COVID-19
Mất dấu người bệnh F0 hay không tìm được nguồn lây, là nguy cơ lớn khiến dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là người dân cần ở yên trong nhà, thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Gần đây Việt Nam đã xuất hiện những ca bệnh COVID-19 không rõ nguồn lây, tức là mất dấu F0. Điều này đang trở thành mối lo ngại lớn, nhất là với thực tế diễn ra tại ổ dịch Bạch Mai, do không xác định được nguồn lây ban đầu, nênsau đó dịch lây lan mạnh.
Sáng 8/4 cũng ghi nhận ca bệnh số 251 (64 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam) chưa rõ nguồn lây và đang tiếp tục được điều tra. Bệnh nhân này điều trị tại khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, có con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Về vấn đề "mất dấu" F0, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của dịch COVID-19, với nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, hiện đã có những ca bệnh không tìm ra nguồn lây từ đâu (mất dấu F0). Nghĩa là không xác định được người bệnh F0 là là ai, ở đâu… Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến dịch lan rộng, khó kiểm soát, bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, trong bối cảnh này, những nơi tập trung đông người dễ gây bùng phát dịch, vì không biết ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, để phòng bệnh, cách tốt nhất là người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng bệnh COVID-19 như: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách đứng cách nhau 2 mét. Nếu làm đúng như khuyến cáo thì đảm bảo sẽ không bị mắc bệnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu để dịch COVID-19 lan rộng sẽ dẫn tới khó khoanh vùng được các ổ dịch. Khi số ca bệnh bùng phát mạnh còn tạo nên sức ép lớn cho hệ thống y tế, khi quá tải sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng do nhân lực, vật lực y tế không đủ để tập trung cứu chữa cho người bệnh. Vì vậy, ngay lúc này, mọi người dân cần "ai ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở nhà đó", tuyệt đối không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.