Mất ăn, mất ngủ vì luyện thi vào lớp 10

Nhàn Lê,
Chia sẻ

Khoảng 2 tuần nữa là học sinh TPHCM bước vào kỳ thi lớp 10. Thời điểm nước rút, học sinh tăng tốc “chạy sô” luyện thi ở các trung tâm, phụ huynh vì thế cũng tất bật đưa đón con.

Ôn thi không kịp ăn cơm

Tối muộn 20/5, khi cơn mưa trắng trời vừa dứt, anh T (phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Colette, quận 3) len lỏi qua dòng người đang nhích từng chút để kịp đến một trung tâm luyện thi nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Thông (quận 3) đón con gái tan ca học. Người cha này chuẩn bị sẵn một ổ bánh mì, một hộp sữa và một chai nước lọc để cho con ăn lót dạ. Đây là ca học thêm thứ 2 liên tiếp trong ngày của con anh T., ngoài giờ học chính khóa ở trường. Việc ăn vội bánh mì, bánh bao cho đỡ đói đã quá quen thuộc với cô học trò cuối cấp này.

Mất ăn, mất ngủ vì luyện thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Học sinh sau giờ học tại một trung tâm luyện thi vào lớp 10 tại quận 3 (TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê

Để chuẩn bị cho quá trình vượt vũ môn của con, anh T cùng vợ hằng ngày phải chia ca đưa đón con ôn luyện 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh ở 3 trung tâm khác nhau, bất kể trời nắng nóng đến gần 40 độ C hay mưa tầm tã kèm gió lớn. Một số hôm, anh T phải nhờ đồng nghiệp làm đỡ việc để tranh thủ về sớm đón con cho kịp giờ.

“Lịch học ở trường giảm bớt từ sau khi thi học kỳ 2 nhưng các lớp học thêm lại tăng thêm thời lượng. Vừa tan ca ở lớp học thêm lúc 20 giờ là con về nhà tranh thủ ăn uống, tắm rửa rồi vùi đầu vào sách vở đến khuya, một ngày chỉ ngủ vài tiếng. Một mình con thi nhưng cả nhà cũng áp lực theo. Kỳ thi lớp 10 còn căng hơn thi đại học”, anh T bộc bạch.

Đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Tenlơman (quận 1), nguyện vọng 2 vào THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) và nguyện vọng 3 vào THPT Lương Văn Can (quận 8), em Cao Xuân Thành (học sinh Trường THCS Kiến Thiết, quận 3) dành hết thời gian, tâm sức ôn luyện trong những ngày cận kề kỳ thi. Nam sinh này cho biết em luyện thi môn Ngữ văn 4 buổi/tuần, còn Toán và tiếng Anh 3 buổi/tuần. Cuối tuần là khoảng thời gian nam sinh “chạy sô” nhiều nhất, luyện thi cả sáng lẫn chiều.

“Em tranh thủ từng phút ăn uống, tắm rửa để kịp ôn bài. Nhiều bài quá nên đôi lúc em rất căng thẳng. Dù cha mẹ không ép học nhưng em tự tạo áp lực cho bản thân để đỗ được nguyện vọng 1”, Thành nói.

Không nên đổ xô ôn luyện

Bên cạnh việc căng mình học thêm thì nhu cầu thuê gia sư của nhiều gia đình có con em dự thi vào lớp 10 cũng tăng cao trong giai đoạn này. Thống kê từ Công ty gia sư eTeacher cho thấy, khi thi xong học kỳ 2, nhu cầu luyện thi cấp tốc tăng 35% - 40% so với năm ngoái.

Ông Lê Nguyễn Ngọc Linh, Trưởng phòng quản lý khách hàng ưu tiên Công ty gia sư eTeacher, cho biết môn học mà các em có nhu cầu thuê gia sư luyện thi nhiều nhất là Toán, tiếp theo là tiếng Anh và Ngữ văn. Bên cạnh việc đồng hành ôn tập theo dạng 1 kèm 1 cùng học sinh, đơn vị còn tổ chức các kỳ thi thử để học sinh chuẩn bị tâm lý và quen cảm giác phòng thi.

Nói về lý do vừa cho con học thêm, vừa thuê gia sư dạy kèm tại nhà, chị Huệ (ngụ huyện Hóc Môn) chia sẻ việc này là theo nguyện vọng của con lẫn cha mẹ. Con trai chị Huệ mong muốn trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Hữu Cầu - ngôi trường lấy điểm chuẩn cao nhất khu vực, phải đạt trên 8 điểm mỗi môn mới có cơ hội đỗ. Tuy vậy, con chị không tự tin ở môn Ngữ văn nên có nguyện vọng học cùng lúc 2 giáo viên, một cô giáo chuyên dạy Nghị luận xã hội và một cô giáo chuyên về Nghị luận văn học. Sợ con đi về khuya nguy hiểm, người mẹ này quyết định cho con học 3 giáo viên bên ngoài và thuê thêm một gia sư kèm riêng môn Ngữ văn trong tháng cuối. “Tốn kém một chút nhưng quan trọng là con mong muốn đỗ nguyện vọng 1”, chị Huệ nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, trong khoảng thời gian này, việc ôn thi cấp tốc chỉ thực sự hiệu quả đối với học sinh có nền tảng tốt, nắm chắc kiến thức và muốn luyện tập thêm các dạng bài nâng cao. Với học sinh còn yếu kiến thức nền tảng, việc ôn luyện thời điểm này sẽ không mang đến nhiều hiệu quả. “Học tập là một quá trình rèn luyện lâu dài, đòi hỏi phụ huynh cần chuẩn bị từ sớm, không đợi sát kỳ thi mới lo ôn luyện cho con”, ông Linh tư vấn.

Qua thực tế nhiều năm tiếp xúc với học sinh, cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), nhìn nhận tới giai đoạn nước rút, sẽ có một số học sinh “bão hòa”. “Các em không nhớ kiến thức đã học, đầu óc trống rỗng bởi quá căng thẳng trong một thời gian dài. Dây đàn quá căng còn bị giãn huống hồ là con người”, cô Trâm lưu ý.

Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập khuyến cáo các phụ huynh lẫn học sinh thời điểm này không nên đổ xô ôn luyện quá nhiều, bởi thi cử là một quá trình chuẩn bị lâu dài, không phải ngày một ngày hai là có kết quả. Việc học sinh cần làm hiện nay là hệ thống lại kiến thức môn học, sửa những lỗi hay mắc phải, làm bài thi thử để tạo tâm lý như vào phòng thi thật và giữ sức khỏe thật tốt. Để giúp học sinh giảm căng thẳng, phụ huynh nên đánh giá đúng năng lực của con và không tạo thêm áp lực thành tích. Bản thân học sinh cũng nên chia sẻ những lo lắng mà mình gặp phải, đón nhận sự quan tâm của người thân, bạn bè để tự tin hơn trước kỳ thi quan trọng sắp tới.

Cần quan tâm dinh dưỡng trong mùa thi

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, nhu cầu năng lượng của các thí sinh mùa thi cao gấp nhiều lần so với người lớn. Để đảm bảo sức khỏe, các em cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không ăn quá no, bỏ bữa, dồn hai bữa làm một, hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, thức ăn cay,... Ngoài việc ăn đủ 3 bữa chính, cần bổ sung thêm 2 - 3 bữa phụ và tuyệt đối không bỏ ăn sáng. Bên cạnh đó, để não bộ phục hồi, các em cần tuân thủ lối sống khoa học như: Đảm bảo ngủ đủ 6 - 8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ và ngủ trước 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài, ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng và tăng cường hoạt động thể lực.

Chia sẻ