Mâm cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu vật phẩm nào?
Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa đặc biệt như thế nào văn hóa truyền thống của người Việt? Lễ vật cúng dâng trong ngày này cần có những gì?
Tết Đoan Ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Tết Đoan Ngọ năm 2022 diễn ra vào thứ Sáu ngày 3/6 dương lịch.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Dương có nghĩa là khí dương bắt đầu thịnh. Tết Đoan Ngọ trong tín ngưỡng dân gian người Việt và trong văn hóa phương Đông mang ý nghĩa mong cầu những điều tốt đẹp trong tiết khí mới, cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn mọi thứ thuận lợi.
Trong Tết Đoan Ngọ, người dân thường thực hiện nhiều tục lệ thú vị, ở mỗi vùng miền lại có thêm những nét riêng biệt khác nhau. Tết Đoan Ngọ ở nước ta được gọi với cái tên gần gũi là Tết giết sâu bọ. Bởi trong thời gian này, sự chuyển mùa cũng gây ra nhiều dịch bệnh, sâu bọ càng dễ phát sinh.
Cũng vào thời điểm này, cây trái bắt đầu đơm hoa kết quả, vào mùa thu hoạch, cho nên hoa quả là thứ dâng cúng tổ tiên không thể thiếu. Vậy trong ngày lễ này, mâm cúng dâng lên tổ tiên gồm những gì và có tập tục nào diễn ra?
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ
Hoa quả
Hoa quả là thức quà đầu tiên rất cần cho ngày Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là những loại quả có vị chua chát như mận, vải,... Bên cạnh đó, các loại quả mùa hè cũng được chọn lựa để dâng cúng như nhãn, chuối, dưa hấu, hồng xiêm,...
Các loại hoa thơm được chọn để cúng có mùi hương thanh khiết, nhẹ nhàng, đặc trưng của mùa hè như sen, nhài, ngọc lan, hoàng lan,...
Rượu nếp
Rượu nếp cái và rượu nếp cẩm là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Phần lớn, mâm cúng trong ngày này là lễ chay nên việc cúng bằng rượu nếp cũng mang ý nghĩa sâu sắc.
Người xưa cho rằng, trong đường tiêu hóa của người thường có các loại vi khuẩn, ký sinh gây hại. Chúng bám sâu trong bụng và sẽ hoạt động mạnh mẽ vào ngày Tết Đoan Ngọ. Cho nên, vào ngày lễ này, mọi người thường ăn hoa quả chua chát, ăn rượu nếp để diệt ký sinh, xua đuổi bệnh tật.
Bánh tro
Bánh tro, hay còn được gọi là bánh ú tro, bánh gio. Loại bánh này cũng được dùng để cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Bánh tro là loại bánh đặc trưng của ngày lễ này. Được làm từ gạo nếp vo sạch ngâm trong nước tro gần 1 ngày, sau đó được vớt ráo xóc cùng 1 xíu muối, gói bằng lá dong. Bánh tro được luộc từ khoảng 2-4 tiếng.
Bánh tro sau khi chín có màu hổ phách trong đẹp mắt, được chấm cùng mật mía khi ăn thêm trọn vị.
Thịt vịt
Người miền Trung sẽ chọn thịt vịt để dâng cúng vào Tết Đoan Ngọ. Vịt được luộc hoặc quay chặt nhỏ xếp gọn gàng ra đĩa, kèm thêm đó là nước mắm gừng tỏi.
Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn. Tết Đoan Ngọ là lúc thời tiết nóng nực nên ăn thịt vịt để cân bằng khí trong cơ thể, bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Chè hạt sen, chè hạt kê
Chè hạt sen, chè hạt kê cũng được người Huế ưa chuộng dâng cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Những loại chè này cũng giúp hạ nhiệt trong thời tiết nóng bức.
Chè trôi nước và xôi gấc
Đây là hai lễ vật thường được người miền Nam chọn để dâng cúng vào Tết Đoan Ngọ. Cũng là mong cầu những điều may mắn, hanh thông, cát lành, người dân chọn chè trôi nước tượng trưng cho sự tròn đầy, còn xôi gấc là vận may.
Nhìn chung, các loại vật phẩm có trong mâm cúng của Tết Đoan Ngọ đều thích ứng theo mùa, có giá trị cân bằng khí, hạ nhiệt, giải độc trong cơ thể.
Ngoài ra, một vài phong tục khác được thực hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ như treo ngải cứu trước cửa để trừ tà, tắm nước lá và đi hái thuốc vào giờ Ngọ. Người ta cho rằng, giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) là lúc khí dương thịnh nhất, ánh nắng rực rỡ nhất trong năm. Cỏ cây dùng làm thuốc được hái vào giờ này có tác dụng chữa bệnh tốt hơn cả. Nếu đem những lá thuốc nấu xông nước giải cảm lại càng hiệu quả.