CHUYỆN CHI TIÊU

Mách chị em bí quyết giữ tiền hiệu quả, chi tiêu thoải mái mà vẫn có "của ăn của để"

Luna,
Chia sẻ

Tiết kiệm là một nghệ thuật, sao cho cuộc sống tiện nghi mà vẫn đảm bảo sinh lời. Bí quyết giữ tiền với 6 hũ thần kỳ dưới đây sẽ giúp bạn làm điều đó.

Nhiều người sống nửa đời người vẫn không biết thế nào là tiết kiệm, dù rất muốn có của để dành phòng khi bất trắc nhưng quay qua quay lại tháng nào đủ tiêu tháng đó đã là may. Lại có những người khác thắt lưng buộc bụng, nói về giữ tiền thì quả là số một, kẽ tay không hở cho dù chỉ một hạt cát lọt qua, nhưng lại thành ra khổ sở.

Tiết kiệm, do đó, là một nghệ thuật, làm sao vẫn có một cuộc sống đủ nhu cầu, tiện nghi mà vẫn có của ăn của để. Bí quyết giữ tiền bằng 6 chiếc hũ thần kỳ dưới đây sẽ giúp bạn bắt đầu vào con đường quản lý tài chính hiệu quả, thông minh, cực tốt, không bao giờ còn bị tiêu xài quá tay nữa

Rất đơn giản, bạn chỉ cần 6 chiếc hũ, sau đó chia tổng số tiền mình có vào theo tỷ lệ như sau:

bí quyết giữ tiền 6 chiếc hũ
(Ảnh: Internet)

Chiếc hũ đầu tiên: nhu cầu căn bản (55% tổng số tiền)

Những nhu cần căn bản bao gồm việc ăn uống hàng ngày, tiền xăng xe đi lại trong tháng, tiền điện nước, tiền nhà và các loại hóa đơn tháng nào cũng xuất hiện… Nhiều người quen tiêu xài có thể cảm thấy khoản chi nào của mình cũng là “nhu cầu căn bản” và không gói gọn được trong 55%. Nhưng biết làm sao, nếu không muốn tiếp tục giật gấu vá vai thì bạn phải cố gắng điều chỉnh thôi - hoặc tìm cách tăng thu nhập, hoặc xác định lại nhu cầu căn bản của mình.

Chiếc hũ thứ hai: giải trí (10% tổng số tiền)

Bạn sẽ để tiền trong hũ này dành cho những lần la cà bạn bè, hoặc cho một chai vang đắt tiền uống cho đã, hoặc một chuyến đi du lịch. Nói chung, đây là tiền cho bạn tận hưởng cuộc sống, hãy tùy nghi. Nếu là người quen chắt bóp, bạn sẽ dễ nhập tiền này vào khoản tích lũy dài hơi nhưng đừng nhé, khoản nào ra khoản ấy! Tuy nhiên, chẳng hạn trường hợp chuyến du lịch của bạn cần đến nhiều tiền thì có thể để dành trong nhiều tháng.

Chiếc hũ thứ ba: tích lũy dài hơi (10% tổng số tiền)

Số tiền này sẽ được tích lũy nhằm đảm bảo cho sự độc lập tài chính của bạn sau này không phải phụ thuộc ai. Số tiền này bạn có thể gửi ngân hàng hoặc đầu tư để sinh lời, không nên dùng đến cho đến khi đã hoàn toàn kiểm soát được và không phải lo lắng về việc chi tiêu của mình. Và kể cả lúc đó, tốt nhất bạn hãy chỉ dùng phần lãi sinh ra mà thôi.

Chiếc hũ thứ tư: giáo dục (10% tổng số tiền)

Tiền trong hũ này để dành cho việc học, đầu tư tri thức và kỹ năng cho bản thân. Nhiều người coi 4 năm đại học đã là cái đích tận cùng của tri thức, hoàn toàn không phải! Thường xuyên nâng cấp điện thoại và đồ dùng, sao không nhận ra rằng bạn mới là tài sản quý giá và thiết thực nhất của chính bạn, là “thứ” cần được nâng cấp, cập nhật nhiều nhất? Không thay đổi, không trau dồi trong thời đại này đồng nghĩa với tụt hậu. Với số tiền này, bạn có thể đăng ký khóa học, mua sách…

Chiếc hũ thứ năm: dự trữ riêng (10% tổng số tiền)

Khoản tiền này được dùng cho những chi tiêu lớn, chẳng hạn một chiếc TV màn hình phẳng mới, phiếu tập cả năm, hoặc một chiếc xe… nói chung là những thứ tuy tốn kém nhưng bạn sẽ không phải lo nghĩ đến trong một thời gian dài, chỉ cần yên tâm sử dụng.

Chiếc hũ thứ sáu: quà cáp, từ thiện (5% số tiền)

Bạn hãy dùng tiền này để mua quà cáp sinh nhật, mừng đám cưới đám hỏi và các dịp tương tự. Bạn cũng có thể dùng tiền này để quyên góp từ thiện cho những người đang khó khăn. Chúng ta không phải chỉ sống một mình trên đời!

Dù nhiều tiền hay ít, dù chưa quen hay thậm chí cảm thấy rất khổ sở, bạn cũng cố gắng duy trì thực hiện theo bí quyết giữ tiền này một thời gian nhé, chẳng mấy chốc sẽ hoàn toàn tự tin làm chủ đồng tiền của mình cho coi! Ai cũng muốn được làm chủ đồng tiền chứ đâu muốn làm nô lệ của nó đúng không?

Theo brightside

Chia sẻ