Mắc bệnh nguy hiểm vì thịt bò khô: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ ẩn sau món ăn khoái khẩu
Sau 3 ngày ăn thịt bò khô nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc, bé Gia H. đã được nhập viện trong tình trạng bị thiếu máu nặng do tan máu cấp.
Tan máu cấp vì ngộ độc bò khô
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Dư Gia H. (8 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vào viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ.
Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, đội ngũ y tế thấy đây là trường hợp cơn tan máu điển hình.
Theo gia đình của bệnh nhân, sức khỏe của bé trước đó hoàn toàn bình thường. Gần đây, bé không đi đâu xa, không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, gia đình không có tiền sử bệnh lý gì, xung quanh không có dịch bệnh đặc biệt.
Tuy nhiên, trước 3 ngày vào viện, bé H. có ăn thịt bò khô nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau ăn 1 ngày, bé xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt nhẹ, rét run, ăn uống kém và thỉnh thoảng kêu đau đầu.
Đến ngày thứ 2, trẻ đi tiểu ra nước tiểu màu đỏ, da nhợt nhạt và nôn nhiều. Mẹ bé đã ra hiệu thuốc mua men tiêu hóa và oresol cho con uống nhưng tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên đã cho con vào viện.
Cháu H. may mắn được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bé H. bị thiếu máu nặng do tan máu cấp. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán tan máu cấp nên đã nhanh chóng được cấp cứu hồi sức, truyền máu, điều trị tích cực.
Sau hai ngày điều trị với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các thầy thuốc khoa Nhi, hiện tình trạng của bệnh nhi đã ổn định và qua cơn nguy kịch. Bệnh nhi đã có thể tự thở, tự chơi, da niêm mạc hồng lên, nước tiểu màu vàng chứng tỏ tình trạng tan máu đã hết.
Mới đây, tại Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà (Hà Nội) cũng cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân Lương Thị Ph., 19 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội. Ph. đi liên hoan cùng bạn bè và có ăn thịt bò khô.
Đi chơi đến nửa đêm, Ph. về nhà trọ ngủ và đến 4h sáng thì bắt đầu bị đau bụng thượng vị kèm theo nôn. Ph. đã nôn ra hết thức ăn, có dấu hiệu chóng mặt, người mệt, chân tay run nên được bạn bè cùng phòng trọ đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ truyền dịch bù nước cho Ph. và 1 tiếng sau thì cô có dấu hiệu tỉnh táo hơn. Bác sĩ nghi ngờ Ph. bị ngộ độc do thịt bò khô vì cô cho biết do không uống được bia nên chỉ ngồi chơi và ăn thịt bò khô. Cả nhóm đi không ai bị vì mọi người bận hát không ăn vặt như Ph.
Thịt bò khô kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng
Theo PGS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thịt bò khô phải làm từ thịt bò.
Vì thịt bò rất đắt nên nhiều gian thương đã làm giả thịt bò khô từ các loại thịt như thịt lợn sề, thịt lợn chết thậm chí có nơi làm từ phổi lợn bốc mùi.
Ngoài ra, người làm thịt bò khô có thể trộn lẫn các phẩm màu tổng hợp với các chất vàng ô và trộn các màu vàng, đỏ thành các màu giống thịt bò để bền màu.
PGS Đáng cho biết chắc chắn thịt bò khô sẽ có chất bảo quản vì người bán hàng cứ để ngoài trời nắng, mưa nhưng chúng không hề bị hỏng.
Thịt bò khô là món khoái khẩu của rất nhiều người nhưng bị làm giả rất nhiều.
Nếu các mẫu bò khô giá rẻ được bày bán ngoài thị trường được mang đi xét nghiệm, chắc chắn chúng có các vi nấm. Tuy nhiên, những loại bò khô siêu rẻ vẫn thu hút người tiêu dùng vì giá thành hợp túi tiền và được trộn nhiều hương liệu nên thơm ngon hơn.
Còn PGS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết thịt bò khô đúng từ thịt bò rất đắt và hạn sử dụng ngắn. Còn các loại thịt bò bán ở cửa hàng tạp hóa với giá 200 – 500 nghìn đồng/kg rất khó được làm từ thịt bò thật.
PGS Thịnh chia sẻ để làm thịt bò khô ngon trước tiên nguyên liệu thịt bò chọn phải ngon. Để làm được 1kg thịt bò khô cần khoảng 3kg thịt bò tươi và các nguyên liệu khác.
Thịt bò khô chuẩn không dùng chất bảo quản chỉ để được 15 - 20 ngày và phải bảo quản trong tủ lạnh. Nếu quá hạn, thịt bò khô sẽ có mùi hôi và mốc.
Và nếu được sử dụng các phụ gia, nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến. thì thịt bò khô rất khó kiểm soát và chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Bác sĩ Lê Thị Lan Anh khuyến cáo để tránh ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt và bắt mắt.
Tết nguyên đán sắp đến cũng là thời điểm mà các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa gia tăng. Đặc biệt với trẻ em, những đối tượng rất nhạy cảm với những thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí rất dễ bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.