Mắc bệnh nghề nghiệp nhưng không được công nhận, người đàn ông "mở ngực khám phổi" để yêu cầu công ty bồi thường
Kết hợp với thông tin nghề nghiệp, bác sĩ xác nhận Trương Hải Siêu đã mắc bệnh bụi phổi - một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Năm 2008, Trương Hải Siêu, một công nhân 27 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, làm việc trong một nhà máy sản xuất vật liệu mài mòn hơn 3 năm, được nhiều bệnh viện chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi.
Loại bệnh nghề nghiệp này có thể nộp đơn xin xác định thương tật do lao động nhưng công ty từ chối cung cấp thông tin liên quan cho anh.
Sau nhiều lần khiếu nại lên chính quyền cấp trên, cuối cùng anh đã được xác nhận, nhưng Văn phòng quản lý bệnh nghề nghiệp Trịnh Châu lại chẩn đoán anh mắc "bệnh lao".
Chuyện này là sao?
"Bệnh một đằng, kết quả một nẻo"
Trương Hải Siêu sinh năm 1981, quê ở Hà Nam (Trung Quốc). Anh thi trượt cấp ba và phải ra ngoài làm đủ thứ nghề, như chuyển gạch, công nhân nhà máy và tài xế lái xe. Sau ngần ấy năm, anh đã dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm.
Sau đó, được sự giới thiệu của một người bạn, Trương Hải Siêu đã kết hôn. Hai vợ chồng có một cô con gái hoạt bát và đáng yêu. Từ đó, anh càng làm việc chăm chỉ hơn.
Tháng 8/2004, Trương Hải Siêu, lúc này 23 tuổi, đã gia nhập Công ty TNHH Vật liệu mài mòn Chấn Đông ở Trịnh Châu. Công việc của anh là ném những khối đá thạch anh nhân tạo (hay còn gọi là đá nhân tạo quartz) lớn nặng hàng chục kg vào máy nghiền, sau đó rơi xuống băng chuyền và được đưa vào khâu tiếp theo.
Mỗi ngày sau khi tan làm, nước bọt của Trương Hải Siêu đều có màu vàng, lỗ mũi và tai chứa đầy bụi đá. Thế nhưng anh không để ý vì nghĩ đây chỉ là tính chất công việc.
Mãi đến mùa hè năm 2007, Trương Hải Siêu mới phát hiện mình bị ho và tức ngực. Những cơn ho thường xuyên khiến anh không thể làm việc bình thường. Phòng khám nhỏ bất lực, vợ thuyết phục anh đến bệnh viện lớn kiểm tra.
Kết hợp với thông tin nghề nghiệp, bác sĩ xác nhận anh đã mắc bệnh bụi phổi - một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Nhưng Trương Hải Siêu đã không tin, anh đã đi khám ở nhiều bệnh viện lớn khác, kết quả chẩn đoán vẫn là bệnh bụi phổi.
Ngày 6/1/2009, bệnh của Trương Hải Siêu trở nặng, anh thường xuyên đột ngột ngừng thở khi đang nói chuyện, hai má đỏ bừng vì bí hơi.
Lúc này, anh quyết định kiểm tra lại kết quả khám sức khỏe hai năm trước mà công ty từng tổ chức cho nhân viên.
Từ bức ảnh chụp X-quang ngực vào năm 2007 có những bóng mờ rõ ràng. Nhưng lúc đó ở đơn vị công tác không có ai nói cho anh biết. Một người phụ trách nói riêng với Trương Hải Siêu: "Việc khám sức khỏe do công ty chi trả và không có nghĩa vụ phải thông báo kết quả cho cá nhân".
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, Trương Hải Siêu được biết phía đơn vị khám sức khỏe đã thông báo để kiểm tra lại một lần nữa nhưng đã bị công ty ngăn cản.
Trương Hải Siêu vô cùng tức giận sau khi biết được sự thật và quyết định yêu cầu công ty bồi thường.
Theo quy định, toàn bộ quy trình yêu cầu bồi thường như sau: Công ty cung cấp thông tin, cơ quan quản lý bệnh nghề nghiệp cấp giấy chẩn đoán. Chỉ khi có đủ hai thứ này thì việc bảo vệ quyền của người lao động mới có thể thành công.
Nhưng phía công ty đã từ chối cấp giấy chứng nhận, Trương Hải Siêu không còn cách nào khác là phải làm đơn kiến nghị. Sau nhiều lần kiến nghị, cuối cùng công ty cũng đã hợp tác và đưa ra thông tin.
Tuy nhiên, chẩn đoán do Văn phòng quản lý bệnh nghề nghiệp Trịnh Châu đưa ra là: Bệnh lao.
Mặc dù nhiều bệnh viện đã chẩn đoán bệnh bụi phổi nhưng tại sao cơ quan xét nghiệm lại chẩn đoán là bệnh lao?
Tuyệt vọng, Trương Hải Siêu buộc phải nghĩ ra phương án tốt nhất tiếp theo: Mở lồng ngực và kiểm tra phổi.
Mở lồng ngực để chứng minh
Một buổi chiều tháng 6/2009, Trương Hải Siêu cùng với gia đình đến Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Trịnh Châu để làm sinh thiết phổi qua phẫu thuật lồng ngực.
Sau ca phẫu thuật, tại phòng chăm sóc đặc biệt, bác sĩ lập tức thông báo cho Trương Hải Siêu kết quả chẩn đoán: Anh thực sự mắc bệnh bụi phổi.
Một tuần sau, khi đã di chuyển dễ dàng hơn, Trương Hải Siêu gọi đến số điện thoại Văn phòng quản lý bệnh nghề nghiệp Trịnh Châu và thông báo chẩn đoán sai.
Không ngờ, nhân viên ở đầu bên kia lạnh lùng nói: "Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Trịnh Châu không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp".
Bằng chứng bệnh lý thu được có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của một người đã bị bác bỏ một cách dễ dàng như vậy.
Lúc này, Trương Hải Siêu đã mắc bệnh được hai năm. Dù tuyệt vọng nhưng anh không bao giờ từ bỏ việc đấu tranh cho quyền lợi của mình. Cuối cùng, Trương Hải Siêu quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ giới truyền thông.
Tháng 7/2009, Thân Tử Trọng, phóng viên của tờ Oriental Today, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với Trương Hải Siêu. Khi câu chuyện của anh được đăng lên mạng, dư luận cả nước đã dậy sóng, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Sở Y tế tỉnh Hà Nam và Thành ủy Trịnh Châu lần lượt quy trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân liên quan phụ trách vụ việc "mở ngực khám phổi".
Dưới sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy, việc xử lý sự việc sau đó diễn ra rất nhanh chóng.
Trương Hải Siêu đã nhận được chứng chỉ "Bệnh bụi phổi giai đoạn III" do Văn phòng quản lý bệnh nghề nghiệp Trịnh Châu cấp như mong muốn.
Ngày 16/9/2009, Trương Hải Siêu cuối cùng đã nhận được nhiều khoản bồi thường khác nhau từ Công ty TNHH Vật liệu mài mòn Chấn Đông, với tổng trị giá 615.000 NDT (hơn 2 tỷ đồng). Đồng thời, phía quản lý cấp cao của công ty cũng chịu trách nhiệm liên quan.
Năm 2021, một bản cáo trạng được công bố đã tiết lộ những tình tiết chưa rõ đằng sau vụ việc “mở ngực khám phổi” của Trương Hải Siêu năm đó.
Vương Thiết Lương, khi đó là Bí thư Thành ủy, người đã hăng hái đến nhà Trương Hải Siêu thăm hỏi và đẩy nhanh tốc độ giải quyết vụ việc, đã nhận hối lộ 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng) từ công ty để giúp công ty tránh bị đình chỉ sản xuất.
Cuộc sống hiện tại
Vậy hiện tại Trương Hải Siêu đang sống như thế nào?
Để kéo dài sự sống, anh đã mắc nợ chồng chất và phải trải qua ca ghép phổi kép ở thành phố Vô Tích khoảng năm 2013 và phải dùng thuốc suốt đời. Chi hơn 200 NDT (gần 680 nghìn đồng) cho chục viên thuốc mỗi ngày để chống lại sự đào thải, nếu ngừng uống thuốc, anh sẽ chết vì suy hô hấp.
Trương Hải Siêu trở thành "nô lệ" cho lá phổi của mình. Nhưng anh không bị cuộc đời đánh bại.
Sau khi sự việc kết thúc, anh trở thành người đứng đầu một tổ chức phúc lợi cộng đồng ở Hà Nam, tư vấn pháp lý cho bệnh nhân mắc bệnh về phổi, tặng máy tạo oxy và hỗ trợ học sinh.
Ngoài ra, anh còn thành lập "Mạng lưới phòng ngừa và điều trị bệnh bụi phổi Trương Hải Siêu" để cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho bệnh nhân.
Trong vài năm qua, Trương Hải Siêu đã nhận tư vấn qua điện thoại cho hơn 2.000 người và thắng hơn 100 vụ kiện. Anh như tia sáng le lói trong bụi đất, mang lại hy vọng cho vô số bệnh nhân viêm phổi.
Ngày 5/4/2023, Trương Hải Siêu được khám sức khỏe tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích. Anh viết trên Weibo: "Đã gần chục năm kể từ khi ca ghép phổi. Đánh giá toàn diện cho thấy kết quả khám sức khỏe rất tốt".
Trương Hải Siêu đã sống một cuộc đời khó khăn nhưng anh vẫn chọn sống và mang lại hy vọng cho nhiều người hơn.
Nguồn: Zhihu