Ly hôn chỉ vì... chuyện vặt
Tỷ lệ ly hôn hiện nay đang gia tăng, những mâu thuẫn dẫn đến tan vỡ không phải là sự đối nghịch về nhân cách, tư tưởng mà hầu hết là những... chuyện vặt.
Chuyện vặt ấy mà…
Ban đầu, nó đúng là chuyện vặt. Song không ít trường hợp đến khi tiếp diễn hoặc kết thúc lại trở nên om sòm, gay cấn. Bởi một chuyện vặt xảy ra, chuyện nào cũng có nguy cơ phát triển lan man tới chuyện vặt khác, rồi suy diễn ra những điều không liên quan tới chuyện vặt ấy, không dừng lại ở một việc ấy.
Rửa bát thì có gì là to tát đâu? Có gì là quan trọng đâu? Phải cái tội vợ hay “nặng tay” làm bát đĩa loảng xoảng. Chồng nhắc: “Thế thì còn gì là bát đĩa nữa, không vỡ thì mẻ, mà dùng đồ mẻ thì chán lắm”. Vợ lập tức cãi: “Vỡ làm sao được, mẻ làm sao được. Sao anh không rửa đi ngồi đó mà nói”. Rồi dỗi, rồi khó chịu, rồi giận nhau, rồi to tiếng.
Vợ ốm. Đến bát cháo chồng cũng không biết nấu, không biết mua ở đâu.
Ở bẩn. Chồng có riêng một phòng để làm việc, để muốn bày gì thì bày. Nhưng vào căn phòng riêng ấy của chồng thì ngột ngạt toàn mùi thuốc lá. Tàn thuốc vứt đầy sàn nhà mặc dù đã có gạt tàn để trên bàn. Bã chè, giấy vụn bữa bãi khắp nơi mặc dù đã có cái thùng rác để góc phòng. Từ cái phòng ấy đi ra, người chồng toàn mùi thuốc, vợ không chịu được nên bắt anh ngủ riêng. Chuyện ngỡ nhỏ nhặt ấy lại thành lớn, làm phai nhạt tình cảm, biến vợ chồng thành hai người xa lạ góp gạo thổi cơm chung.
Trong nhà, chuyện vặt có khi không phải do chồng gây ra thì lại do vợ làm nên. Nếp sống của người này biểu hiện qua những chuyện vặt khiến người kia khó chịu. Vợ thích đi siêu thị. Chẳng sao, cũng như bao phụ nữ khác thôi mà. Nhưng khi mải ngắm hàng, vợ để chồng con ở nhà chờ cơm đến đói ngấu, khi mua đồ đến lặc lè rồi lại than vãn “cái này đắt hơn ở bên ngoài đến mấy chục ngàn”.
Chuyện vặt mà hậu quả không vặt
Chuyện vặt, chuyện nhỏ nhiều khi là mầm mống của một xung đột lớn. Nhiều chuyện vặt tích tụ lại sẽ trở nên nhức nhối, có nguy cơ làm tan vỡ hạnh phục gia đình từ lúc nào không biết. Nhỏ như con khóc, con vòi, ai dỗ? Trời mưa ai đưa con đi học? Khách đến nhà ai là người pha nước, tiếp khách? Có người ở quê lên chơi vợ làm gì, chồng làm gì? Lần trước về thăm ông bà nội đầy đủ cả vợ cả chồng, đến hôm về ngoại thì chồng bảo có việc bận, phải đi họp (có giấy mời hẳn hoi) nhưng vợ không chấp nhận, còn bảo: “Không họp cũng chẳng làm sao, chỉ tại anh không thích về thăm bố mẹ tôi thôi”. Vậy là… (cãi nhau là cái chắc!).