Ngoại tình chỉ vì cần người... nói chuyện
Nếu như có những người đàn bà bỏ chồng đi theo giai chỉ vì lóa mắt bởi đồng tiền thì cũng có người vợ phản bội chồng chỉ bắt đầu từ chỗ đi tìm người để… nói chuyện.
Một vị thẩm phán đã từng xử ly hôn nhiều năm nhận xét, trong số hàng nghìn vụ ly hôn hàng năm ông phải thụ lý, chỉ có khoảng 5% là bi kịch gia đình thực sự, còn lại là những nguyên nhân hết sức vớ vẩn. Điều đó cho thấy kẻ tàn sát hôn nhân nhiều khi chẳng phải là cái gì to tát mà chính là những điều hết sức nhỏ bé len lỏi trong cuộc sống đời thường.
Trang làm CEO cho một công ty bảo hiểm, công việc hái ra tiền và khá bận rộn. Chồng ốm nằm trong bệnh viện, chị liền thuê cho chồng một cô ôsin để chăm sóc và nghĩ rằng như thế là đủ. Rồi công việc bận rộn cứ kéo Trang đi cả tuần không thấy ghé thăm chồng. Trang nghĩ rằng: “phải làm thì mới có tiền, mà tiền thì có thể giải quyết được mọi việc và trả viện phí cho chồng”. Những chuyện đó đôi khi bị chúng ta coi là những chuyện vặt, chuyện không đáng gì nhưng lại là những điều có thể giết chết hôn nhân. Cho nên, có khi người sống với ta hàng ngày, ăn với ta cùng mâm, ngủ cùng giường khao khát một điều gì đó rất nhỏ thôi nhưng ta không làm được không phải vì không làm được mà do không biết đó là cái gì.
Những nghiên cứu về sự chung thủy trong hôn nhân gần đây cho thấy nhiều phát hiện khác hẳn với suy nghĩ của một số người. Nhiều chuyên gia cho rằng xã hội càng phát triển, mức sống càng cao thì nhu cầu của con người càng phức tạp và tinh tế. Nếu như khi còn khó khăn, miếng cơm manh áo, nhà cao cửa đẹp là điều khó khăn để mơ tới thì khi những điều đó đã đủ rồi, thậm chí dư thừa rồi, những nhu cầu khác lại xuất hiện. Đó là những cái không phải là thiết yếu, nghĩa là thiếu nó cũng không chết ai mà chỉ làm cho người ta không cảm thấy hạnh phúc. Điều đó giải thích vì sao chỉ số hạnh phúc của con người ở những nước phát triển tỉ lệ nghịch với thu nhập của họ. Nghĩa là vật chất càng dư thừa thì sự hài lòng với cuộc sống càng thấp đi. Số người ly hôn, chán đời, tự tử tăng lên đang trở thành vấn đề của các xã hội phát triển.
Từ đó có thể rút ra rằng, mức sống càng nâng cao thì càng phải quan tâm đến những “chuyện vặt” hơn. Nếu như có những người đàn bà bỏ chồng đi theo giai chỉ vì lóa mắt bởi đồng tiền thì cũng có người vợ phản bội chồng chỉ vì bắt đầu từ chỗ đi tìm người để… nói chuyện, vì chồng chị không bao giờ ngồi nói chuyện với vợ quá 15 phút.
Một bằng chứng rõ ràng về những “chuyện vặt” phá hủy hôn nhân ở Hàn Quốc hiện nay là các tòa án ly hôn đều phải làm việc bận rộn nhất vào ngày đầu tuần vì các đôi vợ chồng thường cãi nhau, lục đục vào hai ngày nghỉ cuối tuần và sáng hôm sau kéo nhau ra tòa sớm. Hàn Quốc cũng là nước áp dụng luật ly hôn tức thì, không phải chờ đợi một ngày nào để ly dị. Các đôi xin ly hôn được phát cho mẫu đơn có sẵn, họ chỉ việc ký tên vào và bản án ly dị ấy có hiệu lực ngay tức thì. Chính vì thế, số vụ ly hôn từ hơn 68 nghìn vụ năm 1995 đã tăng lên 157 nghìn vụ năm 2003.
Có hàng nghìn “chuyện vặt” diễn ra trong cuộc sống hôn nhân của mỗi cặp vợ chồng. Nếu không biết xử lý thì ‘cái nảy sảy cái ung”, chuyện nhỏ cũng thành chuyện lớn, có thể làm tan vỡ cả những cuộc hôn nhân lúc đầu rất tốt đẹp. Có điều, với những nguyên nhân lớn đôi khi ta muốn giải quyết nhưng “lực bất tòng tâm” nên không cứu vãn được vì thế chẳng có gì đáng trách. Nhưng chuyện vặt là những cái ai cũng làm được lại không làm, để nó hóa thành chuyện lớn, chia rẽ hôn nhân thì quả là điều đáng tiếc.