Lý giải hiện tượng nữ nhân viên văn phòng thu nhập 15 triệu học cách đầu tư “mang tiền về cho mẹ thì mẹ không lấy nhưng mang “vàng” về thì mẹ cười tươi rói”
Gần đây giá vàng SJC lại đang tiến đến một mốc tăng mới, tiệm cận mức đỉnh trên 70 triệu/lượng, hồi tháng 03.2022. Trong cơn sốt giá vàng lại có nhiều câu chuyện đầu tư đáng để suy ngẫm.
Chuyện đầu tư thì không của riêng ai, nhưng có một việc mà rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều công nhận: Người Châu Á và đặc trưng là các chị, các mẹ là những "thủ quỹ" và "nhà băng" vàng kỳ cựu. Đặc biệt trong nhiều diễn biến phức tạp vừa qua, giá vàng trong nước biến động mạnh so với giá quốc tế khi chỉ trong 1 tháng giá sản phẩm vàng miếng SJC đã khiến nhiều nhà đầu tư vàng lướt sóng lỗ nặng, gây nên áp lực tâm lý đến những ai đang sở hữu vàng và đầu tư ở giai đoạn đầu năm. Nhưng sự kiện vàng tăng giảm ngay lập tức "không lay động" đến niềm tin của những "nhà đầu tư" kỳ cựu là mẹ và bà. Lý do tại sao?
Câu chuyện 1: Mang tiền về cho mẹ thì không nhận, nhưng mang vàng về thì cười phớ lớ
Mới đây trong một group kín có chia sẻ câu chuyện của một bạn trẻ: "Năm nay em mới bước sang 26 tuổi. Đi làm được hơn 2 năm (có một thời gian thất nghiệp hơn 1 năm nhưng cũng làm bán hàng tại công ty hiện giờ), công việc chính là sales sản phẩm organic, ngoài ra em còn nhận thêm một công việc nhỏ PG bán thời gian cuối tuần tại siêu thị cho sản phẩm công ty. Lương thì tầm 10 triệu/tháng, nhưng nhờ có nhiều tháng đạt KPI nên hiện tại may mắn cũng đang ổn định cơ bản với mức tầm 15 triệu/tháng. Em thì chưa kết hôn, sống ở nhà với mẹ (mẹ một mình nuôi em) nên có thể để dư ra được khoảng từ 4-5 triệu (từ lúc đi làm hình như em có xài nhiều hơn thời sinh viên một chút). Em có ý định gửi tiền cho mẹ để báo hiếu, nhưng mấy tháng trời đưa mà mẹ không nhận, mẹ chỉ bảo: Mua vàng đi thì mẹ giữ hộ cho!".
Tìm hiểu sâu về lý do này, thì Bác Thuật (67 tuổi, Hà Nội đang sống tại Nha Trang) công nhân viên chức về hưu cho hay: "Ngân hàng và đồng tiền của của Việt Nam lạ lắm đã đổi đến 7-8 lần trong thời của bác, tiền giấy thì chỉ mấy ông ngân hàng với buôn bán cần và thích thôi, nhưng nếu tích trữ thì bác vẫn mua vàng nhẫn, vàng miếng đeo tay thôi!".
Từ lý do này, có thể nhận thấy phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những phụ nữ Châu Á thích trang sức, thích vàng không phải là không có lý do. Vì với lịch sử biến động chính trị, chuyển đổi cơ chế kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường tự do như với 8 lần đổi tiền ở Việt Nam. Những ai đã sống qua những lần đổi tiền, chuyển chế độ hay kinh tế ngầm thì sẽ hiểu vàng chính là một loại tiền tệ. Nhà nước có thể in tiền nhưng không in được vàng. Hầu hết vàng hiện tại được sản xuất rất hạn chế. Tâm lý và kinh nghiệm chính là những gì những "nhà đầu tư" kỳ cựu này có được.
Câu chuyện 2: Lương dư là lại "mua vàng để dành, sau thời gian lên giá giờ lời quá chừng!"
Cũng cùng chủ đề chị em văn phòng đầu tư vàng, như thế nào mới đúng? Một bạn nhân viên Marketing trong cùng tòa nhà 123 Võ Văn Tần, Tp. HCM tiết lộ chuyện "thâm cung bí sử": "Mẹ mình kể, có bà chị họ tốt nghiệp, đi làm đâu đó hơn 12 năm rồi, không thấy hẹn hò mấy, cũng ít mua sắm. Cứ thấy mỗi năm bả lại mua 1 miếng vàng để dành, lúc trước mua chỉ có 30 – 35 triệu/lượng, sau 1 thời gian lên giá giờ với hơn chục lượng vàng, tự nhiên bả lời quá chừng, nhìn bả cũng bằng ánh mắt khác liền!".
Có thể thấy, hiện nay có không ít chị em tư duy từ rất sớm trong việc tích lũy đầu tư nhưng cái chính của việc tiết kiệm không phải là để tư duy tằn tiện, sống kham khổ. Người trẻ thì ngoài tiết kiệm còn cần học cách nâng cấp bản thân, trải nghiệm cuộc sống. Như một bình luận nhận được rất nhiều quan tâm của các chị em: "Hãy đầu tư một phần vào bản thân gồm tri thức kĩ năng và quan hệ. Tuổi trẻ nên trải nghiệm nhiều một chút. Rồi kế tiếp hãy nghĩ đến chuyện tiết kiệm tiền".
Theo quan điểm này với người trẻ nên học cách cân bằng từ sớm hơn là học cách đầu tư, chẳng hạn như có thể học cách của Bác Thuật chia sẻ:
- Bỏ ra 1 ít để học ngoại ngữ, kỹ năng hoặc tài lẻ.
- Mua 1/2 chỉ vàng 1 tháng. Vàng có thể lên xuống theo tỉ giá nhưng nếu mua mỗi tháng 1/2 chỉ thì cũng không phải đáng nghĩ lắm. Coi như bỏ ống. Thời gian căn ke đấy để làm việc khác tốt hơn.
- Còn trẻ, ráng "cày" thêm tích lũy tiền bạc và vốn sống.
- Khi có 1 số tiền hòm hòm, tài chính ổn định, có thể vay mua 1 căn nhà nhỏ hoặc bất động sản ở quê hoặc ở vùng ngoại ô tiềm năng (ở tầm ngân sách cỡ 350 triệu có cho thổ cư, có di chuyển thuận tiện và tính toán cho thuê một ít, khoản tiền có được từ cho thuê có thể bao phủ được khoản lãi ngân hàng, tiền dư hàng tháng để trả gốc). Sau vài năm, có thể bán căn nhà đó đi để đầu tư chỗ khác hoặc lại tiếp tục bổ sung vàng nếu thích.
Kết:
Cuối cùng điều quan trọng mà "mẹ chỉ nhận vàng không nhận tiền" của con cái nằm ở việc người đầu tư có kế hoạch tài chính như thế nào. Vàng hay chứng khoán hoặc bất kỳ loại hình đầu tư tài chính nào nếu chị em biết cách thu vén, có kế hoạch "tích tiểu thành đại" thì có thể nhanh chóng đạt được mức tự do tài chính mong đợi.