Lý giải biến chứng cục máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca
Các nhà khoa học vừa cho biết, những cục máu đông gây chết người liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) và AstraZeneca Plc là do phản ứng tự miễn dịch mà một số người dễ mắc phải, Bloomberg đưa tin.
Trong một bức thư gửi Tạp chí Y học New England ngày 15/5, một nhóm nhà khoa học nói rằng các loại vắc xin dựa trên Adenovirus, như sản phẩm của J&J và AstraZeneca , chứa một thành phần có thể gây ra cục máu đông ở những người dễ mắc bệnh di truyền. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ xác định thủ phạm và loại bỏ nó bằng kỹ thuật di truyền.
GS Tom Gordon, trưởng khoa miễn dịch học của Đại học Flinders ở Nam Úc, là người thực hiện nghiên cứu phân tử dẫn đến phát hiện này. Ông cho biết, vẫn chưa thể xác định có bao nhiêu người dễ bị biến chứng.
GS Tom Gordon nói trong một cuộc phỏng vấn rằng phản ứng miễn dịch liên quan tiêm vắc xin COVID-19 là “căn bệnh mới”.
“Tôi nghĩ, khi các bác sĩ huyết học và chuyên gia y tế trở nên quen thuộc hơn với tình trạng này thì sẽ có nhiều trường hợp được mô tả hơn”.
Theo Trường Y Yale, trong số hơn 18 triệu người tiêm vắc xin J&J liều đơn đã phát hiện 60 trường hợp mắc chứng rối loạn đông máu và 9 người tử vong.
Một số ít ca tử vong liên quan đến cục máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca dẫn đến việc thu hồi hoặc hạn chế sử dụng vắc xin này ở Đan Mạch, Na Uy và một số quốc gia khác vào năm 2021.
Biến chứng xảy ra ở khoảng 2 - 3 người trên 100.000 người được tiêm vắc xin AstraZeneca dưới 60 tuổi ở Úc. Ủy ban châu Âu đã rút giấy phép tiếp thị vắc xin này vào tháng 3 vừa qua.
“AstraZeneca hoan nghênh bất kỳ cuộc kiểm tra sâu hơn nào về cơ chế tiềm ẩn có thể gây ra huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), vì dù đã điều tra sâu rộng, chúng tôi vẫn chưa hiểu cơ chế mà trong những trường hợp rất hiếm có thể là nguyên nhân gây ra TTS”, người phát ngôn của công ty cho biết.
J&J cũng cho biết họ ủng hộ nghiên cứu giúp hướng dẫn phát triển vắc xin an toàn và hiệu quả.
“Cần có thêm dữ liệu để hiểu đầy đủ các yếu tố tiềm ẩn có thể liên quan đến hiện tượng hiếm gặp này, bao gồm sự liên quan tiềm ẩn của nó với adeno và các loại virus khác, để đưa ra kết luận phù hợp về cơ chế bệnh sinh cơ bản”, thông báo của công ty nêu rõ.
Một phân tích khẳng định AstraZeneca đã cứu sống khoảng 6,3 triệu người trong năm 2021, khi COVID-19 đang hoành hành. Vắc xin mRNA do đối tác Pfizer Inc-BioNTech và Moderna Inc sản xuất sau đó được đánh giá là có hiệu quả cao hơn và đã được thay đổi để phù hợp với các biến thể virus mới.
Theo Bloomberg