Lý do không nên xay đầu tôm để nấu canh?

MINH ANH(Tổng hợp)/ VTC News,
Chia sẻ

Xay đầu tôm để nấu canh là cách mà nhiều người vẫn làm để tận dụng bộ phận này, đem lại nồi canh ngọt lịm, tuy nhiên cách này không đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Tôm là thực phẩm được nhiều bà nội trợ yêu thích vì có thể chế biến thành nhiều món ăn, vừa hợp sở thích của nhiều người vừa bổ dưỡng. So với cá và gia cầm, tôm có ít chất béo, nhiều vitamin A, kali, iốt, magiê, phốt pho và các nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe khác. Thực phẩm này có tác dụng giảm viêm, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tuyến giáp và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.

Trong 100gr tôm chứa 17-20gr protein. Với những người sức khỏe kém, cần bổ sung canxi, chất đạm thì tôm là lựa chọn tuyệt vời. Ngoài thịt tôm là phần bổ dưỡng nhất, nhiều người dùng phần đầu để chiên giòn hoặc nấu canh. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên không nên xay đầu tôm nấu canh để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Lý do không nên xay đầu tôm nấu canh?

Theo chia sẻ của bác sỹ Trương Nhật Khuê Tường (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trên Vietnamnet , tôm tốt cho những người cần giảm béo, ăn kiêng. Chế độ dinh dưỡng có tôm giúp giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch vì tôm chứa nhiều omega-3, giảm cholesterol trong máu. Tôm bổ sung kẽm, sắt cho những người thiếu dinh dưỡng. Người có tiền sử dị ứng với tôm thì nên thận trọng.

Chất dinh dưỡng của tôm tập trung nhiều nhất ở phần thịt. Nhiều người tưởng rằng canxi tập trung ở phần đầu, mắt tôm giúp sáng mắt nên thường xay để nấu canh hoặc chiên nguyên phần này. Tuy nhiên, theo BS Trường, đầu tôm là khoang rỗng chứa nhiều chất cặn bã, ký sinh trùng, kim loại nặng gây ảnh hưởng sức khỏe.

Do đó, bạn không nên ăn đầu tôm, cũng không nên xay đầu tôm nấu canh vì như vậy là bạn sẽ nạp vào người cả những chất bẩn đó.

Lý do không nên xay đầu tôm để nấu canh? - Ảnh 1.

Đầu tôm là khoang rỗng chứa các chất cặn bã, ký sinh trùng, kim loại nặng, đó là lý do lý do không nên xay đầu tôm để nấu canh. (Ảnh: Printerest)

Những bộ phận của tôm không nên ăn

Nhiều người không thích vỏ tôm nhưng vẫn ăn vì nghĩ phần này chứa nhiều canxi. Báo VnExpress dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết canxi trong vỏ tôm gần như không có hoặc có rất ít. Vỏ tôm cứng do có thành phần chính là chitin, một dạng polymer cấu thành lớp vỏ cho phần lớn các loài giáp xác. Nguồn canxi chủ yếu đến từ thịt tôm.

Vỏ tôm không có giá trị dinh dưỡng và còn khó tiêu hóa; tuyệt đối không cho trẻ nhỏ ăn bởi dễ bị hóc.

Khi làm tôm, bạn cũng nên loại bỏ sợi chỉ đen đậm ở lưng vì đó là đường tiêu hóa chứa chất thải của tôm, gây sạn khi ăn. Đường này thường chỉ nhìn thấy ở những con tôm to.

Các vi khuẩn trong chỉ tôm đã chết ở nhiệt độ cao khi nấu. Tuy nhiên bạn nên loại bỏ đường chỉ tôm để món ăn được sạch và yên tâm hơn.

Cách sơ chế tôm sạch

Việc sơ chế tôm sạch và khéo léo giúp giữ được nguyên con tôm để món ăn trông đẹp mắt hơn, có thể dùng cho món tôm nướng, tôm chiên, tôm luộc, gỏi tôm...

Cách làm như sau: Giữ chặt con tôm trên tay, dùng đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái một bên giữ chặt phần đầu, còn đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái còn lại giữ chặt phần thân tôm.

Tiếp theo, bạn gập phần đầu với thân, đồng thời bóp phần túi phân ra ngoài, nắm giữ một phần chỉ đen rồi kéo ra. Cuối cùng, bạn rửa tôm với nước sạch.

Chia sẻ