Lưu ý quan trọng với phụ huynh có con vào lớp 1 năm 2020, năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bắt đầu từ năm 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng cho học sinh lớp 1 với một số thay đổi lớn.
Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng như sau:
Năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường sẽ tự chọn bộ sách giáo khoa
Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, có 32 bản thảo sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHSP TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK để giảng dạy bắt đầu từ năm học 2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa rồi sử dụng trong toàn tỉnh mà hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.
Dự kiến các sách giáo khoa mới sẽ có giá cao hơn so với sách hiện hành.
Các môn học ít hơn
Nếu như trước đây học sinh lớp 1 phải học đến 10 môn thì trong chương trình giáo dục mới, các em sẽ phải học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể:
Cấp Tiểu học
- Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
- Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
- Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Học sinh được giảm số môn học nhưng lại tăng tiết học. Chương trình áp dụng cho học sinh tiểu học được quy định cứng là 2.838 giờ, trong khi chương trình hiện hành học sinh học 2.353 giờ (tăng 485 giờ). Điều này được lý giải, so với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học áp dụng chương trình mới trên toàn quốc sẽ được học 2 buổi/ngày.
Trong chương trình mới, thời lượng môn giáo dục thể chất bậc tiểu học tăng lên 35 tiết so với hiện nay.
Học 2 buổi/ngày
Chương trình mới thống nhất thực hiện dạy học 02 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 07 tiết học; mỗi tiết học 35 phút; có điều kiện tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.
Ngoài ra, còn được thiết kế theo hướng mở và trao quyền chủ động cho nhà trường, cho chính giáo viên. Thầy cô giáo sẽ có quyền trong việc xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu là dạy học phát triển năng lực cho học sinh.
Những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảm kiến thức lý thuyết
Chương trình hiện nay thiên về trang bị kiến thức, do đó chứa đựng nhiều nội dung hàn lâm, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Ngay từ lớp 1, học sinh sẽ được học về các hoạt động trải nghiệm, và đây được coi là một hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể, học sinh được học một số việc tự chăm sóc bản thân; Sắp xếp nhà cửa gọn gàng; Làm quen với bạn mới; Thiết lập mối quan hệ với hàng xóm…